Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024 | 11:10

Quảng Nam: Hạn hán khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp gặp khó

Mùa khô chỉ mới bắt đầu nhưng nắng nóng nhiều thời điểm trên địa bàn Quảng Nam đã chạm ngưỡng 41 độ C. Nỗi lo thiếu nước sản xuất, sinh hoạt hiện hữu, vì vậy chính quyền, doanh nghiệp và người dân toàn tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực triển khai các phương án ứng phó, bởi dự báo mùa khô hạn còn kéo dài.

Hạn hán có thể lan rộng

Ông Đỗ Văn Tùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam thông tin, hiện nay đơn vị được giao quản lý và khai thác 17 hồ chứa nước và vận hành 29 trạm bơm điện có công suất lớn cùng 31 đập dâng các loại. Với số công trình thủy lợi nêu trên, trong vụ sản xuất hè thu 2024 sắp tới (gần cuối tháng 5 dương lịch bắt đầu triển khai xuống giống), đơn vị sẽ đảm nhận phục vụ nước tưới cho 25.000ha cây trồng, chủ yếu là lúa.

Theo ông Tùng, hồ chứa Đông Tiển ở xã Bình Trị của huyện Thăng Bình mỗi vụ đảm nhận cung cấp nước tưới cho hơn 444ha lúa. Thế nhưng, qua cân đối nguồn nước hiện nay thì rất nhiều khả năng trong vụ sản xuất hè thu 2024 sắp tới sẽ có ít nhất 60ha lúa bị khô hạn vì không đủ lượng nước cung ứng.

Các đơn vị liên quan đang gấp rút triển khai những biện pháp chống hạn cho vụ sản xuất hè thu 2024.

Các đơn vị liên quan đang gấp rút triển khai những biện pháp chống hạn cho vụ sản xuất hè thu 2024.

Tại Thăng Bình, hồ chứa Phước Hà ở xã Bình Phú cũng nằm trong diện báo động. “Nếu thời gian tới, nắng nóng cứ kéo dài trên diện rộng và ít có mưa bổ sung thì nguy cơ cao 20ha lúa hè thu ở khu vực cuối kênh của hồ chứa Phước Hà sẽ bị thiếu nước tưới trầm trọng” – ông Tùng nhìn nhận.

Ngoài số hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý thì Quảng Nam còn có 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương trực tiếp quản lý, khai thác. Trong số hồ chứa nhỏ vừa nêu, hiện còn 13 hồ chưa được đầu tư nâng cấp, gia cố, sửa chữa.

Vụ hè thu 2024 sắp tới, Quảng Nam dự kiến triển khai gieo sạ khoảng 42 nghìn hecta lúa. Thời gian đến, nếu nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng và nước mặn xâm nhập sâu vào hệ thống các sông thì rất nhiều khả năng toàn tỉnh sẽ có khoảng 15 nghìn héc ta lúa bị thiếu nước tưới, cần phải áp dụng các biện pháp chống hạn.

Chủ động ứng phó

Hiện tại, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã thiết lập phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn vụ hè thu 2024 với hàng loạt biện pháp công trình và phi công trình.

Đối với các khu vực có nguy cơ bị khô hạn nặng, công ty sẽ lấy nguồn nước từ các trạm bơm điện đưa lên cung ứng; đồng thời lắp đặt thêm một trạm bơm dã chiến chống hạn. Cạnh đó, công ty này cũng đã kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét cho phép tận dụng nguồn cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò để đưa lên đắp đập bổi ngăn mặn Gò Nổi tại khu vực Cầu Đen.

Hiện mực nước của các hồ chứa thuỷ lợi trên toàn tỉnh đang ở mức khô hạn đáng chú ý.

Hiện, mực nước của các hồ chứa thuỷ lợi trên toàn tỉnh đang ở mức khô hạn đáng chú ý.

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua chính quyền thị xã Điện Bàn đã xây dựng xong tuyến đập bổi ngăn mặn – giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện tại khu vực Tứ Câu (phường Điện Ngọc). Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất là nếu nước mặn xâm nhập vào sông Thu Bồn, đi qua Vòm Cẩm Đồng ở xã Điện Phong thì nguy cơ hàng chục trạm bơm điện sẽ vận hành khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nước tưới cho khoảng 3.000ha lúa của Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Top