Cargill công bố sẽ tài trợ 200.000 USD (khoảng 5 tỷ VNĐ) để gia hạn chương trình hỗ trợ phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững và đảm bảo kinh tế đến tháng 8 năm 2025.
Hội nghị đánh giá kết quả triển khai dự án “Vươn mình” tại thị xã Buôn Hồ.
Góp phần cải thiện sinh kế cho các nông hộ
Công ty TNHH Cargill Việt Nam và tổ chức CARE vừa công bố tiếp tục triển khai dự án “Vươn Mình” thêm một năm, sau thời gian thí điểm tại Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Cargill công bố sẽ tài trợ 200.000 USD (khoảng 5 tỷ VNĐ) để gia hạn chương trình đến tháng 8 năm 2025, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho 15.000 người tham gia trong suốt hai năm qua.
Ông Nguyễn Bá Luân, Trưởng Đại diện tập đoàn Cargill tại Việt Nam phấn khởi chia sẻ: “Sự hợp tác đầu tiên của chúng tôi với tổ chức CARE tại Việt Nam thông qua dự án ‘Vươn Mình’ đã gặt hái những thành quả ấn tượng. Chúng tôi hướng đến việc tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ để giúp người tham gia dự án trở nên tự chủ hơn, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và tham gia các chương trình quốc gia. Trong giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ tăng cường hỗ trợ phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và đảm bảo kinh tế trong vùng”.
Dự án “Vươn Mình” được công bố tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2022, do Cargill và CARE phối hợp với Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) và Ủy ban Nhân dân Thị xã Buôn Hồ thực hiện. Kể từ năm 2022, “Vươn Mình” đã góp phần cải thiện đáng kể sinh kế cho các nông hộ, đặc biệt là phụ nữ và cộng đồng dân tộc thiểu số.
Dự án đã tổ chức nhiều khóa đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp, quản lý tài chính và kỹ năng quản lý nhóm, cấp vốn khởi nghiệp, con giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y cho nông dân. Tính đến nay, 250 nông dân (190 trong số đó là phụ nữ) đã nâng cao thu nhập nhờ vào các sáng kiến này. Cùng với đó, việc mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm, dê và lợn giống đặc sản, thực hành sản xuất và mua bán chung với mô hình dê và chế biến cà phê đã giúp mang lại thu nhập hàng tháng cao nhất trong hai năm qua. Các thành viên dự án cũng tái đầu tư nguồn thu nhập gia tăng để mua thêm gia súc, nâng cấp chuồng trại nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời chi trả học phí và chăm sóc sức khoẻ cho con cái.
Anh Y Tuen Niê ở xã Ea Drông, thành viên nhóm chăn nuôi dê cho biết: Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới, dê tôi nuôi đã tăng trọng thêm 5 đến 7 kg chỉ trong một tháng rưỡi, gấp ba lần phương pháp truyền thống. Nhờ đó tôi có thể xuất chuồng đàn dê sớm hơn, thu hồi vốn nhanh hơn.
Bên cạnh đó, dự án còn tập trung cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực hữu ích cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm tiếp cận nguồn vốn và thúc đẩy vai trò lãnh đạo cho phụ nữ. Trong giai đoạn thí điểm, dự án “Vươn Mình” đã thành lập 21 Tổ Tiết kiệm tự quản (VSLA), với 275 thành viên (211 trong số đó là phụ nữ) đã nhận vốn khởi nghiệp và tích lũy được tổng cộng 12.914 USD (khoảng 323 triệu VNĐ). Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các Tổ tiết kiệm tự quản này. Trung bình, mỗi thành viên có thể tiếp cận linh hoạt khoảng 100 USD (2,5 triệu VNĐ) để đầu tư sản xuất như mua dê giống, máy cắt cỏ và cải tạo chuồng trại, qua đó mở rộng hoạt động chăn nuôi và kinh doanh.
Ngoài ra, dự án còn nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho các hộ kinh doanh truyền thống thông qua cải thiện hiệu quả hoạt động và chiến lược tiếp thị. Dự án đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, giúp các nhóm chăn nuôi điều chỉnh phương pháp sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, chẳng hạn như nuôi dê vỗ béo để bán và giới thiệu các giống mới như dê Boer. Nhóm thủ công mỹ nghệ cũng cải thiện kỹ thuật đáng kể, qua đó thu hút thêm nhu cầu hàng hóa và tăng thu nhập từ việc đa dạng hoá các sản phẩm thổ cẩm bản địa.
Ngoài ra, nhóm thu mua cà phê cũng bán được giá tốt hơn nhờ cam kết từ các đối tác mua hàng, góp phần giúp nhiều hộ gia đình trong vùng cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống. Mô hình này cho thấy tiềm năng mở rộng sang các chuỗi giá trị khác, mở ra cơ hội phát triển trong nhiều lĩnh vực liên quan.
Chị H Nônh Kriêng, thành viên nhóm thủ công mỹ nghệ cho biết hộ kinh doanh cá thể của chị đang hoạt động hết công suất: “Có rất nhiều khách đến đặt hàng tôi dệt đồ thổ cẩm. Nhiều việc quá một mình làm không xuể, nên tôi phải tính chuyện thuê thêm người và mua thêm máy may để phục vụ khách hàng tốt hơn.”
Thúc đẩy thực hành bền vững
Phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện dự án hồi tháng 5, ông Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thị xã Buôn Hồ cho biết: “Chính quyền và người dân thị xã Buôn Hồ đánh giá cao dự án ‘Vươn Mình’ do Cargill, CARE và Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) phối hợp thực hiện, và tự hào đã góp phần vào thành công của dự án. Sẽ không thể đạt được thành công này nếu thiếu sự hợp tác của CARE, năng lực triển khai xuất sắc của CDC, và sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Chúng tôi rất phấn khởi chứng kiến những thành tựu này và mong muốn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực các cộng đồng địa phương để đạt được kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai, khi dự án ‘Vươn Mình’ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu”.
Cargill đã và đang duy trì cam kết lâu dài với Việt Nam, góp phần tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho các cộng đồng địa phương từ năm 1995. Qua dự án “Vươn Mình”, Cargill tiếp tục thể hiện quyết tâm góp phần đáp ứng nhu cầu cấp bách và khắc phục khó khăn cho nông hộ, phụ nữ và cộng đồng dân tộc thiểu số. Thông qua việc nâng cao năng lực cho người nông dân và thúc đẩy thực hành bền vững, Cargill không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần xây dựng một tương lai an toàn, lành mạnh và bền vững cho tất cả mọi người.