Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 6 năm 2023 | 21:50

Sạt lở đá gây hư hỏng nhà dân ở xã Chiềng Đông

Trên địa bàn xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) vừa xảy vụ sạt lở đá khiến ngôi nhà sàn của anh Lò Văn Hạnh bị hư hỏng nặng, rất may không có thiệt hại về người.

Liên quan tới vụ việc, ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, cho biết: Mới đây, tại khu vực bản Bó, xã Chiềng Đông xảy ra vụ sạt lở đá vào nhà dân. Lúc này, một tảng đá lớn từ phía trên núi lăn xuống ngôi nhà sàn của anh Lò Văn Hạnh (SN 1983) gây hư hỏng nặng. Lúc xảy ra sự việc có 1 cháu nhỏ đang ở trong nhà, may mắn không có thiệt hại về người. Khu vực xảy ra sạt lở cũng chỉ có một căn nhà của gia đình anh Hạnh.

 Ảnh minh họa.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cơ động tại chỗ và người dân trong bản tiến hành tháo dỡ nhà, di chuyển đồ đạc của gia đình về nơi an toàn cách đó hơn 1km. Do gia đình anh Hạnh là hộ nghèo của bản nên xã đã kịp thời báo cáo chính quyền huyện Tuần Giáo để có những chế độ chính sách hỗ trợ cho gia đình.

Nguyên nhân ban đầu của vụ sạt lở được xác định là do mưa lớn nhiều ngày dẫn đến tình trạng sụt lún, sạt lở, đá lăn tự nhiên, không có việc khai thác đá.

"Hiện chính quyền địa phương đang tiến hành rà soát toàn bộ các điểm có nguy cơ sạt lở trong khu vực để tiến hành cảnh báo cho người dân. Bên cạnh đó cũng tiếp tục yêu cầu người dân bản Hua Nạ rà soát toàn bộ khu vực của bản do đây là địa bàn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn về sạt lở sau thời gian mưa kéo dài', Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông cho hay.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ quét, sạt lở đất ngày càng xảy ra với cường độ lớn theo cách lý giải của Tổng cục Phòng chống thiên tai là do triền đồi, núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm, cho nên vào mùa mưa luôn luôn trong trạng thái bão hòa nước.

Mặt khác, diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi. Thêm vào đó, ta-luy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm… Đây là sự tác động trực tiếp để “kích hoạt” cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất.
Người dân tại các tỉnh miền núi, đa phần là người dân tộc lại có thói quen tạo mặt bằng xây nhà cửa, công trình bằng cách xúc đất, san phẳng ở chân đồi. Các sườn đồi, dốc đã trải qua nhiều năm ổn định địa chất, về tự nhiên chúng gần như không sạt trượt. Nhưng khi con người can thiệp, san phẳng chân đồi, "cắt chân" đồi sẽ làm mất cân bằng giữa lực gây trượt và kháng trượt địa chất. Do đó, khi gặp cơn mưa lớn, nước mưa đổ xuống kéo dài khả năng kháng trượt của nền đất sẽ rất yếu dẫn đến trượt lở.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là thiệt hại đáng tiếc về người, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh miền núi phía Bắc cần triển khai bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt, không để người và phương tiện đi qua.

Ngoài ra, các địa phương tổ chức quản lý, trông giữ, không để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, tăng cường thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa lũ bằng các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh... Đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh... có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top