Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Kiến Xương phát triển tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số trang trại chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, còn để xảy ra tình trạng phát tán mùi hôi gây bức xúc trong nhân dân. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên để trả lại môi trường sống trong lành cho bà con.
Dân khổ vì mùi hôi
Tới tổ dân phố Tân Hưng, thị trấn Kiến Xương, nhiều người dân bức xúc khi trao đổi với phóng viên về hoạt động của trang trại lợn Công ty TNHH Tiến An Khang.
Bà Trần Thị Tuyết, 84 tuổi cho biết: Ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng thỉnh thoảng tôi lại phải sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ trang trại chăn nuôi lợn của xã bên cạnh. Mùa đông còn lấy chăn bông đắp kín cho đỡ ngửi thấy mùi còn mùa hè thì chịu. Nhà tôi lại là nhà mái ngói có khe hở nên gió thổi vào không thể chịu được, nhất là khi trời mưa xuống mùi hôi càng nồng nặc hơn khiến mọi người ăn không ngon, ngủ không yên. Nhiều năm nay chúng tôi kiến nghị, viết đơn cầu cứu lên các cấp chính quyền nhưng không thấy chuyển biến, thực sự rất khổ.
Khu vực trang trại lợn Công ty TNHH Tiến An Khang.
Ông Phạm Đức Thiện cũng cho biết: Khu vực dân chúng tôi ở cách 2 trang trại lợn theo đường chim bay chỉ khoảng 350m đi qua một cánh đồng nhỏ. Mặc dù mùi hôi thối không phải ngày nào cũng diễn ra, có đợt liên tục vài ngày liền, có đợt 1 tháng chỉ vài lần nhưng mỗi lần xả thải không khác gì tra tấn. Thông thường trang trại xả từ 21 giờ tối tới 1 giờ sáng nên ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ của người dân.
Ông Bùi Doanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: Ngay cạnh trang trại của Công ty TNHH Tiến An Khang còn có một trang trại lợn khác nằm trên đất của thị trấn Kiến Xương chăn nuôi với quy mô khá lớn, do đó dẫn tới tình trạng cứ trang trại này đổ mùi cho trang trại kia. Trước đây, có lần cán bộ xã đi cùng đoàn của Sở Tài nguyên và Môi trường vào kiểm tra, lúc đó trang trại Tiến An Khang chỉ có 100 con lợn con nên rất khó có thể nói là do trang trại này. Mặc dù kỳ tiếp xúc cử tri nào người dân cũng kiến nghị nhưng chính quyền xã cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên.
Khó xử lý triệt để
Một trong những người chăn nuôi lợn lớn ở Kiến Xương, ông Nguyễn Trung Kiên, chủ trang trại chăn nuôi An Thái, xã Lê Lợi thừa nhận: Rất khó có thể khẳng định không có mùi hôi khi đầu tư trang trại chăn nuôi lợn với số lượng lớn và không phải cứ hiện đại là không có mùi mà phải lựa chọn công nghệ cho phù hợp. Đơn cử như nếu thiết kế thể tích chuồng quá lớn thì phải dùng quạt hút công suất lớn, như thế gió thổi ra áp suất càng mạnh thì mức độ phát tán mùi càng xa. Ngoài ra còn phụ thuộc nhiều vào hướng gió nên lúc có mùi, lúc không có mùi là vì vậy.
Để bảo đảm môi trường trong chăn nuôi trước hết phải cách xa khu dân cư và điều chỉnh tốc độ quạt hút trong chuồng phù hợp, kết hợp với việc quản lý chất thải, vệ sinh chuồng trại. Điển hình như trang trại của tôi cự ly ngắn nhất cách 700m mới đến khu dân cư, ngoài ra còn có hệ thống cản gió như tường chắn gió, phun giọt nước, hệ thống cây xanh; hệ thống chuồng trại xây dựng kín phù hợp với công suất đủ nuôi 600 con lợn nái, 6.000 con lợn thịt với thiết kế đơn vị chuồng nhỏ để không phải dùng quạt hút công suất lớn. Tuy nhiên, vẫn không thể khẳng định làm như thế sẽ triệt để được mùi hôi phán tán ra bên ngoài, chỉ là hạn chế tới mức thấp nhất và làm sao để không ảnh hưởng tới khu dân cư.
Ông Đỗ Việt Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương khẳng định: Huyện đã và đang tập trung giải quyết một số trang trại gây ô nhiễm môi trường theo kiến nghị của người dân. Cụ thể, sẽ thành lập đoàn kiểm tra đột xuất đối với trang trại Công ty TNHH Tiến An Khang, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Huyện luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất song mặt khác cũng kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Điển hình như tháng 8 vừa qua, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với trang trại tổng hợp Thuận Hưng tại thôn 5, xã Hồng Vũ. Quá trình làm việc, đoàn phát hiện trang trại báo cáo số lượng lợn nuôi không trung thực dẫn đến việc báo cáo lưu lượng nước thải chăn nuôi phát sinh chưa chính xác và không có phương án xử lý, di chuyển vật nuôi khi bão, lũ. Mặt khác, quy mô chăn nuôi lợn thịt gấp nhiều lần so với kế hoạch bảo vệ môi trường được UBND huyện phê duyệt, thực hiện chăn nuôi trên 3.300 con lợn khi chưa có thủ tục hành chính về môi trường, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên. Vì thế, đoàn đã yêu cầu trang trại dừng ngay hành vi xả nước thải không bảo đảm quy chuẩn ra môi trường, chỉ hoạt động trở lại khi đã hoàn tất các thủ tục hành chính về đất đai, môi trường. Trong tháng 11/2024, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trang trại trên 100 triệu đồng.
Trên thực tế, vấn đề người dân bức xúc nhất là mùi phát ra từ các trang trại chăn nuôi lợn. Tuy nhiên lại khó có thể xử lý triệt để được vấn đề này, trong khi đó các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi còn nhiều kẽ hở nên đây vẫn luôn là nỗi lo khi thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học
Giữa bối cảnh tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, chi phí chăn nuôi lợn nói riêng chịu tác động bởi nhiều yếu tố… Đó cũng chính là hai "cánh cửa" khiến nhiều nhà chăn nuôi, doanh nghiệp khốn đốn, khó trụ với nghề. Giảm giá sản xuất, tăng thêm giá trị là yêu cầu bắt buộc để người nuôi lợn có lãi. Bí quyết ở việc "biến rác thành tiền".
Công ty TNHH Trang Linh (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong số ít doanh nghiệp tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi biến thành sản phẩm chủ lực. Từ đệm lót sinh học, Công ty Trang Linh đã chế biến thành phân hữu cơ cho cây trồng.Thành lập từ 2002, Công ty Trang Linh cũng nhiều lần chuyển qua các phương thức chăn nuôi khác nhau trước yêu cầu của dịch bệnh.
Anh Phạm Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Trang Linh, cho biết, lần gần nhất, các trang trại sử dụng biện pháp hầm biogas để xử lý nước thải, chất thải của lợn. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, chưa tối ưu được sản xuất.
“Chúng tôi nghiên cứu việc sử dụng đệm lót sinh học cho lợn từ 2012 và chính thức đưa vào sử dụng từ 2017. Nó giúp giảm thiểu rất nhiều về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và chi phí chăn nuôi. Từ nhân công, điện nước, thuốc thang và thậm chí là cả kháng sinh cho lợn đều được giảm tối đa”, anh Giang cho hay.
Với quy mô đàn lợn khoảng 4.000 con/lứa, mỗi tháng trang trại cho ra khoảng 1.200 tấn phế, phụ phẩm. Sau khi ủ cao nhiệt để làm phân hữu cơ vi sinh, mỗi tháng Công ty Trang Linh sản xuất khoảng 600 tấn phân phục vụ cây trồng.
Mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học của Công ty Trang Linh giúp giảm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.
Từ nguồn phế, phụ phẩm lớn mỗi năm, thời gian đầu, Công ty Trang Linh sản xuất phân bón hữu cơ từ đệm lót sinh học để dùng nội bộ, bón phân cho hơn 30ha rừng. Nhận thấy chất lượng phân tốt, anh Giang đã chào bán tại thị trường nội tỉnh và được đón nhận.
“Mỗi tháng, chúng tôi cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 500 tấn phân hữu cơ cho các hợp tác xã trong và ngoài tỉnh. Phần lớn phân hữu cơ Trang Linh được cung cấp cho việc trồng sầu riêng trên Tây Nguyên”, anh Giang chia sẻ thêm.
Về lợi nhuận, theo Giám đốc Công ty TNHH Trang Linh, biên lợi nhuận của việc sản xuất phân bón từ đệm lót sinh học là 60-70%. Anh Giang thẳng thắn chia sẻ, chỉ cần dùng lợi nhuận từ việc sản xuất phân bón này cũng đã đủ trả chi phí nhân công cho toàn bộ công ty. Nhờ đó, công ty có thể thu lợi nhuận từ các mảng đầu tư khác mà không bị tác động quá nhiều bởi thời giá, cạnh tranh.
Công ty TNHH Trang Linh cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được công nhận là doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mới đây, công ty này được Cục Chăn nuôi vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu về lĩnh vực Công nghệ xử lý và quản lý chất thải chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá, Trang Linh đang tiên phong như ngọn cờ đầu về mô hình khép kín, tuần hoàn mà vẫn có lãi lớn. Việc "biến rác thành tiền" như cách Trang Linh đang làm đã giải quyết vấn đề rất lớn là ô nhiễm môi trường - vốn dĩ là thách thức của tất cả các địa phương.
“Đây cũng là mô hình điểm để chúng tôi tổ chức các đoàn tham quan trong và ngoài nước đến để học hỏi, nhân rộng mô hình giữa nhiều thách thức đang bủa vây”, ông Nguyễn Xuân Trung trao đổi.