Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 8 năm 2022 | 10:14

Ngành nông nghiệp Mỹ chật vật vì khan hiếm cua

Sản lượng cua đột ngột giảm khiến ngư dân Alaska ngập trong nợ nần, còn các nhà hàng Mỹ phải nhập từ các nguồn châu Âu đắt đỏ.

Năm 2018 - 2019, khi sản lượng cua hoàng đế Alaska giảm dần, các nhà khoa học lại cho biết đã phát hiện ra số lượng lớn cua tuyết Alaska ở đáy đại dương. Điều này mang đến hy vọng về những vụ cua bội thu cho các năm tiếp theo.

Vì thế, Gabriel Prout (32 tuổi), cùng với hai em trai là Sterling và Ashlan quyết định đầu tư. Họ mua đứt đối tác của người cha và trở thành cổ đông sở hữu con tàu khai thác Silver Spray dài 113m. Họ còn vay 4 triệu USD mua quyền khai thác số lượng lớn cua. Đó cũng là thời điểm nhiều ngư dân trẻ quay lại nghề cá. Mọi người đều tin rằng mùa cua tuyết năm 2021 sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, bất chấp những dấu hiệu lạc quan trước đó, trữ lượng cua tuyết lại giảm 90%. Dù cơ quan quản lý cho phép nâng sản lượng khai thác từ 22.500 tấn lên 25.250 tấn, trên thực tế, ngư dân không thể bắt đủ khối lượng đó. Riêng với cua hoàng đế, vào tháng 10/2021, chính quyền Alaska đã phải dừng hoàn toàn mùa thu hoạch, lần đầu tiên kể từ thập niên 90.

"Đây là một cuộc vật lộn", Prout nói. Tàu của họ kéo qua những vùng trống, tìm kiếm vài dặm đáy đại dương mà thậm chí không thể bắt được 100 con cua. "Chúng tôi làm cật lực mà gần như không bắt được đủ số lượng được phép bắt", anh nói.

 

Gabriel Prout bên những con cua hoàng đế bắt được trước đây, thời điểm Alaska chưa cấm đánh bắt cua hoàng đế năm ngoái. Ảnh: Gabriel Prout

Gabriel Prout bên những con cua hoàng đế bắt được trước đây, thời điểm Alaska chưa cấm đánh bắt cua hoàng đế năm ngoái. Ảnh: Gabriel Prout

 

Cua tuyết Alaska thường có giá 25 USD mỗi pound (khoảng 50 USD một kg), rẻ hơn nhiều so với cua hoàng đế. Tại nhà hàng Joe’s Stone Crab ở thủ đô Washington, chân cua hoàng đế thường có giá đến 199,95 USD cho hộp 1,5 pound (khoảng 700 gram). Washington Post cho rằng, đây là mức giá "đáng kinh ngạc".

Khi các chủ nhà hàng còn đang tìm kiếm nguồn cung mới để bù đắp cho sự thiếu hụt cua Alaska, họ lại có thêm một vấn đề đau đầu. Hồi tháng 3, Mỹ cấm nhập khẩu hải sản của Nga để lệnh trừng phạt nước này vì chiến sự tại Ukraine.

Tại nhà hàng Klaw ở Miami, quản lý George Atterbury đã làm việc với Troika Seafood - một hãng bán buôn hải sản của Na Uy, để nhập cua hoàng đế đỏ từ Finnmark County thuộc vùng cực bắc nước này. Chúng được vận chuyển bằng đường hàng không qua đêm.

"Chúng tôi thả chúng trong một bể chứa riêng biệt 9m3. Chi phí biến động mạnh, nhưng chúng tôi chỉ có thể chuyển một tỷ lệ nhỏ sang khách hàng. Chúng tôi biết nên để mức giá nào là hợp lý", Atterbury cho biết.

Alaska có 3 nguồn cua lớn, ngoài cua tuyết và cua hoàng đế đang dần biến mất thì cua da (bairdi crab) vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, đây là ngành rất nhỏ, chủ yếu mang lại thu nhập cho một cộng đồng ở Tây Alaska. Đảo St. Paul của vùng này còn có một trong những nhà máy chế biến cua lớn nhất thế giới, sử dụng tới 400 công nhân trong mùa cua tuyết cao điểm vào mỗi tháng 2.

Tuy nhiên, tháng 2 năm nay, nhà máy rất trầm lắng. Heather McCarty, một nhân viên tư vấn nghề cá ở Juneau (Alaska) cho biết cua hoàng đế đã suy giảm suốt thời gian qua. Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra. Ví dụ, cua đã di chuyển vào vùng biển của Nga, hoặc bị ăn thịt, hoặc ăn thịt lẫn nhau. Cũng có thể chúng chuyển nơi sống ở vùng sâu ngoài thềm lục địa mà mọi người khó tìm thấy.

Dù có những suy đoán khác nhau, một nguyên nhân nhận được nhiều đồng thuận là biến đổi khí hậu. Các nhà sinh vật học và ngư dân Mỹ lo ngại sự biến mất của mặt hàng hải sản xa xỉ này là chỉ báo nghề cá có thể bị xóa sổ trong một thế giới đầy biến động.

Ngư dân thì đang chờ đợi xem ngành công nghiệp cua tuyết trị giá 200 triệu USD của Alaska có bị thu hẹp nghiêm trọng trong mùa 2022-2023 hay không. Cùng với đó, ngày 15/10, họ sẽ được biết mùa khai thác cua hoàng đế có bị dừng năm thứ 2 liên tiếp hay không.

Jamie Goen, Giám đốc điều hành hiệp hội thương mại Alaska Bering Sea Crabbers, cho biết cua cạn kiệt ảnh hưởng nhiều nhất đến ngư dân và các doanh nghiệp gia đình nhỏ. Họ hầu như không có "bảo hiểm mùa màng" dù trên thực tế dù Bộ Thương mại Mỹ đã chuyển gần 132 triệu USD cho Alaska vì thảm họa thủy sản. Goen cho rằng sẽ phải mất nhiều năm để tiền đến tay những người bị ảnh hưởng.

Nếu sản lượng cua suy giảm không phải do chết hàng loạt mà vì chúng di cư lên phía bắc để đến vùng nước lạnh hơn, việc đi theo để đánh bắt sẽ là quá nguy hiểm đối với ngư dân Alaska. Một phần vì ở đó không có lực lượng Cảnh sát biển Mỹ để ứng phó sự cố hoặc vấn đề y tế.

Gia đình Prout thì đang tìm cách đa dạng hóa thu nhập bằng cách đấu thầu quyền khai thác cá tuyết và cá trích, nhằm tìm cách trả khoản vay 4 triệu USD. "Để bù đắp khoản lỗ 90%, chúng tôi không có nhiều lựa chọn. Đây là khoảng thời gian ảm đạm đối với ngành. Rất nhiều người sẽ bán tàu hoặc bán hạn ngạch khai thác để kiếm sống", Prout nói.

 

 

 

vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Top