Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 1 năm 2023 | 16:59

Năm nay, giá lương thực có 'yên'?

Từ ngũ cốc, dầu thực vật cho tới sữa, thịt... giá nhiều loại hàng hóa trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2022. Liệu năm nay giá lương thực còn tăng hay sẽ giảm xuống?

Theo báo cáo ngày 6-1 của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới năm 2022 đã tăng 14,3% so với năm 2021 và là mức cao nhất kể từ năm 1990, một phần do giá năng lượng và phân bón tăng cao vì xung đột Nga - Ukraine.

Đe dọa an ninh lương thực

Giá phân bón đã tăng vọt trong hai năm qua. Giá phân bón trung bình mà nông dân Anh phải trả hiện cao hơn 18% so với mùa đông trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và cao hơn 66% so với hai năm trước.

Một nông dân ở Malawi (Đông Phi) đứng giữa cánh đồng trồng đậu nành - Ảnh: Eco-Business.com

Thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè năm 2022 cũng là vấn đề, bao gồm các đợt nắng nóng và hạn hán ở Bắc Âu, châu Mỹ và Trung Quốc, lũ lụt ở Pakistan và hạn hán ở Argentina. Kết quả là giá thịt và rau đều tăng.

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc, tác động tổng thể của lạm phát, chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt khiến nhiều người trên thế giới không có đủ lương thực. Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng 20% kể từ khi chiến tranh nổ ra tại Ukraine.

Trong loạt bài về những thách thức mà thế giới phải đối mặt trong năm 2023 trên trang The Conversation, hai giáo sư John Hammond và Yiorgos Gadanakis tại Đại học Reading (Anh) dự đoán nguồn cung nhiều mặt hàng chủ lực trên thế giới có thể sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm nay, nghĩa là các áp lực về giá lương thực vẫn còn tiếp tục.

Ở cấp độ quốc tế, các chuyên gia này gợi ý cần có một thỏa thuận cung cấp phân bón khẩn cấp để giảm thiểu gián đoạn, ưu tiên khả năng tiếp cận cho các cộng đồng dễ tổn thương ở các nước đang phát triển. 

Về lâu dài, nông nghiệp cần giảm sự phụ thuộc vào phân bón bằng cách phát triển các phương pháp giúp tối ưu hóa chu trình dinh dưỡng trong nông nghiệp.

Nông nghiệp là trụ đỡ cho Việt Nam

Với thế mạnh là nước nông nghiệp nên dù khủng hoảng lương thực, biến động giá thế giới diễn biến mạnh thời gian qua nhưng sản phẩm nông nghiệp, lương thực của Việt Nam vẫn giữ ổn định và vượt qua các cú sốc giá thế giới.

Ông Phạm Minh Thụy, trưởng Phòng nghiên cứu giá cả và thị trường (Viện Kinh tế - Tài chính), đã nhận định như vậy. 

Theo ông Thụy, trong bối cảnh giá lương thực tăng kỷ lục trong năm 2022, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều vì chúng ta có khả năng tự túc cao và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản ra thế giới với kim ngạch lớn.

Mặc dù Việt Nam cũng chịu sức ép tăng giá nhất định đối với một số mặt hàng do giá nguyên liệu đầu vào như phân bón tăng cao, nhưng sức ép tăng giá này đã dần hạ nhiệt trong năm 2023. Thêm nữa, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đã tăng cường sử dụng phân hữu cơ được sản xuất nhiều trong nước.

Đồng tình các quan điểm, bà Nguyễn Thu Oanh, vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng dù thế giới phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao kỷ lục nhưng Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, thấp hơn mục tiêu khoảng 4% mà Quốc hội đặt ra.

Có được như vậy, theo bà Oanh, là do sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực và thực phẩm của Việt Nam luôn được bảo đảm. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng chiếm tỉ lệ cao (gần 25%) trong tổng chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam nên có tác động lớn tới CPI.

Do đó, theo bà Oanh, dù năm 2023 diễn biến thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường nhưng Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào đủ dùng trong nước và xuất khẩu, đó sẽ là lợi thế giúp giảm bớt áp lực lạm phát.

Ông Thụy lưu ý hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có tính cạnh tranh tốt hơn, cao hơn cả giá gạo Thái Lan, nhưng trong bối cảnh nhu cầu lương thực và nhập khẩu gạo của thế giới tăng cao, cần có sự quản lý chủ động. 

Theo đó, cần chính sách phản ứng kịp thời, không để tăng giá gạo quá mức cần thiết, hạn chế xuất khẩu nếu nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng, hoặc chủ yếu xuất khẩu mặt hàng còn dư nhiều, đảm bảo cân đối trong nước, giá ổn định.

"Giá gạo năm 2023 có thể tăng chút ít, về ngang mức năm 2021"

Các nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới đều dự tính giá lương thực thế giới sẽ tăng bình quân từ 3 - 5% trong năm 2023. Một số nghiên cứu còn dự báo năm 2023 sẽ là năm khủng khoảng lương thực trầm trọng. Tuy nhiên, các dự báo như vậy thường có nhiều sai số.

Giá lương thực chủ yếu ảnh hưởng bởi nguồn cung và chi phí vận chuyển quốc tế. Nguồn cung chịu ảnh hưởng lớn vì thời tiết như hạn hán.

Tuy nhiên, thời tiết năm nay chưa có tín hiệu nào bất thường để ảnh hưởng nhiều tới sản xuất lương thực. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nhất tới vận tải biển, nhưng hiện nay giá vận tải đã xuống thấp vì dịch không còn nguy hiểm như giai đoạn 2020 - 2021.

Riêng về giá gạo, năm 2022 giá gạo Việt Nam và Thái Lan đều giảm so với 2021. Đây là sản phẩm giúp giá lương thực khu vực châu Á và thế giới nói chung được ổn định hơn. Tôi dự tính giá gạo 2023 cũng chỉ tăng chút ít, có thể về ngang năm 2021.

TS. Nguyễn Tiến Thông (chuyên gia về khoa học dữ liệu và thương mại quốc tế, Trường kinh doanh Copenhagen, Đan Mạch)

Theo tuoitre.vn

 

Ý kiến bạn đọc
  • Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Về Điện Biên những ngày đầu tháng 3, chủ ý đi ngắm hoa ban trắng và tham quan vùng đất anh hùng, nhưng đi loanh quanh thế nào lại gặp nhân duyên, đó là bà chủ farm Nguyễn Thị Lan Hương, người sáng lập Cara Farm ở bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

Top