Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024 | 15:58

Mở cửa thị trường Hàn Quốc cho nông sản

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam. Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng mạnh, trung bình đạt hơn 2 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016-2023.

Thống kê của VASEP cho thấy, sau khi VKFTA có hiệu lực vào cuối tháng 12/2015, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng trưởng rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu từ 585 triệu USD năm 2015 lên 787 triệu USD năm 2023, tăng 35%. Chuyên gia thị trường tôm của VASEP Phùng Thị Kim Thu cho biết: Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37% tổng giá trị xuất khẩu. Việt Nam hiện đứng thứ 2 về cung cấp mực, bạch tuộc cho Hàn Quốc, sau Trung Quốc. Dự kiến xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong quý I/2024. Ngoài ra, tôm cũng là sản phẩm thủy sản chủ lực xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Ảnh minh họa

Thời gian tới, thị trường này sẽ vẫn là điểm đến của nhiều doanh nghiệp do có lợi thế vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định, nhất là trong bối cảnh lạm phát khiến tiêu thụ giảm mạnh ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Mặt khác, khi giá cước vận tải biển đi Mỹ và châu Âu tăng vọt thì những thị trường gần hơn như Hàn Quốc sẽ có sức thu hút lớn đối với doanh nghiệp.

Cùng với thủy sản, các sản phẩm từ cây công nghiệp cũng có nhiều triển vọng xuất khẩu vào Hàn Quốc trong năm 2024. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2023, Hàn Quốc tăng nhập khẩu cà-phê từ Việt Nam, mức tăng 17,9% về lượng và tăng 16,3% về trị giá so với năm 2022, đạt 41,45 nghìn tấn, trị giá 93,35 triệu USD. Thị phần cà-phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng từ 17,15% năm 2022 lên 21,52% trong năm 2023. Dự kiến doanh thu của thị trường cà-phê Hàn Quốc sẽ đạt 2,2 tỷ USD trong năm 2024.

Đây là cơ hội cho các nước sản xuất cà-phê trên thế giới đẩy mạnh xuất khẩu tới Hàn Quốc, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, hai tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 3 của Việt Nam, đạt 8,2 nghìn tấn, trị giá 12,77 triệu USD, tăng 61,7% về lượng và tăng 60,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng đối với mặt hàng rau quả, năm 2023, Hàn Quốc cũng trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt 226 triệu USD, tăng 25% so với năm 2022. Thông tin từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, theo báo cáo “Triển vọng nông nghiệp 2024” do Viện Kinh tế nông thôn Hàn Quốc công bố vào giữa tháng 2/2024, nhập khẩu trái cây đông lạnh năm 2023 của Hàn Quốc là 64.000 tấn, tăng 6% so với năm 2022 (60.000 tấn). Năm 2024, nhập khẩu trái cây đông lạnh dự kiến sẽ tăng hơn nữa do Hàn Quốc áp dụng thuế hạn ngạch nhằm giảm hoặc miễn thuế đối với trái cây nhập khẩu để ổn định giá trái cây trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang thị trường này, nhất là trái cây.

Trong tháng 2/2024, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép sang Hàn Quốc, mở ra cơ hội thị trường mới cho mặt hàng này. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, xoài là sản phẩm trái cây nhiệt đới được ưa chuộng và có nhu cầu tiêu thụ cao tại thị trường Hàn Quốc. Do đó, dư địa xuất khẩu xoài còn rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với xu thế chung, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu vào Hàn Quốc phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, trái cây, cà-phê.

Đây cũng là nguyên nhân lớn khiến thị phần nông, lâm, thủy sản Việt Nam mới chỉ chiếm 4% trong tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Hàn Quốc năm 2023. Để thúc đẩy các hoạt động thương mại nông sản giữa hai nước, giữa tháng 3/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tổ chức hội thảo “Tầm nhìn hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030”.

Theo đó, KOICA sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp Việt Nam thông qua nhiều dự án như: Cải thiện chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết thị trường, tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tạo ra những nông sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thị trường Hàn Quốc.

 

Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi ích kép từ nuôi sâu canxi, trùn quế

    Lợi ích kép từ nuôi sâu canxi, trùn quế

    Nuôi sâu canxi giúp tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường và tạo thành ấu trùng sâu làm nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm.

  • Thu hơn trăm tỷ đồng một năm từ trồng quýt

    Thu hơn trăm tỷ đồng một năm từ trồng quýt

    Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hiện có trên 800 ha quýt, trong đó có trên 500 ha quýt đang cho thu hoạch, phần lớn diện tích là giống quýt sen. Dự kiến sản lượng quýt của địa phương năm nay đạt trên 6.000 tấn, trung bình đạt 12 tấn/ha, thu về khoảng 140 tỷ đồng.

  • Nuôi tôm công nghệ cao lợi nhuận mỗi ha từ 700 - 800 triệu đồng/vụ

    Nuôi tôm công nghệ cao lợi nhuận mỗi ha từ 700 - 800 triệu đồng/vụ

    Nuôi tôm công nghệ cao là mô hình nuôi thủy sản đang được ưu tiên phát triển ở khu vực ven biển của tỉnh Bến Tre. Thực tế cho thấy, nếu mô hình này được đầu tư đúng mức, áp dụng tốt các kỹ thuật vào sản xuất thì cho hiệu quả kinh tế rất cao.

  • Thọ Xuân đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao

    Thọ Xuân đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao

    Ghi nhận thành quả mà huyện Thọ Xuân đã đạt được trong việc thực hiện phong trào chung sức xây dựng NTM. Mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và công bố huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

  • Đưa sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm

    Đưa sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm

    Để nâng cao hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã và làng nghề tập trung thúc đẩy quảng bá, giới thiệu, kết nối và phát triển các kênh phân phối sản phẩm OCOP trên thị trường nước ngoài.

  • Long An: Điểm sáng du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP

    Long An: Điểm sáng du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP

    Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.

Top