Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 8 năm 2024 | 16:55

“Sự đồng lòng của mỗi người dân sẽ là sức mạnh để làm nên thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế”

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có một cú hích mạnh mẽ mang tên VinFast, tuy nhiên để ô tô Việt thực sự vươn tầm thế giới, ngoài quyết tâm của doanh nghiệp, còn cần sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng.

Từ bức tranh còn dang dở…

Xây dựng được một nền công nghiệp ô tô có vị trí trên bản đồ thế giới luôn là giấc mơ của bao thế hệ người Việt. Mặc dù vậy, hành trình này chưa bao giờ là dễ dàng.

Ngành ô tô Việt Nam ra đời muộn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Từ những năm 1960, Thái Lan, Malaysia… đã phát triển công nghiệp ô tô nhưng cho đến năm 1991 ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới hình thành. Khi liên doanh đầu tiên giữa ô tô Hòa Bình và Mekong Auto với đối tác nước ngoài được cấp phép đi vào hoạt động, Việt Nam đã hy vọng xây dựng được một nền công nghiệp sản xuất ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao bằng cách tận dụng công nghệ từ các đối tác nước ngoài nhằm phát triển hạ tầng phụ trợ trong nước.

Tuy nhiên, do dung lượng thị trường quá nhỏ, sức tiêu thụ thấp, các chính sách chưa phù hợp, đặc biệt là liên doanh nước ngoài không tiến hành đầu tư cho hệ thống công nghiệp phụ trợ, mà dựa hoàn toàn vào linh kiện nhập khẩu từ các tập đoàn mẹ… chiến lược nội địa hóa ngành ô tô bị phá sản.

Trong gần 3 thập kỷ tiếp theo, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chỉ ở mức sơ khai, gian nan tìm chỗ đứng. Từ thất bại của thương hiệu Vinaxuki, để hạn chế rủi ro, các doanh nghiệp đã lựa chọn cách liên doanh với các nhà sản xuất trên thế giới để lắp ráp xe mang thương hiệu ngoại tại Việt Nam thay vì tìm cách tự sản xuất xe. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dẫn đến lợi nhuận thu được rất thấp đồng thời khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lâm vào trì trệ, mất tự chủ và nội lực ngày càng trở nên suy yếu.

…Đến dấu ấn của người dẫn đầu

Sau Vinaxuki, giấc mơ xe hơi “made in Vietnam” được VinFast tiếp nối, với tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy được khởi công xây dựng tại Hải Phòng tháng 9/2017, có tổng diện tích 335 ha, theo tiêu chuẩn công nghệ hàng đầu thế giới.

Chỉ trong một vài năm sau đó, ngoài các mẫu xe xăng, lần lượt những mẫu ô tô điện đình đám như VF 3, VF e34, VF 5, VF 6, VF 7, VF 8, VF 9 ra đời. Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, những chiếc ô tô điện VinFast nhanh chóng lên tàu vượt đại dương, tới Mỹ, châu Âu và nhiều nước châu Á.

Sự xuất hiện của VinFast đã làm thay đổi cách nhìn nhận về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Loại bỏ những hoài nghi về việc Việt Nam “không sản xuất được đến cả chiếc ốc vít”, đến nay người Việt đã có thể làm chủ được công nghệ cốt lõi, tập hợp được lực lượng lao động ưu tú, tạo ra sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt, cạnh tranh sòng phẳng với liên doanh ô tô nước ngoài trên thị trường Việt Nam.

Từ con số 0, chỉ sau 7 năm, VinFast đã từng bước giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam độc lập, chủ động trong chuỗi cung ứng, nâng tầm thương hiệu quốc gia và có chỗ đứng trên bản đồ thế giới.

Tạo đòn bẩy cho ngành công nghiệp ô tô

TS. Lê Xuân Nghĩa (Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) cho rằng: “Chìa khóa thành công của công nghiệp hóa dựa vào ngành công nghiệp chế tạo, mà trụ cột là ngành công nghiệp ô tô. Xây dựng thành công một thương hiệu ô tô Việt Nam đạt đẳng cấp thế giới không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn giúp khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam”.

Với những thành tựu đã và đang thực hiện, các chuyên gia nhận định VinFast đã trở thành tài sản quốc gia, cần sự ủng hộ từ người dân Việt Nam để xây dựng thương hiệu công nghiệp - công nghệ cao đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, việc phát triển một thương hiệu như vậy, đồng nghĩa doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với những đối thủ thủ lớn, có kinh nghiệm, giàu cả về tiền tài lẫn công nghệ, bên cạnh tư duy chuộng ngoại, thích sản phẩm nước ngoài của một bộ phận người dùng trong nước. Điều này khác hoàn toàn với Hàn Quốc - nơi người dân luôn ưu tiên sản phẩm công nghiệp nội địa. Người tiêu dùng nội địa Hàn Quốc có ý thức dân tộc rất cao. Thậm chí, ngay cả người Hàn Quốc sống ở nước ngoài khi mua xe ô tô cũng thường ưu tiên đi xe do Hàn Quốc sản xuất.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, sự chung tay của người dân không chỉ là sức mạnh tinh thần, mà còn là lá chắn để ngành ô tô nội địa đối chọi với cạnh tranh quốc tế từ các hãng ô tô khác, đồng thời cũng là bài học để nước ta xây dựng 1 nền công nghiệp. Vị chuyên gia cũng tin rằng, người Việt hoàn toàn có thể làm nên nguồn sức mạnh dân tộc lớn lao tương tự như Hàn Quốc. Các doanh nghiệp như VinFast sẽ là những “hạt giống công nghiệp” quý giá để phát triển ngành công nghiệp, cũng như để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

“Ngành công nghiệp ô tô vốn tính bằng tiền tỷ USD, như vậy VinFast đang là doanh nghiệp tiên phong trong ngành công nghiệp mũi nhọn, rường cột của quốc gia, rất cần sự hỗ trợ cả về chính sách của Chính phủ và hướng tiêu dùng của người dân”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top