Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024 | 16:8

Muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất định phải "xanh hóa"

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam có thể đạt trên 60 tỷ USD. Trong con số này, ấn tượng nhất là xuất khẩu trái cây đã đạt trên 6 tỷ USD, tăng trên 30%. Đây là minh chứng Việt Nam đã tuân thủ tốt các quy định của thị trường nhập khẩu.

Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai

Thị trường ngày càng siết chặt yêu cầu 

Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay đang ngày càng được mở rộng với những con số ấn tượng, tuy nhiên tất cả các thị trường xuất khẩu đều đưa ra các quy định ngặt nghèo về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc BVTV. Về lâu dài, các quy định đó sẽ ngày càng được nâng lên, do đó nhận thức của người sử dụng cũng cần được nâng cao nhằm đảm bảo tuân thủ về quy định không chỉ trong nước mà còn ở thị trường xuất khẩu.

Bà Phạm Thị Lâm Phương, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang các thị trường cũng đang gặp phải một số khó khăn. Sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng đông lạnh, nguyên liệu thô hoặc sơ chế qua, sản phẩm chế biến sâu có giá trị cao vẫn còn ít. Đối với hàng thủy sản sang EU, từ năm 2017, Việt Nam đã nhận cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu về IUU.

Đối với việc mở cửa sản phẩm thủy sản sang các nước có nhu cầu nhập khẩu lớn, ông Đặng Văn Vĩnh, Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm, NAFIQPM thông tin, hiện nay có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu thẩm định, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu lập danh sách cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản.

Ông Vĩnh cũng chia sẻ thêm một số vướng mắc mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang gặp phải tại các thị trường nhập khẩu chính. Chẳng hạn như, tại EU, hiện nay, chỉ có các cơ sở chế biến xuất khẩu trong danh sách được EU công nhận mới được phép xuất khẩu.

EU yêu cầu chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu (về chứng thư, kiểm soát theo cả chuỗi), yêu cầu sản phẩm cá ngừ ngâm trong nước muối chỉ được dùng cho công nghiệp đồ hộp…

Tại thị trường Brazil, thị trường này quy định chỉ cho phép sử dụng phụ gia phosphates bên ngoài lớp mạ băng đối với sản phẩm thủy sản (bao gồm cá và tôm). Không quy định chế độ xử lý nhiệt theo từng chỉ tiêu bệnh tôm mà quy định chung chế độ xử lý nhiệt cho từng loại sản phẩm…

Hay tại thị trường Arab Saudi đang áp dụng lệnh tạm đình chỉ với toàn bộ thủy sản nuôi của Việt Nam.

Còn với xuất khẩu rau quả, mặc dù kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan (ước tính nửa đầu năm 2024 đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023), thế nhưng vẫn chưa thể yên tâm về hoạt động xuất khẩu ở ngành hàng này sao cho bền vững trong bối cảnh các thị trường chủ lực ngày càng đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng.

Bởi lẽ hiện nay không chỉ Trung Quốc (là thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam, chiếm 61,4% tổng trị giá xuất khẩu) mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu.

Trong tháng 6/2024, EU đã tăng tần suất, siết chặt kiểm tra đối với mặt hàng ớt, thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.

Nhất là Trung Quốc đã nâng tiêu chuẩn kiểm soát hàng nhập khẩu về nguồn gốc, chất lượng an toàn thực phẩm và dịch bệnh động thực vật. Trong khi gần đây một số loại rau quả xuất sang thị trường này liên tục bị cảnh báo về chất lượng.

Hay như việc EU trong tháng 6/2024 đã tăng tần suất, siết chặt kiểm tra đối với mặt hàng ớt, thanh long nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là thông tin không vui cho 2 mặt hàng trên cũng như nông sản Việt Nam tại thị trường lớn và khó tính này.

Phải "xanh hóa" nếu không nguy cơ sẽ “mất đơn hàng”

Trước việc tăng tần suất kiểm tra như vậy, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu DN tái phạm các vấn đề về dư lượng, họ có thể chịu tần suất kiểm tra cao hơn, thậm chí bị cấm xuất khẩu sang EU. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm ớt và thanh long của Việt Nam tại EU.

Điều đáng nói, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn trong việc cập nhật và tuân thủ các quy định mới do thiếu thông tin hoặc "hàng rào" dựng lên của các nước quá khắt khe khiến họ gặp khó để thích ứng kịp thời trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh.

Cũng cho rằng việc nâng cao yêu cầu an toàn thực phẩm từ thị trường châu Âu là thêm thách thức với doanh nghiệp, nhưng ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, cho rằng doanh nghiệp và người trồng thanh long sẽ có thể điều chỉnh để thích ứng.

Vấn đề ông Cảnh lo ngại là một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu thu mua trái thanh long không đạt quy chuẩn đặt ra của thị trường nhập khẩu, dẫn đến ảnh hưởng cả ngành.

Điều này, theo ông Cảnh, đã xảy ra với trái thanh long, khi phía nhập khẩu phát hiện có một vài lô hàng nhỏ trái thanh long không đạt quy chuẩn khiến EU đưa vào diện cảnh báo, làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành hàng trong nước.

Liên quan đến các cảnh báo về sản phẩm nông sản và thực phẩm từ thị trường EU, các chuyên gia, cũng cho biết phía EU xét lô hàng hóa nhập khẩu không phân biệt khối lượng lớn, nhỏ nên một lô hàng vài chục kg vi phạm cũng ảnh hưởng như lô hàng cả container.

"Những lô vi phạm rất ít so với tổng khối lượng xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam nhưng tác động không nhỏ. Chỉ cần không kiểm soát một lô hàng nhỏ cũng ảnh hưởng đến cả toàn ngành", TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nói. Ông cho hay, thời gian qua chỉ 7 lô hàng thanh long, tương đương 400- 1.800kg thanh long bị phát hiện không đạt yêu cầu thì sản phẩm này bị EU áp dụng giám sát tại biên giới tăng từ 20% lên 30%.

Người đại diện SPS Việt Nam lưu ý, số lượng thông báo và cảnh báo của EU với Việt Nam tăng nhiều gần đây. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhận được 57 cảnh báo từ EU, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, theo ông Nam, có nhiều trường hợp, Việt Nam nhận được cảnh báo rất đau lòng. Đơn cử một lô hàng ớt xuất khẩu vào EU chỉ 38kg nhưng bị phát hiện vượt ngưỡng an toàn, khiến toàn bộ mặt hàng ớt của Việt Nam bị EU áp dụng biện pháp kiểm soát tại cửa khẩu đến 50%.

Những câu chuyện trên cho thấy nỗ lực của tập thể cả ngành hàng có thể sẽ "đổ sông đổ biển" chỉ vì một vài lô hàng không đạt chuẩn; thậm chí có nguy cơ bị cấm xuất khẩu, ảnh hưởng cả ngành hàng.

Vì vậy, theo các chuyên gia, cách duy nhất để nông sản xuất khẩu bền vững là phải thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Nhà nông và doanh nghiệp phải liên kết với nhau thực hiện đúng yêu cầu của thị trường.

Theo ông Ngô Xuân Nam, muốn xuất khẩu bền vững, chỉ có con đường là tuân thủ các quy định của thị trường. Chính vì vậy, việc "xanh hóa" không còn là một lựa chọn mà là yếu tố bắt buộc nếu như các DN trong ngành hàng nông sản không muốn dẫn đến nguy cơ "mất đơn hàng" vào tay đối thủ cạnh tranh.

Doanh nghiệp "đón sóng" xu thế phát triển nông nghiệp xanh

Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, thời điểm này họ đã có khoảng 60% đơn hàng của năm sau.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam 10 tháng qua đã tăng trưởng trên 10%, đã đạt gần bằng con số của cả năm 2023. Nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của chúng ta như cà phê, hạt điều, gạo, rau quả đạt mức tăng trưởng chưa từng có.

Ngoài yếu tố thuận lợi từ giá xuất khẩu tăng cao trên thị trường thế giới thì theo nhiều doanh nghiệp và chuyên gia lâu năm trong ngành, có được kết quả như ngày hôm nay cũng nhờ vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được thực hiện suốt nhiều năm qua. Từ chỗ bán những thứ mình có, nay doanh nghiệp nông sản của Việt Nam đã bán được những thứ thị trường cần theo xu thế phát triển nông nghiệp xanh, đáp ứng yêu cầu thị trường mới.

Trong khi khối sản xuất đang khẩn trương hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm nay, thì đại diện lãnh đạo của Công ty Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu đang làm việc với nhiều nhà mua quốc tế, để chuẩn bị các đơn hàng năm 2025. Hiện họ đã có khoảng 60% đơn hàng của năm sau, thời gian tới họ tiếp tục đàm phán với khách hàng lớn để cung cấp những sản phẩm rau, quả đã qua chế biến theo nhu cầu của thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ.

Doanh nghiệp nông sản của Việt Nam đã bán được những thứ thị trường cần theo xu thế phát triển nông nghiệp xanh, đáp ứng yêu cầu thị trường mới.

Còn Tập đoàn Tân Long cũng vừa xuất khẩu thành công 3.000 tấn gạo chất lượng cao vào thị trường Nhật Bản, mở ra cơ hội cho năm tới, tiếp tục xuất khẩu hàng nghìn tấn gạo vào thị trường khó tính này. Để có được giấy phép lần thứ 2 xuất khẩu gạo vào Nhật, nhà sản xuất gạo của Việt Nam cũng phải vượt qua trên 600 tiêu chuẩn của thị trường bạn. Đổi lại giá bán vào thị trường này cũng cao hơn tới 30% so với giá gạo xuất khẩu bình quân của chúng ta.

Nhờ sự chủ động tìm hiểu nhu cầu của thị trường nhập khẩu để định hướng canh tác, thay đổi mô hình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn khách hàng đề ra - đây chính điểm mấu chốt để nông sản Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng tăng giá của thị trường nhiều loại hàng hoá, nông sản thế giới trong suốt thời gian qua.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Thị trường trong thời điểm này khá là ổn định, nhiều loại mặt hàng có lợi thế về giá ví dụ như mặt hàng gạo, cà phê, trong thời gian vừa qua tăng cao và chúng ta đã có lợi ích từ việc đó".

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu. Thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, giàu tiềm năng đối với các sản phẩm có thế mạnh./.

Thanh Tâm (t/h theo vtv.vn, bnews.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

  • Vinhomes Global Gate thay đổi từng ngày, nhà đầu tư vững tin chờ cột mốc tăng giá mới

    Vinhomes Global Gate thay đổi từng ngày, nhà đầu tư vững tin chờ cột mốc tăng giá mới

    Nhờ nguồn lực và quyết tâm mạnh mẽ của Tập đoàn Vingroup, hình hài tâm điểm giao thương quốc tế tại khu vực Đông Bắc Hà Nội đã dần lộ diện. Sở hữu những đại tiện ích độc đáo, nổi bật là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2025, Vinhomes Global Gate mang đến cho nhà đầu tư cơ hội sáng giá bậc nhất thị trường.

Top