Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2024 | 9:24

Thanh Hóa: 86 hồ đập chứa nước thủy lợi xuống cấp, hư hỏng

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 86 hồ đập chứa nước xuống cấp, hư hỏng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ.

Bất an khi hồ, đập xuống cấp

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.286 công trình thủy lợi bị hư hỏng, cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, khắc phục, bao gồm: 173 công trình hồ chứa; 106 công trình đập dâng; 276 công trình trạm bơm; 609 công trình kênh và hệ thống kênh tưới, tiêu; 56 công trình cống tưới, tiêu;  66 công trình khác. Trong đó, có 86 hồ chứa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn.

Tuy nhiên, mùa mưa lũ đã đến, những công trình hồ, đập bị xuống cấp, hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn tại các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Như Thanh, Triệu Sơn, Như Xuân, Hà Trung, Ba Thước, Thường Xuân, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn... vẫn chưa được tu sửa, do các địa phương, đơn vị quản lý hồ, đập vẫn chưa có nguồn vốn để sửa chữa.

Vị trí mái đập thoát nước của hồ Hao Hao, xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn đã bị nứt gãy nhiều vị trí. 

Vị trí mái đập thoát nước của hồ Hao Hao, xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn đã bị nứt gãy nhiều vị trí.

Ghi nhận của PV tại hồ Hao Hao xã Định Hải (thị xã Nghi Sơn), hiện tại rãnh thoát nước bên mái hạ lưu đập bị lún, nứt gãy nhiều vị trí, mặt mái đập nhiều vị trí bị xói mòn. Mái thượng lưu phần tấm bê tông mái đập giữa lòng khe bị chuyển vị trí, khe hở dọc tại khớp nối giữa các tấm bê tông rộng từ 1,5 cm- 2cm. Đây là hồ tưới tiêu cho khoảng 600 ha đất lúa xã Định Hải và xã Nguyên Bình. Ngoài ra, còn cung cấp nước cho nhà máy nước sạch Long Hải để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thuộc các phường Hải Bình, xã Hải Thanh, xã Hải Nhân.

Mái thượng lưu hồ Hao Hao đoạn bê tông bị lún dài, có nhiều khe nứt.

Mái thượng lưu hồ Hao Hao đoạn bê tông bị lún dài, có nhiều khe nứt.

Mặt mái bê tông hồ Hao Hao nhiều vị trí bị xói mòn.

Mặt mái bê tông hồ Hao Hao nhiều vị trí bị xói mòn.

Hồ Vìn (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) xây dựng từ năm 1977. Theo thiết kế hồ Vìn có diện tích tưới 14ha trên địa bàn, nhưng thực tế cho thấy hiện nay diện tích tưới bị thu hẹp còn 12 ha, không đảm bảo nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Qua quan sát thấy thân đập thấp, lòng hồ bị bồi lắng người dân trồng lúa, nước chứa không đảm bảo cung cấp cho sản xuất nông nghiệp; van tưới được đầu tư quá lâu, hoen gỉ, cỏ che phủ; tràn xã lũ do người dân bố trí nên không đảm bảo kỹ thuật; khi mưa lũ sẽ gây ngập phía thượng lưu, gây ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống nơi đây gần khu vực hồ.

Hồ Vìn trên địa bàn xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc đã bị bồi lắng, cỏ mọc um tùm, không đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp

Hồ Vìn đã bị bồi lắng, cỏ mọc um tùm, không đảm bảo đủ nước cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, trưởng thôn Thống Nhất (xã Kiên Thọ) cho biết: "Khu vực chúng tôi sinh sống có hồ Vìn là nơi cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho bà con, nhưng hiện nay diện tích tưới tiêu không đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, về mùa mưa, đập tràn xả lũ không đảm bảo, khi lũ về gây ngập nhà dân xung quanh. Mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư, tôn tạo để hồ cung cấp đủ nước tưới tiêu cũng như đảm bảo đời sống cho khu vực dân cư chúng tôi".

Các giải pháp trước mắt 

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, trên địa bàn huyện hiện có 155 hồ đập, trong đó có 12 hồ chứa nước xuống cấp. Để đảm bảo an toàn vận hành các hồ chứa vào mùa mưa lũ theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp  và PTNT, UBND huyện đã chủ động chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp được phê duyệt để sẵn sáng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Van tưới tại hồ Vìn được đầu tư quá lâu, đã hoen rỉ.

Van tưới tại hồ Vìn được đầu tư quá lâu, đã hoen gỉ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, tất cả các hồ đập đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nên phần lớn đã xuống cấp, hư hỏng.

"Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu  UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ các đơn vị khai thác công trình thủy lợi để thực hiện sửa chữa, chống xuống cấp các công trình. Đối với 86 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, Sở sẽ hướng dẫn UBND các huyện xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp, hồ chứa nào không đảm bảo an toàn sẽ không được tích nước, nhằm đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ 2024", ông Nam cho biết thêm.

Tràn xã lũ do người dân bố trí nên không đảm bảo kỹ thuật; khi mưa lũ sẽ gây ngập phía thượng lưu, gây ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống nơi đây gần khu vực hồ.

Tràn xả lũ của hồ Vìn do người dân bố trí nên không đảm bảo kỹ thuật; khi mưa lũ sẽ gây ngập phía thượng lưu, gây ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống nơi đây gần khu vực hồ.

Ngoài ra, theo ông Nam, việc đánh giá an toàn đập hiện còn nhiều bất cập, hầu hết các đập, hồ chứa đều xây dựng từ lâu, bằng thủ công hoặc theo tiêu chuẩn cũ, không phù hợp và đáp ứng quy định hiện hành; các đơn vị quản lý khai thác công trình chủ yếu đánh giá trực quan bằng mắt thường, đập nào có nguy cơ mất an toàn cao mới đưa vào danh mục hồ mất an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế một số hồ vận hành bình thường nhưng khi đánh giá, đối chiếu với TCVN 11699:2023 Công trình thủy lợi; Đánh giá an toàn đập thì hồ được xếp mức C - đập có nguy cơ mất an toàn, nên sẽ ảnh hưởng đến việc theo dõi, chỉ đạo, quản lý vận hành công trình.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top