Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 11 năm 2023 | 12:2

Tăng cường chuyển đổi hệ thống nông nghiệp - thực phẩm đảm bảo an ninh lương thực

Giá lương thực tăng cao, tình trạng bất bình đẳng dai dẳng, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine... là những yếu tố khiến một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ Latinh khó có thể đáp ứng được chi phí của một chế độ ăn uống lành mạnh.

Các quốc gia có tỷ lệ mất an ninh lương thực nghiêm trọng

Liên Hợp quốc (LHQ) vừa đưa ra cảnh báo các quốc gia Mỹ Latinh hiện đang “chệch hướng” khỏi triển vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) hoặc các mục tiêu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra, liên quan đến xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực và chống suy dinh dưỡng.

Nhiều nước khu vực Mỹ La tinh có tỷ lệ mất an ninh lương thực nghiêm trọng (Ảnh AFP)

Trong báo cáo “Mỹ Latinh và Caribe: Tổng quan về an ninh lương thực và dinh dưỡng” do Tổ chức  Lương - Nông LHQ (FAO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) soạn thảo và công bố, các chuyên gia LHQ cho biết, dù tỷ lệ đói nghèo và mất an ninh lương thực hiện nay tại khu vực đã giảm đôi chút so với năm 2021, song các chỉ số này vẫn tiếp tục ở mức cao hơn so với thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Báo cáo cho thấy, tỷ lệ đói nghèo và tình trạng mất an ninh lương thực đã giảm xuống tương đối tại khu vực Nam Mỹ trong giai đoạn 2021-2022. Ngược lại, ở Trung Mỹ và Mexico, tỷ lệ đói nghèo vẫn giữ nguyên và tỷ lệ mất an ninh lương thực tăng nhẹ. Ở khu vực Caribe, cả hai chỉ số này đều tăng mạnh.

Các quốc gia có tỷ lệ mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất trong giai đoạn 2021-2022 là Haiti (82,6%), Guatemala (59,8%), Honduras (56,1%), Jamaica (54,4%) và Cộng hòa Dominica (52,1%).

Các tổ chức của LHQ cảnh báo, suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, bao gồm chậm phát triển ở trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân và béo phì “tiếp tục là thách thức đối với khu vực Mỹ Latinh”.

Các chuyên gia cũng cho hay, chi phí cho một chế độ ăn uống lành mạnh ở Mỹ Latinh đã bắt đầu xu hướng tăng nhanh từ năm 2018 và “đạt đỉnh” vào năm 2021. Giá lương thực tăng cao, tình trạng bất bình đẳng dai dẳng, khủng hoảng khí hậu và ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine, là những yếu tố khiến một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ Latinh khó có thể đáp ứng được chi phí của một chế độ ăn uống lành mạnh. Theo LHQ, khoảng 25% dân số trong khu vực không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh.

Báo cáo kết luận tình trạng mất an ninh lương thực ảnh hưởng đến phụ nữ ở mức độ cao hơn so với nam giới, và tỷ lệ mắc bệnh tăng lên khi quá trình đô thị hóa giảm xuống.

Các tổ chức của LHQ kêu gọi các nước Mỹ Latinh tăng cường chuyển đổi hệ thống nông nghiệp-thực phẩm, đồng thời cải thiện hệ thống y tế và bảo trợ xã hội bằng các hành động mang tính toàn diện và đa ngành, để có thể “bám đuổi” các mục tiêu nằm trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Chặng đường dài để chấm dứt hoàn toàn nạn đói

Tổ chức  Lương - Nông LHQ (FAO) cho hay, giá đường trên thị trường toàn cầu trong tháng 9/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 13 năm qua, sau khi sản lượng tại Thái Lan và Ấn Độ giảm bởi ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino.

Theo FAO, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 9/2023 vẫn ổn định. Còn chỉ số giá đường mà FAO theo dõi trên thị trường toàn cầu tăng 9,8% so với tháng 8, lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2010.

FAO nhận định, thế giới còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt hoàn toàn nạn đói.

Chỉ số giá đường mà FAO theo dõi đã tăng 2 tháng liên tiếp khi sự quan ngại gia tăng về nguồn cung đường cho thị trường toàn cầu thu hẹp trong niên vụ 2023-2024.

FAO nhận định, tình trạng này chủ yếu phản ánh những dự báo về sự sụt giảm sản lượng tại Thái Lan và Ấn Độ - hai quốc gia sản xuất đường lớn - vì những điều kiện thời tiết khô hạn bất thường liên quan đến hiện tượng El Nino. Cũng theo FAO, giá dầu thô tăng trên thị trường toàn cầu cũng góp phần khiến giá đường tăng.

FAO trước đó cho rằng, thế giới còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt hoàn toàn nạn đói khi số người bị đói trên thế giới hiện đang cao hơn tới 745 triệu người so với năm 2015.

Trong báo cáo công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về phát triển bền vững diễn ra tại New York (Hoa Kỳ), FAO cho biết, ở thời điểm chặng đường thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã đi được một nửa, thế giới hầu như không có sự cải thiện nào trong các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm và nông nghiệp.

Báo cáo có đoạn: “Những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, cùng với các cuộc khủng hoảng khác như biến đổi khí hậu và xung đột vũ trang, đang gây ra những tác động sâu rộng. Tiến bộ đạt được trong 2 thập niên qua đã bị đình trệ, thậm chí bị đảo ngược trong một số trường hợp”.

Tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu đã gia tăng vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn thị trường thực phẩm và tăng tỷ lệ thất nghiệp. FAO cho biết, trong năm ngoái, khoảng 29,6% dân số toàn cầu - tương đương 2,4 tỷ người - bị mất an ninh lương thực ở mức vừa phải hoặc nghiêm trọng, tăng so với mức 1,75 tỷ người của năm 2015.

Các quốc gia ở nam bán cầu chứng kiến tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất và nạn đói xảy ra nhiều nhất ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi.

Cũng theo FAO, thế giới chưa ghi nhận tiến bộ trong thực hiện mục tiêu giảm 50% lượng thực phẩm bị vứt bỏ, hiện vẫn ở mức 13% từ năm 2016 đến nay. Báo cáo khuyến nghị các chính phủ xây dựng chính sách để giảm thất thoát và lãng phí lương thực.

Trong báo cáo riêng về cung cầu ngũ cốc, FAO dự báo, sản lượng ngũ cốc thế giới năm nay ở mức 2,815 tỷ tấn, giảm nhẹ so với ước tính trước đó là 2,819 tỷ tấn.

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
Top