Sau 1 tuần xảy ra thiên tai, tỉnh Lào Cai bắt đầu khôi phục lai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu…
Do ảnh hưởng của thiên tai, toàn tỉnh hiện có 26 dự án thủy điện bị hư hỏng hạng mục công trình, phải dừng phát điện. Giá trị thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tổng ước thiệt hại gần 320 tỷ đồng.
Lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh có 35 học sinh bị chết và mất tích, 600 hộ gia đình giáo viên, nhân viên cần phải hỗ trợ, 73 trường học bị ảnh hưởng về cơ sở vật chất. 77 trường học chưa thể tổ chức dạy học trở lại theo kế hoạch từ ngày 16/9/2024.
Thông tin liên lạc bị chia cắt, mất điện sinh hoạt tại nhiều địa bàn. Hiện vẫn còn 3 xã chưa có điện 100% là A Mú Sung và A Lù (Bát Xát) và Quan Thần Sán (Si Ma Cai).
Về y tế, hiện có 37 bệnh nhân bị ảnh hưởng bão lũ đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Một số bệnh nhân nặng đã được đưa về tuyến Trung ương điều trị. Ngành y tế đã thực hiện kịp thời công tác vệ sinh môi trường, thuốc, vật tư y tế đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.
Khảo sát địa điểm tái định cư cho người dân Làng Nủ.
Theo đó, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo: Các địa phương phải rà soát thật kỹ lưỡng để tất cả người dân không bị thiếu đói, nhất là những gia đình bị thiệt hại về người, đồng thời đảm bảo các hộ trong diện di rời có chỗ ở an toàn; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, nước uống cho vùng bị thiệt hại do thiên tai; cần xác định các công việc cấp thiết trong khắc phục hậu quả bão lũ để thực hiện.
Trước hết là xây dựng ngay các khu tái định cư cho những hộ bị thiệt hại về nhà ở; trước mắt tập trung cho 2 khu tái định cư Làng Nủ và Nậm Tông xong trước 31/12/2024 theo cơ chế xã hội hóa.
Kiểm tra các địa điểm nguy cơ sạt lở khác, các nơi bị sập nhà trên địa bàn toàn tỉnh để ổn định cuộc sống cho người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai. Đảm bảo nơi ở gắn với nơi sản xuất của người dân.
Lấy ý kiến nhân dân về khu tái định cư mới.
Cần có phương án hỗ trợ giống cây trồng cho hộ bị thiệt hại do mưa lũ, các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch để sớm chủ động phương án sản xuất.
Ngành giáo dục khẩn trương, chủ động và phối hợp với các địa phương rà soát cơ sở vật chất các trường học, đề xuất hỗ trợ sách, đồ dùng học tập đảm bảo công tác dạy và học trong thời gian sớm.
Đối với việc hỗ trợ người bị ảnh hưởng, các xã, thị trấn đã tập trung lực lượng rà soát, phân bổ đồ cứu trợ tránh người được nhiều, được ít hoặc không được. Để đảm bảo công bằng tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị tiếp nhận và cùng với nhà thiện nguyện trao tới các xã, phường, thị trấn và cùng với cấp xã phân phát ngay hàng hóa tới tận tay người bị thiệt hại.
Toàn tỉnh tập trung khôi phục lại nhà ở, tổ chức lại sản xuất cho người dân các vùng bị thiên tai vượt qua đau thương, sớm ổn định cuộc sống.