Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024 | 11:0

Miền Trung: Phòng chống cháy rừng khi nắng nóng kéo dài

Trong những ngày vừa qua, mặc dù mới chỉ bắt đầu vào mùa hè nhưng nhiệt độ ở các tỉnh miền Trung đã trở lên gay gắt, nguy cơ cháy rừng là rất cao.

Dó đó, nhiều tỉnh đã chuẩn bị mọi phương án tại chỗ khi có sự cố cháy rừng xảy ra, là điều quan trọng nhất để dập tắt đám cháy, không để lây lan làm thiệt hại đến diện tích rừng và kinh tế của người trồng rừng.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày đầu tháng 4, các khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi hơn 38 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-50%. Thời gian nắng nóng trong ngày từ 11-17 giờ.

Nguyên nhân xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài là do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023.

Nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, kèm theo thiếu hụt lượng mưa, làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên để dẫn đến các vụ cháy rừng xảy ra trong những năm vừa qua.

Ngoài nguyên nhân trên còn có việc bà con bất cẩn trong quá trình khai hoang, đốt rẫy, làm nương, bất cẩn khi thắp hương, đốt vàng mã và dọn thực bì, đốt lửa xua ong lấy mật, vứt mẫu tàn thuốc lá cháy dở xuống lớp thực bì ở rừng...

Trưa 6/4 vừa qua, UBND huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) cho biết, đã xác định nguyên nhân vụ cháy rừng tràm tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) vào đêm 5/4.

Lực lượng chức năng nỗ lực khống chế vụ cháy rừng tràm trong đêm 5/4. (ảnh báo CAND)

Trước đó, khoảng 20h40 ngày 5/4, lực lượng chức năng nhận được tin báo về việc xảy ra đám cháy lớn tại khu vực rừng tràm thuộc tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô. Ngay sau đó, chính quyền thị trấn Lăng Cô phối hợp với lực Công an, Đồn Biên phòng Lăng Cô, Kiểm lâm cùng các lực lượng chức năng đã khống chế vụ cháy.

Sau gần 1 giờ tích cực chữa cháy, vụ cháy rừng được các lực lượng khống chế, khoanh vùng và dập tắt, không để cháy lan ra các khu vực rừng xung quanh. Vụ cháy đã gây thiệt hại khoảng hơn 1ha rừng tràm.

Nguyên nhân cháy rừng được xác định là do người dân bất cẩn trong lúc đốt thực bì. khu vực rừng tràm được giao cho người dân này quản lý, khai thác. Do bất cẩn nên lửa đã bùng phát mạnh sang khu vực xung quanh làm cháy hơn 1ha rừng tràm.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế hiện có 306.432,65 hecta đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên 205.587,40 hecta và rừng trồng 100.845,25 hecta, tỷ lệ che phủ rừng 57,16%. Năm 2023, xảy ra 66 vụ cháy rừng với diện tích cháy 60,23 hecta, trong đó có 22 vụ gây thiệt hại khoảng 25,61 hecta.

Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng có 5 vụ cháy liên tiếp xảy ra trong thời gian 7 ngày. Từ đầu năm 2024 đến nay, xảy ra 6 vụ cháy với tổng diện tích 12,7 hecta, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3 vụ.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết thêm, ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan dẫn đến cháy rừng do một số người dân sống xử lý thực bì, thắp hương, đốt vàng mã tại các nghĩa trang gần rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng nên đã dẫn đến các vụ cháy rừng.

Xây dựng phương án ứng phó với cháy rừng

Để giảm thiểu các vụ cháy rừng xảy ra, đồng thời khi xảy ra cháy các lực lươnghj chức năng có mặt kịp thời để chữa cháy, không để đám cháy lây lan là điều quan trọng nhất. Theo Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, để phòng chống cháy rừng, trong thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", "năm sẵn sàng", phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong trong thời gian cao điểm nắng nóng.

Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố phát quang đường băng cản lửa tại tiểu khu 43, xã Kim Hoa. (ảnh báo Hà Tĩnh điện tử)

Ngoài ra, phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm tra an toàn về phòng chống cháy rừng tại các địa phương, nhất là khu vực trọng điểm. Cùng với đó, hướng dẫn, kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, giám sát chặt chẽ việc xử lý thực bì.

"Để tăng cường quản lý, giám sát, chúng tôi sẽ sử dụng thiết bị bay không người lái (Flycam) để quan sát, ghi nhận hình ảnh, truyền dữ liệu hiện trường giúp cho công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy được hiệu quả hơn", ông Lê Ngọc Tuấn cho biết.

Còn theo Trưởng BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố (Hà Tĩnh) ông Nguyễn Hữu An, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ngàn Phố chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 25.000 ha rừng và đất rừng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Hương Sơn, trong đó có hơn 6.000 ha thông, thông xen keo. Đặc biệt, phần diện tích rừng trồng (3.000ha) nằm đan xen ở các khu dân cư nên việc kiểm soát lượng người vào rừng phức tạp khiến công tác bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng (BVR-PCCCR) trở nên khó khăn hơn.

Ông An cho biết: “Năm nay, đơn vị phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các địa phương ở huyện Hương Sơn tăng cường thời lượng tuyên truyền lên gấp 2 lần so với những năm trước nhằm nâng cao ý thức cho người dân khi vào rừng. Tại các buổi tuyên truyền, đội ngũ tuyên truyền viên nhấn mạnh đến việc xử lý “mạnh tay” các hành vi vi phạm để tăng tính răn đe đối với người dân”.

Đến thời điểm này, các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ rừng cho hơn 15.000 lượt người dân ở các địa phương. BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố huy động nhân công tu sửa hơn 60 biển tường tuyên truyền; đầu tư hàng trăm triệu động mua sắm các trang thiết bị chữa cháy như: máy thổi lửa, bình chữa cháy, và các dụng cụ chữa cháy rừng.

“Đơn vị đầu tư hơn 500 triệu đồng thuê nhiều máy xúc ủi chuyên dụng để mở rộng đường băng cản lửa nhằm hạn chế và ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy rừng lan rộng. Đây là điểm mới trong công tác BVR- PCCCR năm nay” - ông Nguyễn Hữu An cho biết thêm.

Tục tập trung cao độ thực hiện các giải pháp phòng chống cháy rừng, ứng dụng công nghệ trong dự báo, cảnh báo nguy cơ và phát hiện sớm cháy rừng. Thực hiện mua sắm trang thiết bị chữa cháy, rà soát phương án đảm bảo sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả, là một trong những biện pháp để xử lý khi có cháy rừng xảy ra. Điều quan trọng nhất là cần phải kiểm tra thường xuyên, tuyên truyền cho bà con nhân dân tự giác phòng chống cháy rừng, vận dụng phương án 4 tại chỗ để kịp thời dập tắt đám cháy. Có như vậy chúng ta mới có thể giữ được diện tích rừng và để bà con trồng rừng không lo thiệt hại do cháy rừng gây ra.

 

Theo Sức khỏe đời sống, Nhân dân điện tử, Báo Hà Tĩnh điện tử, báo CAND điện tử

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top