Theo số liệu thống kê, tổng hợp báo cáo nhanh của văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thiệt hại sơ bộ về tài sản đến 7h ngày 12/9 ước tính là 608,166 tỷ đồng, 2 người chết.
Theo đó, lũ đã làm 25.821 hộ phải di dời khẩn cấp, 61 điểm trường bị ảnh hưởng, làm hư hại 9.978 ha lúa và hoa màu; làm chết 292.696 con gia súc, gia cầm; ngập 795 ha nuôi cá. Mưa lũ trong và sau bão đã làm gãy đổ 7 cột treo cáp, đứt 3.300m dây, hư hỏng 4 trạm biến áp, đổ 113 cột điện. Nghiêm trọng hơn, bão lũ đã khiến 138 điểm sạt lở về giao thông, gây chia cắt, mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Đặc biệt, đối với các khu vực bị ngập lụt sau khi nước rút đang có nguy cơ rất cao xảy ra ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.
Lực lượng chức năng xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên) hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà. Ảnh Baothainguuyen
Hiện nay, tình hình thiên tai, ngập lụt còn diễn biến phức tạp, nước ở hạ lưu dâng cao nên các địa phương giáp sông vẫn tiếp tục ứng phó, rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại. Tại các vị trí nước đã rút, cấp ủy, chính quyền đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện tại cơ sở giúp các hộ gia đình thu dọn hiện trường, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Để khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 gây ra, hơn 7.000 cán bộ, chiến sĩ và Dân quân tự vệ được huy động để hỗ trợ người dân ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng các địa phương huy động lực lượng, máy móc phối hợp, chung tay với người dân dọn dẹp, vệ sinh các khu vực ngập úng để giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, lúc 6 giờ sáng nay (12/9), mực nước sông Cầu tại Trạm thủy văn Gia Bảy là 2508 cm; Trạm thủy văn Chã là 1088 cm; Mực nước hồ Núi Cốc là 4721 cm.