Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 11 năm 2022 | 15:8

Singapore đẩy nhanh chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Singapore là một đảo quốc nhỏ ở Đông Nam Á với dân số khoảng 5,5 triệu người và gần như không có tài nguyên thiên nhiên, nên hàng năm nước này phải nhập khẩu tới hơn 90% lương thực thực phẩm từ hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, người dân đảo quốc này đang cảm nhận rõ hơn hết những tác động tiêu cực của lạm phát, giá thực phẩm leo thang.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Singapore công bố, chỉ số giá lương thực, thực phẩm ở nước này liên tục tăng, nhất là sau khi lệnh cấm xuất khẩu thịt gà của quốc gia láng giềng Malaysia - nguồn cung cấp đáp ứng 34% nhu cầu thịt gà của Singapore hồi đầu tháng 6 năm nay.

Ở vào vị thế bấp bênh trước những cú sốc từ bên ngoài, Chính phủ Singapore đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ tự cung tự cấp được 30% nhu cầu lương thực, thực phẩm.

Một mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại Singapore.

Goh Wee Hou, Giám đốc Ban Chiến lược Cung cấp thực phẩm tại Cơ quan Lương thực Singapore cho biết: “Hoạt động sản xuất lương thực tại chỗ của Singapore hiện chỉ chiếm chưa đầy 10% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mục tiêu trên của Chính phủ đã tính đến các quỹ đất hiện có để sản xuất nông sản và những tiến bộ tiềm năng trong công nghệ cũng như những sáng tạo đột phá”.

Dự án sản xuất 360 triệu quả trứng và 5 triệu gà con/ngày

Dây chuyền sản xuất trứng tích hợp ấp nở gà con, liên doanh với nhà sản xuất trứng hàng đầu Nhật Bản tại đảo quốc sư tử dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2024.

Như vậy, đây sẽ là trang trại sản xuất trứng thứ tư tại đảo quốc Singapore, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2024 như một phần của cơ sở sản xuất thực phẩm tích hợp. Tính đến năm 2020, ba trang trại trứng của Singapore mới chỉ đủ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu, phần còn lại được nhập khẩu từ hơn 12 quốc gia trên thế giới.

Vừa qua, nhà điều hành địa phương ISE Foods Holdings (IFH) đã chính thức thông báo về lộ trình hoạt động của dự án sản xuất trứng khổng lồ này, sau khi nhận được sự phê chuẩn của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) để xây dựng một trang trại trứng thương mại trên khoảng 10ha đất ở khu công nghiệp Lim Chu Kang.

Theo đó, IFH sẽ phối hợp với nhà sản xuất trứng hàng đầu của Nhật Bản là ISE Japan, doanh nghiệp đã từng có các hoạt động sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.

Được biết, ngoài dự án sản xuất trứng, dây chuyền tổng hợp còn bao gồm một trang trại ấp nở gà con một ngày tuổi. ISE Food Holdings cho biết, khi đi vào hoạt động hết công suất, dây chuyền này sẽ có thể cung cấp 360 triệu quả trứng và 5 triệu gà con mỗi ngày.

“Điều này có thể nâng cao năng lực của ngành công nghiệp trứng của Singapore nhằm đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu về trứng của người dân đảo quốc sư tử, tăng khoảng 30% sản lượng so với hiện tại”, ISE thông báo.

Cụ thể, việc xây dựng cơ sở sản xuất chăn nuôi tích hợp này sẽ bắt đầu theo từng giai đoạn từ quý đầu tiên của năm 2023.

Theo các chuyên gia, dây chuyền này sẽ là cơ sở sản xuất trứng và ấp nở gia cầm đầu tiên ở Singapore có đầy đủ hệ sinh thái chăn nuôi hiện đại, từ việc nhập khẩu ban đầu những con gà giống một ngày tuổi, rồi nuôi chúng trở thành lứa bố mẹ đầu tiên để tạo ra những lứa gà đẻ trứng cung cấp ra thị trường.

ISE Food Holdings cho biết, công nghệ hiện đại đang được phát triển với sự hợp tác của Đại học Quốc gia Singapore nhằm tạo ra một hệ thống giám sát từ xa trực tiếp 24/24.

“Công nghệ nhận dạng hình ảnh trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được triển khai để giám sát từng hoạt động theo thời gian thực ở môi trường bên trong trang trại, cũng như bất kỳ một triệu chứng lâm sàng bất thường nào ở gà mái mà không cần sự can thiệp của con người”, Giám đốc điều hành Lim Kok Thai của SFA cho biết.

ISE Food Holdings cho biết, dây chuyền hiện đại này cũng sẽ ứng dụng nhiều quy trình tự động hóa, cho phép trang trại ưu tiên triển khai nhân lực cho các hoạt động có giá trị cao hơn. Ngoài ra, cơ sở này sẽ thực hiện các bước để thúc đẩy tính bền vững bằng cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và áp dụng quản lý chất thải thân thiện với môi trường hơn. IFH cũng sẽ tự cung cấp thức ăn chăn nuôi gà và vaccine để phục vụ dây chuyền. Cụ thể, bao gồm việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống tái chế nước, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng với cảm biến và thông gió tự nhiên để giảm nhu cầu sử dụng điều hòa không khí.

Mô hình nuôi thủy sản trên cao của Tập đoàn  Apollo cung cấp 3.000 tấn cá mú, cá hồi và tôm mỗi năm ở Singapore. Ảnh: Smithsonian

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 cho thấy rõ Singapore là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất về an ninh lương thực.

Chính vì vậy, Singapore đang đẩy nhanh chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo ra nhiều lương thực hơn một cách hiệu quả và bền vững.

Những ánh đèn led màu hồng là một trong những cải tiến nông nghiệp đến từ Hà Lan đang được áp dụng để trồng rau tại trang trại thẳng đứng GroGrace ở Singapore. Với diện tích chỉ gấp rưỡi một sân bóng rổ, nhưng mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường 33 tấn rau xanh. Sản lượng này cao hơn khoảng bốn lần so với các trang trại trong nhà thông thường.

Hiện, các trang trại đô thị ở Singapore đang hợp tác với Hà Lan để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ba mô hình nông nghiệp đô thị ở Singapore đang được khuyến khích phát triển

- Trang trại ứng dụng phương pháp thủy canh trên mái các tòa nhà cao tầng, thường được gọi là Citiponics.

- Các trang trại thẳng đứng (vertical farm) trong các tòa nhà cao tầng, cao ốc, văn phòng nhằm phát triển các loại thực phẩm không thể sản xuất trong nước, thay thế nhập khẩu và cắt giảm lượng khí thải carbon.

- Hình thành hệ thống sản xuất trong nhà kính tốt hơn cho vùng khí hậu nhiệt đới, lấy mô hình từ Vườn Natsuki ở trung tâm thành phố. Theo đó, nhà kính được thiết kế tùy chỉnh cho khí hậu nhiệt đới để không khí lưu thông tốt hơn nhưng vẫn tạo ra năng suất 60-80 kg thực phẩm/m2.

Ông Amed Aboutaled, Thị trưởng thành phố Rotterdam, Hà Lan cho biết: “Chúng tôi trồng cà chua, xà lách và nhiều loại rau củ quả khác nữa. Là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai trên thế giới dù có diện tích không quá lớn, nhưng Hà Lan sở hữu các giải pháp hiệu quả không chỉ trong canh tác mà còn trong phân phối nông sản”.

Với công nghệ mới từ Hà Lan, phần lá rau bên trên được giữ cho tuyệt đối khô thoáng và không khí xung quanh lá cũng được kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự phát triển của nấm. Quá trình canh tác cũng chủ yếu dựa vào nước mưa được hứng và trữ lại nên đảm bảo tính bền vững.

Bà Grace Lim - Đồng sáng lập Hệ thống nông nghiệp đô thị Singapore nói: “Chúng tôi hợp tác cùng nhau và tập trung nhiều nguồn lực nhằm tạo ra nền nông nghiệp đô thị bền vững và độc đáo, có khả năng ứng dụng tại các thành phố và các siêu đô thị và trước mắt là áp dụng luôn ở Singapore”.

Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng là ưu tiên hàng đầu của giới chức Singapore nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho quốc đảo này. Chính phủ đã cam kết đầu tư hơn 50 triệu đô la Singapore nhằm hỗ trợ cho khoảng 132 công ty trong nước áp dụng hệ thống nông nghiệp công nghệ cao.

Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu 90% như hiện nay, Chính phủ Singapore mới đây đã đề ra chiến lược 30-30, có nghĩa là tự đảm bảo 30% nhu cầu về thực phẩm vào năm 2030.

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top