Hơn 1 năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, xưởng chế biến dăm gỗ keo của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu dăm gỗ Hoàng Huy chuẩn bị đi vào hoạt động, dự kiến giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Chế biến 15.000 tấn dăm gỗ/năm
Tháng 6/2023, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xưởng chế biến dăm gỗ keo của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu dăm gỗ Hoàng Huy. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng xưởng sản xuất dăm gỗ keo và gỗ ván thanh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Càng ngày, cây keo càng cho thấy vai trò quan trọng trong kinh tế rừng của tỉnh Phú Yên giúp người dân vươn lên làm giàu.
Ông Trần Văn Muộn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu dăm gỗ Hoàng Huy cho biết, dự án được triển khai trên diện tích đất khoảng 10.409m2 tại thôn Phú Hội, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân; gồm các hạng mục xưởng chế biến dăm gỗ, sản xuất gỗ ván thanh từ cây keo, nhà kho, trạm cân, nhà quản lý và công trình phụ trợ. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7 tỉ đồng; công suất chế biến 15.000 tấn dăm gỗ/năm và sản xuất 1.000m3 gỗ ván thanh/năm.
“Hiện công đi đang xây dựng các hạng mục công trình đạt khoảng 90% khối lượng, tầm 1 tháng nữa sẽ hoàn thiện. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo ra sức cạnh tranh về giá cả trong vùng; điều đó giúp người trồng keo có nhiều lựa chọn cơ sở tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra”, ông Muộn khẳng định.
Xưởng chế biến dăm gỗ keo của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu dăm gỗ Hoàng Huy đang hoàn thiện các hạng mục xây dựng cuối cùng chuẩn bị đưa vào hoạt động
Liên quan đến vấn đề môi trường khi nhà máy đi vào hoạt động, ông Muộn cho biết thêm, trong quá trình sản xuất, chế biết, nước thải không phát sinh nước rỉ từ dỗ dăm. Nước thải của xưởng chủ yếu là nước thải sinh hoạt với khối lượng 0,8m3/ngày, được thu gom và xử lý bằng bể tự hoại. Nhà máy cách khu dân cư hơn 1,2km nên sẽ không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cũng cho hay, khí thải phát sinh của dự án chủ yếu bụi. Lượng bụi này được công ty thu gom và sử dụng làm nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất viên nén.
Mở hướng đi mới
Trong số những cây nguyên liệu trên đất lâm nghiệp ở Phú Yên, cây keo chiếm số lượng đáng kể. Hiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng tất cả các xã, thị trấn ở khu vực miền núi trên địa bàn đều có diện tích keo nên có thể khẳng định keo đang là cây lâm nghiệp chủ đạo. Với diện tích rừng lớn, nhiều tiềm năng để phát triển cây nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đã tìm về Phú Yên đầu tư.
Lao động địa phương làm việc tại các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh
Hiện nay, Phú Yên đã bắt đầu hình thành các chuỗi giá trị trong lĩnh vực phát triển kinh tế rừng giữa người trồng keo và nhà đầu tư - nhà máy chế biến. Cả tỉnh đang dần có nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt có những nhà máy lớn, hiện đại mới được đầu tư.
Theo ông Muộn, khi nhà máy hình thành sẽ tạo công ăn việc làm hàng trăm lao động ở địa phượng, đặc biệt công ty sẽ hình thành chuỗi giá trị rừng trồng keo nguyên liệu tại địa bàn huyện Đồng Xuân, Sơn Hoà giữa các hộ dân trồng rừng với công ty, đảm bảo nguồn tiêu thụ với phương châm “đồng hành cùng người dân, không bỏ người dân lại phía sau”.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có sản lượng khai thác gỗ rừng trồng được 248.215 m3, gấp 2,7 lần so cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng mới tập trung 559 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 304,5 ha; giao khoán bảo vệ hơn 22.462,5 ha rừng tự nhiên. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 156 tỷ đồng, tăng 36,2% nhờ thời tiết thuận lợi và giá gỗ nguyên liệu làm giấy tăng nên các hộ dân trồng rừng thu hoạch những diện tích rừng đến thời gian thu hoạch. Càng ngày, cây keo càng cho thấy vai trò quan trọng trong kinh tế rừng của tỉnh này, cung cấp gỗ nguyên liệu trong ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của Phú Yên theo hướng đi mới.