Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024 | 22:17

Nghệ An chủ động ứng phó mưa lớn, sạt lở, lũ quét ở các huyện miền núi

Trước những dự báo về mưa to, nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng bão số 4, Nghệ An đã nâng cấp độ cảnh báo cho các địa phương miền núi có nguy cơ sạt lở, chủ động lên phương án ứng phó, di dời khi cần thiết.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, do ảnh hưởng bão số 4, Nghệ An là địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng, có mưa to và rất to, gió mạnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý khu vực miền núi gồm 6 huyện có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi, đề phòng lũ quét, gồm: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Thanh Chương.

Thông tin từ các địa phương vùng miền núi Nghệ An, đêm 18/9 đến ngày 19/9, nhiều nơi đã có mưa to như Tương Dương, Quỳ Châu. Một số địa điểm đã xảy ra sạt lở nhẹ như đoạn đường từ bản Bãi Xa đi bản Tùng Hương xã Tam Quang khiến ô tô không thể lưu thông. Trên địa bàn các huyện Con Cuông, Quỳ Châu, nhiều xã đã có mưa khá lớn và kéo dài như Châu Nga, Châu Hội, các xã vùng trong của Quỳ Châu; một số xã ở Con Cuông như Chi Khê, Châu Khê, Bồng Khê…

Sạt lở nghiêm trọng tại một tuyến đường trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Anh Tuấn

Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai. Các địa phương vùng miền núi ở Nghệ An từ đầu năm 2024 đã trải qua nhiều đợt mưa, đã có nhiều điểm sạt lở núi, sạt lở bờ sông xảy ra. Tuy nhiên, dự báo ảnh hưởng của bão số 4 sẽ xảy ra mưa to và trên diện rộng lớn nhất so với từ đầu năm đến nay. Vì vậy, không chủ quan lơ là, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã chủ động các phương án ứng phó.

Ghi nhận tại xã Đồng Văn của Quế Phong, hiện thời tiết cũng bắt đầu có mưa. Người dân các bản đang chủ động thu hoạch lúa, hoa màu “chạy bão”. Một số diện tích lúa bị ngập do đợt mưa trước, dù chưa chín đều nhưng người dân vẫn gặt.

Tại huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Khánh Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay trên địa bàn Thanh Chương đã thu hoạch xong lúa vụ xuân. Các diện tích hoa màu hiện người dân cũng chưa sản xuất nhằm tránh mùa mưa lũ. UBND huyện, các phòng, ban hiện đã có công văn chỉ đạo các xã bám sát tình hình dự báo, chủ động gia cố chuồng trại chăn nuôi và chống ngập lụt tại các ao hồ nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là tại các xã thường xảy ra ngập lụt khi mưa lớn như Thanh Long, Thanh Hà, Thanh Mai, Thanh Giang, Thanh Xuân…

Ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu… sau khi cập nhật bản đồ các địa điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét, thông tin được chia sẻ rộng rãi để người dân các xã, thôn, xóm, bản nắm bắt, chủ động phòng tránh.

Ví như ở Tương Dương, cùng với những cảnh báo địa điểm nguy cơ cao, huyện đã xây dựng phương án ứng phó cụ thể như: Triển khai lực lượng, phương tiện bảo vệ các công trình trọng điểm; chằng chống nhà cửa, trường học,... Chỉ đạo các địa phương và người dân bảo vệ các loại cây trồng, vật nuôi như: thu hoạch lúa đã chín, hoa màu, bảo vệ vật nuôi và thủy sản.

Người dân bản Mường Hinh xã Đồng Văn (Quế Phong) thu hoạch lúa chạy bão. Ảnh: Báo Nghệ An

Khi mưa to kéo dài nhiều ngày nước ở các khe suối bắt đầu dâng cao và dự báo mưa vẫn tiếp tục kéo dài, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát và sơ tán các hộ dân ở những vùng có nguy cơ bị ngập, bị sạt lở đất. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp chỉ huy công tác sơ tán. Địa điểm sơ tán đến là các trường học, nhà cộng đồng thôn bản hoặc những khu vực khác đảm bảo an toàn. Đồng thời tuyệt đối không để người dân hoạt động trên sông, trên lồng cá; lều, chòi ngoài khe suối. Kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm, tràn qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại.

UBND tỉnh Nghệ An cũng vừa ban hành Công điện số 37 yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương.

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
Top