Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 7 năm 2023 | 10:3

Người Việt làm giàu trên những thửa ruộng của Séc

Khi đến Séc, bạn sẽ không bất ngờ khi thấy đa số gia đình người Việt tại Séc là tiểu thương. Không ít người Việt tại Séc đã thành đạt nhờ nghề nông, nhiều hộ gia đình trở nên khá giả nhờ quyết tâm làm kinh tế trên chính những thửa ruộng của Séc.

Sang Séc từ năm 1988 và bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề trồng rau xanh từ năm 1995. Từ thời điểm đầu khi lập nghiệp, ông Bùi Hữu Hà luôn tâm niệm, đối với những người Việt xa quê, những mùi vị thân quen từ những loại rau củ quả của Việt Nam sẽ rất khó tìm thấy ở Séc. Nhen nhóm ý tưởng đó, ông đã bắt đầu mô hình trồng rau phục vụ bà con cộng đồng. Với đầu óc kinh doanh nhạy bén, ông đã mở rộng mô hình sản xuất, tìm kiếm thị trường phù hợp và hiện có đầu ra ổn định... Đến nay, mô hình của ông đã được mở rộng từ vài trăm mét vuông lên thành 13 héc ta với hàng chục nhân công làm việc thường xuyên, có thu nhập ổn định.

Ông Bùi Hữu Hà chia sẻ: "Ban đầu tôi cũng đi buôn bán một thời gian nhưng duyên buôn bán không đến với mình nên tôi chọn con đường trồng rau để cung cấp cho cộng đồng người Việt ở Séc và ở châu Âu. Lúc đầu mình làm nhỏ lẻ và người Việt bên này còn ít nên lượng tiêu thụ còn hạn chế. Sau khi Séc mở cửa, những người Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan sang, họ ăn rau châu Á nhiều, khi đó mình mới xây dựng và làm quy mô lớn hơn, đến nay mô hình đã phát triển rất tốt". 

Được sự ủng hộ, tin tưởng của bà con người Việt, mô hình sản xuất của ông ngày càng được mở rộng. Với những nỗ lực của mình, dây chuyền sản xuất của ông ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn từ ươm cây giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và phân phối đến các siêu thị, cửa hàng trên toàn Séc và châu Âu.

Người Việt làm giàu trên những thửa ruộng của Séc

Đánh giá cao hướng đi và cách làm của ông Bùi Hữu Hà, Đại sứ Thái Xuân Dũng cho rằng, mô hình sản xuất nông nghiệp của ông Hà đã khẳng định một điều, người Việt Nam ra nước ngoài có thể làm kinh tế giỏi bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó có thể kể đến phát triển kinh tế trên chính những thửa ruộng ở nước sở tại.

Đại sứ VN tại Séc Thái Xuân Dũng cho biết: "Bà con ta ở Séc hội nhập rất tốt với xã hội sở tại bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó kinh doanh bằng cửa hàng tiện ích chiếm rất nhiều, nhưng mô hình trang trại trồng rau như thế này không phải nhiều lắm, nhưng ông Bùi Hữu Hà, là người đi đầu rất sớm, bắt đầu trồng rau từ những năm 1995 và trang trại này được hình thành từ năm 2010 và trải qua hơn 10 năm qua, mô hình này đã phát triển rất là tốt, mặc dù rất vất vả nhưng mang lại thu nhập tương đối ổn định. Đặc biệt, rau từ vườn của ông Hà đã cung cấp không chỉ cho người Việt tại Séc mà còn cho người Việt ở khắp châu Âu. Nhưng có một đặc thù là rau này mới chỉ phục vụ cho người Việt, nên cần phải đang dạng những sản phẩm khác để bán cho người nước ngoài, người Séc được tốt hơn".

Còn theo ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Séc, bản sắc văn hóa của người Việt Nam ta là xuất thân từ một nước nông nghiệp, do đó, mô hình của ông Bùi Hữu Hà cũng là một trong những nét đặc trưng để duy trì hình ảnh của người Việt Nam trong quá trình hội nhập, phát triển tại nước sở tại.

“Một trong những mô hình làm kinh tế của người Việt Nam tại Séc đó là trồng rau. Đây là một sự thể hiện tính nhanh nhạy và đáp ứng nhu cầu của bà con không chỉ ở Séc mà còn ở châu Âu. Trong mâm cơm của người Việt khi chúng ta muốn ăn canh cua, chúng ta có mồng tơi, có rau đay. Nó thể hiện truyền thống của người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Trong vườn rau này, tất cả các loại rau Việt Nam có thì ở đây cũng có và phục vụ cho bà con mọi nơi mọi lúc”, ông Nguyễn Duy Nhiên cho biết.

Lãnh đạo Đại sứ quán và cộng đồng chụp hình lưu niệm với bà con sản xuất.

Dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển các nông sản Việt do điều kiện khí hậu khác biệt với Việt Nam, nhưng những thửa rau xanh của Bùi Hữu Hà đã khẳng định kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu không ngững nghỉ của người Việt ở nước ngoài. Qua đó, chúng ta thêm tự hào về giá trị truyền thống của người Việt Nam, sự cần cù, sáng tạo, chịu thương chịu khó và luôn giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống của quê hương.

Theo VOV.VN

 

Ý kiến bạn đọc
Top