Phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với sản xuất nông nghiệp đang dần trở nên phổ biến tại Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng tại Bạc Liêu, một địa phương đang phấn đấu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước thì việc ứng dụng năng lượng tái tạo vào nuôi tôm là một trong những mô hình được nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn quan tâm triển khai.
Lợi ích thiết thực từ năng lượng tái tạo
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay có khoảng 44 tổ chức và cá nhân có đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm trên diện tích khoảng 70ha.
Việc sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm được ghi nhận đem lại những lợi ích như: Chủ động nguồn điện trong sản xuất, giảm chi phí tiền điện; giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải CO2 đến năm 2030.
Ông Trịnh Văn Hoặc (ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây) là một trong những hộ dân đang ứng dụng mô hình điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Gia đình ông sở hữu 20.000m2 đất, trong đó, diện tích 2 ao nuôi thủy sản là 3.000m2, phần còn lại được sử dụng để dự trữ nước.
Theo chia sẻ của ông Hoặc, những năm trước khi có điện mặt trời, chi phí điện để sinh hoạt gia đình và vận hành ao nuôi rất cao, trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng, thậm chí những lúc cao điểm có thể hơn 10 triệu đồng.
Ao nuôi tôm công nghiệp sử dụng điện mặt trời của gia đình ông Trịnh Văn Hoặc ở ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải. Ảnh: Thanh Liêm
Từ 2 năm trở lại đây, khi được lắp đặt điện mặt trời, ông rất hài lòng với những lợi ích mà mô hình này mang lại. Theo đó, thời tiết với nhiều giờ nắng trong ngày nên nhìn chung lượng điện sản xuất lúc nào cũng cao và dư để sử dụng. Chi phí điện ông phải đóng đã giảm đáng kể, những mùa sản xuất cao điểm ông chỉ phải đóng khoảng 7 triệu đồng/tháng, tháng nào thấp thì chỉ đóng hơn 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Hoặc cũng nhận thấy hạn chế của mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Ông cho biết, mô hình điện mặt trời tại nhà ông may mắn được Tổ chức Bánh mì cho thế giới hỗ trợ 70% chi phí, do đó gia đình chỉ phải bỏ ra khoảng 21 triệu đồng để lắp đặt.
Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” được triển khai từ năm 2021 - 2023 trên địa bàn 4 xã của huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Một trong những phần việc trọng tâm của dự án là sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn liền với ứng dụng mô hình năng lượng tái tạo biogas vào quy trình nuôi tôm phát thải thấp.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hạt (ấp Bửu 2, xã Long Điền Đông) là một trong những hộ dân đã được dự án hỗ trợ lắp đặt mô hình biogas. Nhận thấy những ưu điểm của mô hình, trong thời gian qua chị đã tham gia vào nhóm “Năng lượng sạch” và thực hiện nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ người dân địa phương tìm hiểu, thí điểm mô hình.
Chị Hạt chia sẻ, việc thời tiết thay đổi thất thường do biến đổi khí hậu những năm qua đã có nhiều ảnh hưởng đến sinh trưởng của con tôm, đồng thời, tạo ra nhiều vấn đề tác động đáng kể đến sức khỏe và đời sống của phụ nữ - nhóm đối tượng đang dần gia tăng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Với việc bản thân cũng là một người lao động nuôi tôm, chị Hạt nhận định mô hình biogas đã mang lại những hiệu quả tích cực cho đời sống của bản thân nói riêng và gia đình mình nói chung. Hàng tháng, mô hình giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng gas, điện; đồng thời, chị không phải tốn nhiều thời gian tìm than, củi để đun, nấu như trước đây, từ đó có thể chăm sóc bản thân và chăm lo gia đình, con cái tốt hơn.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải - Hồ Thanh Tuấn, Đông Hải là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở đất ở cửa sông, cửa biển có nhiều diễn biến nghiêm trọng. Trong năm 2023, huyện đã xảy ra 5 đợt sạt lở, gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Thời tiết diễn biến phức tạp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến trồng trọt, chăn nuôi.
Trước tình hình trên, địa phương đã khuyến khích triển khai nhiều mô hình sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi tôm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người nông dân.
Thời gian qua, việc sử dụng năng lượng tái tạo đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, bên cạnh việc mang lại lợi ích thiết thực trước mắt cho người nông dân là giảm chi phí sản xuất, mô hình giúp giảm đi lượng lớn điện tiêu thụ từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch, qua đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, hiện nay, phần lớn những hộ gia đình nuôi tôm sử dụng nguồn điện sinh hoạt và điện sản xuất, kinh doanh để sản xuất nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh - bán thâm canh, dẫn đến lượng điện tiêu thụ rất lớn, giá điện tăng qua hàng năm dẫn đến chi phí sản xuất cao (7% - 10% chi phí sản xuất tùy từng loại hình nuôi). Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn để ứng dụng năng lượng mặt trời - nguồn năng lượng bổ sung giúp giảm chi phí, giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới và tăng thu nhập từ hoạt động bán điện dư thừa lên lưới.
Theo thông tin của các hộ có lắp đặt hệ thống điện mặt trời, có thể giảm chỉ số năng lượng điện tiêu thụ từ điện lưới quốc gia đối với các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao từ 40 - 50% điện năng tiêu thụ hàng tháng. Bên cạnh đó, việc “Sử dụng điện mặt trời là một tiêu chí để được chứng nhận ASC, BAP (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản). Khách hàng sẽ đánh giá rất cao đối với những sản phẩm có sự quan tâm đến vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường”.
Những thách thức cho sự phát triển
Mặc dù bước đầu mang lại những lợi ích rõ rệt, nhưng sự phát triển của những mô hình nuôi tôm kết hợp năng lượng tái tạo đang gặp nhiều “điểm nghẽn” và chưa thể phát huy được hết tiềm năng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu - Nguyễn Trung Hiếu cho biết, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích kết hợp giữa nuôi tôm và lắp đặt năng lượng mặt trời; khả năng truyền tải của hệ thống điện lưới quốc gia hiện tại cũng không đủ truyền tải dẫn đến việc hệ thống điện mặt trời của các tổ chức, cá nhân đầu tư chưa phát huy được hết công suất, hiệu quả.
Ngoài ra, một số dự án lắp đặt điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm chưa làm tốt công tác quy hoạch, thiết kế ban đầu dẫn đến việc giai đoạn đầu chỉ tập trung thi công phần năng lượng điện mặt trời. Điều này dẫn đến việc triển khai các hoạt động nuôi tôm chưa phát huy hết hiệu quả.
Vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn cũng là một yếu tố gây khó cho các hộ nuôi trồng quy mô nhỏ; thủ tục vay ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu - Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ tại buổi tống kết Dự án “Chuyển đổi năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại Trường đại học Cần Thơ, tháng 11/2023. Ảnh: Thanh Liêm
Theo đề xuất của ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, việc ứng dụng năng lượng tái tạo vào nuôi tôm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay, tạo điều kiện để con tôm được nuôi theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, việc sử dụng các loại năng lượng tái tạo cũng góp phần giúp sản phẩm tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, doanh nghiệp và đất nước.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu mong muốn Nhà nước xem xét việc đề ra các chính sách khuyến khích mô hình trên; đồng thời, có hướng dẫn về thủ tục cụ thể hơn để tất cả người dân nuôi tôm có thể tiếp cận và đầu tư; đặc biệt, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm cần phải có quy hoạch khu vực nuôi, thiết kế và thi công đồng bộ để tránh tình trạng khó triển khai thực hiện.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, cố vấn Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ), Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, đồng thời cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong việc phát triển năng lượng tái tạo, ông Tuấn cho rằng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, trong đó, tập trung vào giải quyết các vấn đề nhằm giảm chi phí đầu tư ban đầu của hệ thống năng lượng tái tạo; các doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu phát triển các công nghệ mới để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo; người nông dân với vai trò vừa là bên thụ hưởng giá trị của mô hình năng lượng tái tạo, vừa là những đơn vị vận hành những mô hình này để tạo ra giá trị nông nghiệp cần được đào tạo về kỹ thuật lắp đặt và bảo dưỡng hệ thống ở mức cơ bản.
Ngoài những giải pháp chung nêu trên, các nhà hoạch định chính sách cũng cần quan tâm đến những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cần có cơ chế để phổ biến việc sử dụng năng lượng tái tạo chạy các quạt cung cấp oxy cho nước, vận hành các thiết bị quan trắc chất lượng nước, chế biến thức ăn cho tôm... Tương tự, trong lĩnh vực nông nghiệp trồng trọt, đó là việc phổ biến các ứng dụng như tự động tưới tiêu, sấy khô nông sản.