Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 12 năm 2023 | 20:39

Nhân giống và nuôi trồng thành công nấm rơm trên thân, lá chuối

Theo Cổng TTĐT Đồng Nai, nhóm của chị Nguyễn Thị Mỵ (Trung tâm ngiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã nghiên cứu thành công mô hình nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối. Mô hình mới đã đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Chị Nguyễn Thị Mỵ tại trại nuôi trồng các loại nấm của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc.

Từ thực tiễn và ý tưởng

Khi đề cập đến việc nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu ra mô hình nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân lá chuối, chị Mỵ cho biết, qua thực tiễn cho thấy, hiện diện tích chuối Đồng Nai chiếm 71% diện tích chuối vùng Đông Nam Bộ và diện tích trồng chuối đang có xu hướng tăng do việc hướng tới xuất khẩu chuối thuận lợi. Điều đáng nói là sau khi thu hoạch chuối thì thân lá chuối bỏ phí trên đồng ruộng. Trong khi, bên trong thân, lá chuối có hàm lượng chất xơ khá cao tương tự như rơm lúa nên có thể sử dụng để trồng nấm. Vì vậy, tận dụng thân lá chuối ứng dụng vào làm cơ chất nền để nhân giống và nuôi trồng nấm rơm mang tính thiết thực, vừa tạo ra được giống nấm rơm chất lượng, vừa giúp người trồng nấm giảm được chi phí đầu vào sản xuất nấm và có thể tăng thêm thu nhập.

Một lần lướt mạng xã hội, nhóm của chị Mỵ đã thấy mô hình nuôi trồng nấm rơm trên lá chuối nhưng chưa có ai nghiên cứu ra việc nhân giống cả. Từ đó, chị Mỵ và những người bạn có chung đam mê về nấm cùng nhau bàn bạc, thảo luận và quyết định nghiên cứu ra mô hình mới tại Đồng Nai. Nhóm đã đặt tên mô hình nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân lá chuối và chính thức triển khai thực hiện vào giữa năm 2023.

Việc nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân lá chuối là một mô hình mới mẻ nên nhóm của chị Mỵ đã gặp không ít khó khăn, thử thách trong thời gian đầu. Chẳng hạn, trong phần nhân giống, nhóm sử dụng nguyên liệu thân lá chuối phơi khô chưa đạt tiêu chuẩn nên khi làm giống đã dẫn đến tình trạng nhiễm nước khiến nguyên liệu bị nhũn hư, không đạt. Còn phần nuôi trồng nấm rơm, nhóm đã đem lá chuối ngâm với nước voi trong thời gian ngắn nên độ oai của lá chuối chưa đạt khiến việc trồng nấm rơm không mang lại hiệu quả cao… Tuy nhiên, nhóm chị Mỵ đã không chán nản, bỏ cuộc, ngược lại vẫn luôn cố gắng để thực hiện thành công mô hình sau này.

“Mục đích nghiên cứu mô hình nấm mới của chúng tôi nhằm tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương trên thân lá chuối để nhân giống sản xuất và nuôi trồng nấm rơm: đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhân giống và nuôi trồng nấm rơm. Đặc biệt là giúp bảo vệ môi trường do sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và góp phần an sinh xã hội”- chị Mỵ bộc bạch.

Sản phẩm tạo ra từ mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối

Sản phẩm tạo ra từ mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân, lá chuối. Ảnh: Báo Đồng Nai

Mô hình thiết thực với người nông dân

Đến nay, nhân giống và nuôi trồng nấm rơm trên thân lá chuối của nhóm chị Mỹ đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Cụ thể, việc sản xuất giống nấm rơm bằng thân lá chuối cho thời gian bắt tơ và hoàn thành tơ nhanh hơn so với giống thị trường 2-3 ngày và cho năng suất nấm rơm tương đương hoặc cao hơn so với giống nấm rơm thị trường. Ví dụ, xét về hiệu quả nhân giống nấm, 1 bịch giống nấm thân lá chuối ngang giá với bịch giống nấm trên thị trường (khoảng 4 ngàn đồng/ bịch) và 1 cây chuối có thể làm được 25-30 bịch giống nấm thì thu về khoảng 120 – 150 ngàn đồng.

Bên cạnh đó, mô hình đã tận dụng thân lá chuối trong nuôi trồng nấm rơm giúp giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận cho người trồng nấm, giúp tạo ra chuỗi giá trị trong nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, góm phần an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt, việc thu gom thân lá chuối sau khi thu hoạch giúp tận dụng được phế phụ phẩm trên đồng ruộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Việc nhóm của chị tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai nhằm lan tỏa mô hình mới đến rộng rãi bà con nông dân. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đã tạo điều kiện mở các lớp nhân giống, nuôi trồng các loại nấm để cho người nông dân có nhu cầu đến học hỏi với chi phí rất thấp nhằm bà con có thể tiếp cận với những kỹ thuật mới”- chị Mỵ chia sẻ.

Ngoài nhân giống nấm rơm trên thân lá chuối, hiện nhóm chị Mỵ còn nghiên cứu ra nhiều loại nấm khác (nấm ăn và nấm dược liệu) dựa trên những giá thể, nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương và sẽ cho ra nhiều mô hình mới trong thời gian tới để góp phần cho sản phẩm nấm Việt Nam tiếp tục phát triển, đa dạng.

 

Nhân Nhân
Ý kiến bạn đọc
Top