Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2024 | 21:35

Lạng Sơn: Hàng chục hộ dân di dời khẩn cấp do sạt lở đất

Hai điểm sạt lở xuất hiện tại thị trấn Lộc Bình và thị trấn Na Dương (Lộc Bình - Lạng Sơn), khiến hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Ngày 13/9, đoàn công tác của ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn cùng đại diện một số sở, ngành đã kiểm tra thực tế tình hình sạt lở nguy hiểm tại 2 điểm trên địa bàn huyện Lộc Bình. Đó là điểm sạt lở nguy hiểm khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình và điểm sạt lở nguy hiểm tại khu đồi đoạn Km33/QL4B, khu 8+10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình.

Tại điểm sạt lở khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, sạt lở đồi diễn ra vào khoảng 17 giờ ngày 10/9. Qua kiểm tra sơ bộ, vị trí sạt lở có vết trượt dài khoảng 100m, đã trượt xuống khoảng 1,2-1,5m. Từ đỉnh cung trượt đến phía sau các nhà dân là 50m.

Phía chân cung trượt có 7 hộ dân đang sinh sống với 17 nhân khẩu. Đất sạt đã lấp vào công trình phụ, tường rào của các hộ dân gây hư hỏng. Vị trí sạt lở tiếp tục có nguy cơ sạt trượt xuống phía dưới gây nguy hiểm cho các hộ dân.

Tại khu 8+10, thị trấn Na Dương, vụ sạt lở diễn ra khoảng 6 giờ ngày 8/9/2024. Qua kiểm tra sơ bộ, vị trí sạt lở có cung trượt cạnh đáy dài khoảng 150m, đỉnh cung trượt dài khoảng 41m, chiều dài cạnh đáy đến đỉnh cung trượt khoảng 100m.

Điểm sạt lở tại khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình khiến nhiều hộ dân phải di dời. Ảnh: Nguyễn Quyết.

Phía chân cung trượt hiện có 14 hộ dân đang sinh sống với 49 nhân khẩu (trong đó 39 nhân khẩu đang ở nhà, 10 nhân khẩu đang đi học, đi làm không có mặt ở nhà). Ảnh hưởng của sạt lở đất khiến cho công trình phụ, tường rào của 4 hộ bị hư hỏng.

Dự báo khối trượt sẽ tiếp tục dịch chuyển, ảnh hưởng đến nhà chính và các công trình khác của người dân tại vị trí sạt lở.

UBND huyện Lộc Bình đã huy động lực lượng đến giúp các hộ dân di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn; tổ chức căng dây cảnh báo nguy hiểm quanh khu vực nhà dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở; cắt cử lực lượng trực tại vị trí nguy hiểm.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết đây là 2 điểm sạt lở rất nguy hiểm, trong khi đó, thời tiết còn diễn biến phức tạp có thể gây ra sạt lở lớn. UBND thị trấn Lộc Bình và thị trấn Na Dương và các đơn vị liên quan được yêu cầu tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sạt lở; bố trí lực lượng trực, canh gác chưa để người dân quay trở lại sinh sống tại khu vực sạt lở vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Trên thực tế, sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai rất nguy hiểm, có thể xảy ra ở những nơi mà người dân không ngờ tới. Sạt lở đất cũng là một trong những vấn đề rất lớn mà bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Con số thương vong, mất tích về sạt lở đất vẫn đang tăng lên từng ngày tại nhiều địa phương.

Trước tình hình trên, tiến sĩ Nguyễn Đại Trung, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường  khuyến nghị, chính quyền địa phương cần hướng dẫn cho đơn vị cấp xã sử dụng được tài liệu của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã chuyển giao cho địa phương xây dựng. Thứ hai, phải chuẩn bị phương án, tìm ra các địa điểm di dời dân khẩn cấp đến nơi an toàn. Thứ ba, tuyên truyền thông tin, chuẩn bị cho người dân các kỹ năng tối thiểu, tổ chức tập huấn, cảnh báo sớm sạt lở đất xảy ra trong điều kiện bình thường. Khi lượng mưa quá lớn, trưởng thôn, trưởng bản kéo còi báo động, tuýt còi hụ thông báo cho người dân và lập tức người dân sẽ di chuyển đến nơi được quy định là an toàn. Chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, cấp thôn phải có phương án phân luồng giao thông, cảnh báo sớm và luôn ở trong tình trạng chuẩn bị "4 tại chỗ" để khi có mưa, bão lớn kéo dài, phải thông báo, thông tin kịp thời đến nhân dân địa phương bằng mọi phương tiện. Trong điều kiện bị mất mạng lưới thông tin, cần phải có bộ đàm điều khiển và giao cho các thôn trực tiếp làm nhiệm vụ.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top