Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 8 năm 2023 | 15:36

Mưa lớn tại miền núi phía Bắc gây thiệt hại nhà cửa, hoa màu

Những ngày qua, mưa lớn đã gây ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc. Đã có hơn chục người thương vong, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây ách tách giao thông tại Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Bắc Kạn...

Tại Bắc Kạn, mưa lớn trong ngày 7/8 khiến hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình và hoa màu của người dân bị ảnh hưởng.

Về nhà cửa, toàn tỉnh có 16 nhà ở bị ảnh hưởng, chủ yếu là sạt lở taluy dương phía sau nhà, tốc mái, trong đó nhiều nhất tại huyện Chợ Đồn với 7 hộ bị ảnh hưởng. Cùng với đó,  mưa lớn, nước lũ trên hệ thống sông, suối dâng cao cũng làm 14ha ruộng lúa, hoa màu của người dân bị lũ cuốn trôi,  ngập úng.

Do địa hình đồi núi, mưa lũ khiến nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng nghiêm trọng. Tuyến đường Bản Tết - Khe Thỉ (huyện Chợ Mới) có 7 vị trí bị sạt lở đất, 2 vị trí gây ách tắc giao thông, khối lượng đất sạt lở khoảng 1.500m3. Ngoài ra, có hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến giao thông tại các huyện Na Rì, Chợ Đồn. Tỉnh lộ 254B (huyện Chợ Đồn) sạt lở gây tắc đường trong nhiều giờ. Bên cạnh đó, nhiều công trình thủy lợi nhỏ cũng bị hưng hỏng, đất đá vùi lấp.

Cảnh sát giao thông Lào Cai dọn đá rơi trên Quốc lộ 4D cho các phương tiện giao thông dễ dàng di chuyển.

Tại Lào Cai, mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều tuyến đường tại địa phương này bị chia cắt. Cụ thể, tuyến Quốc lộ 279 từ huyện Văn Bàn (Lào Cai) sang huyện Than Uyên (Lai Châu), một số điểm bị sạt lở, đất đá trôi ra lòng đường, gây cản trở cho các phương tiện giao thông qua lại.

Quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa, một số điểm sạt lở nhẹ và có nơi nước ngập sâu khiến các phương tiện đi lại khó khăn. Đây cũng là tuyến quốc lộ trọng yếu để di chuyển từ Lào Cai sang Lai Châu. Tuy nhiên, hiện tượng sạt lở dọc tuyến quốc lộ 4D này không phải là hiếm, diễn ra trong nhiều năm qua.

Cũng tại Sa Pa, trên Tuyến tỉnh lộ 152, hướng từ thị xã Sa Pa đi các xã Tả Van, Mường Hoa, Liên Minh..., hàng trăm mét khối đất đá ở taluy dương đã sạt xuống lòng đường. Hiện tại các phương tiện không thể lưu thông qua đây.

Mưa lớn đã làm 11 căn nhà ở thành phố Lào Cai bị hư hại, trong đó có 3 nhà bị sạt ta luy phía sau, 7 nhà ngập úng cục bộ, 1 căn nhà bị sét đánh gây hư hỏng đường điện và tài sản trong nhà. Ngoài ra, một số tuyến đường tại thành phố Lào Cai cũng bị ngập úng cục bộ.

Về sản xuất nông lâm nghiệp, mưa lớn làm 8ha lúa, 21ha hoa màu ở thành phố Lào Cai bị ngập úng. Tại huyện Văn Bàn, lũ cuốn trôi 5 con trâu của bà con...

Còn tại tại Lai Châu, từ ngày 4/8 đến nay, trên địa bàn tỉnh có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và giông gây ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều huyện trong tỉnh làm 4 người thiệt mạng, 3 người bị thương. Tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn và Mường Tè, hàng nghìn m3 đất đá sạt lở xuống các tuyến đường làm lún, nứt, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng tới nhà ở của 50 hộ dân.

Theo báo cáo từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đến 17h, ngày 6/8, mưa lớn gây sạt lở đất, đá làm 2 cháu nhỏ bị thiệt mạng ở xã Khao Mang, 1 người nghi mất tích ở xã Hồ Bốn; 34 nhà bị hư hỏng, trôi, sập hoàn toàn.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, Quốc lộ 32 đoạn từ Km324+ 400 đến Km 329, đoạn đi qua địa phận xã Khao Mang, Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có gần 100 điểm sạt lở, trong đó có 3 vị trí mất đường, mỗi vị trí dài khoảng 100m.

Còn trên địa bàn tỉnh Sơn La, do mưa to kéo dài đã làm sạt lở đất đá, nước lũ khiến 1 người dân tại xã Chiềng Lao huyện Mường La bị cuốn trôi, 8 nhà dân sập đổ hoàn toàn, 28 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Mưa to đã khiến sạt, tắc Quốc lộ 279D tại 5 điểm; một số tuyến đường liên tỉnh, liên xã bị sạt lở 19 điểm, chiều dài khoảng 406m, khối lượng đất đá khoảng 738 m3, 1 ngầm tràn bị hư hỏng, 2 cầu treo bị ảnh hưởng. Diện tích lúa ruộng bị vùi lấp cuốn trôi là 30,6ha; 0,4ha hoa màu, 1 ha ngô; khoảng 1.400m kênh mương bị hư hỏng, vùi lấp; 1 công trình nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, gãy đổ 3 cột điện. Lũ cuốn trôi 70 mét kè đất đá.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền núi và trung du Bắc Bộ.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị và chính quyền các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ", khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ quét. Tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu; bảo vệ sản xuất nông, công nghiệp; khắc phục nhanh hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top