Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatas cho biết xuất khẩu gạo đã giảm 29,3%, xuống còn 659.566 tấn, trị giá khoảng 16,1 tỷ baht.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatas cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 5 tháng đầu năm nay tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 4,06 triệu tấn, trị giá 94,6 tỷ baht.
Tuy nhiên, trong tháng 5/2024, ông Charoen cho hay xuất khẩu gạo đã giảm 29,3%, xuống còn 659.566 tấn, trị giá khoảng 16,1 tỷ baht, chủ yếu do đơn đặt hàng gạo trắng và gạo đồ giảm.
Dự kiến xuất khẩu gạo trong quý III/2024 sẽ giảm so với nửa đầu năm 2024.Các thị trường chính của gạo trắng Thái Lan vẫn là Philippines, Indonesia, Iraq, Nhật Bản, Angola, Malaysia, Cameroon và Mozambique, trong khi các thị trường chính của gạo đồ Thái Lan là Nam Phi và Bénin.
Các thị trường chính của gạo thơm Thái Hom Mali là Mỹ, Hong Kong , Canada, Singapore, Trung Quốc và Australia. Xuất khẩu gạo Hom Mali trong tháng 5/2024 tăng 7,4% lên 109.218 tấn so với tháng 4/2024.
Ông Charoen cho biết, giá gạo Thái Lan tương đối cao hơn nhiều so với giá gạo do Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan sản xuất, đồng thời nói thêm rằng sự chênh lệch giá này đã thúc đẩy Philippines và Indonesia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam.
Giá xuất khẩu gạo trắng 5% tấm Thái Lan ngày 26/6 là 603 USD/tấn, so với mức 560-565 USD/tấn của Việt Nam và 575-580 USD/tấn của Pakistan. Giá xuất khẩu gạo đồ của Thái Lan được báo giá ở mức 606 USD/tấn, so với mức 540-545 USD/tấn của Ấn Độ và 590-594 USD của Pakistan.
Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong 5 tháng đầu năm nay với 7,2 triệu tấn, giảm 25,4%; tiếp theo là Thái Lan 4,06 triệu tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái; Việt Nam 4,03 triệu tấn, tăng 11,2%; Pakistan 3,02 triệu tấn, tăng 72,5%; và Mỹ 1,5 triệu tấn, tăng 66,7%.
Top 5 thị trường nhập khẩu gạo Thái Lan nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm là Indonesia 914.760 tấn, tăng 96,6%; Iraq 363.438 tấn, giảm 38,7%; Mỹ 344.873 tấn, tăng 15,8%; Philippines 280.522 tấn, tăng 362,1%; và Nam Phi đạt 229.369 tấn, giảm 36,9%./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.