Ngoài các biện pháp hỗ trợ lao động nước ngoài, Israel đang phát động phong trào kêu gọi người dân tham gia hoạt động tình nguyện tại các trang trại bị đình trệ do thiếu lao động.
Cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất nông nghiệp tại Israel, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt lao động.
Một nhân viên tình nguyện lái máy cày tại một trang trại miền Trung Israel. (Ảnh: Vũ Hội/TTXVN)
Trước lời kêu gọi của các cơ quan hữu quan và tổ chức phi chính phủ, hàng nghìn tình nguyện viên từ các thành thị đã đăng ký tham gia chiến dịch “giải cứu nông dân.”
Theo thống kê, trước thời điểm xảy ra xung đột ngày 7/10, tại Israel có khoảng 136.000 lao động nước ngoài, trong đó gần một nửa làm việc trong các ngành nghề liên quan đến sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản.
Vài ngày sau khi xung đột bùng nổ, ước tính số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm một nửa.
Chỉ riêng Thái Lan đã có khoảng 23.000 lao động rời khỏi Israel do lo ngại an ninh, bên cạnh các quốc gia khác như Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka… chưa kể khoảng 18.000 lao động có giấy phép từ Dải Gaza và hàng chục nghìn lao động Palestine khác đến từ Bờ Tây cũng đã rời Israel.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Israel huy động khoảng 360.000 quân nhân dự bị trở lại quân đội cũng là một yếu tố khiến thị trường lao động tại Israel trở nên khan hiếm.
Trước sức ép thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp, tuần trước Bộ Nông nghiệp Israel đã phối hợp với Cơ quan Việc làm ban hành một cơ chế đặc biệt để kết nối các chủ trang trại với lao động.
Cụ thể, ngoài mức lương theo quy định, mỗi người lao động nước ngoài còn được trợ cấp thêm 3.000 NIS (khoảng 800 USD)/tháng, tối thiểu trong vòng 2 tháng, và 4.000 NIS trong tháng thứ 3.
Đối với các khu vực nằm trong vùng nguy hiểm gần biên giới, mức trợ cấp này sẽ được tăng gấp đôi.
Tổng Giám đốc điều hành Bộ Nông nghiệp Oren Lavi nhấn mạnh: "Bên cạnh đẩy mạnh tìm kiếm lao động nước ngoài, Bộ Nông nghiệp coi trọng khuyến khích người lao động tham gia lĩnh vực nông nghiệp nhằm duy trì sự ổn định và an ninh lương thực của Israel.”
Sau khi xung đột nổ ra, Cơ quan Dân số và Nhập cư Israel đã quyết định gia hạn tự động thêm 1 tháng cho tất cả các lao động nước ngoài sắp hết hạn thị thực.
Bộ Nông nghiệp cũng tài trợ thêm 500 USD/tháng cho các lao động nước ngoài nếu họ tiếp tục kéo dài thời gian làm việc tại Israel, đồng thời đầu tư thêm kinh phí để xây dựng các hầm trú ẩn ngoài cánh đồng.
Tuy nhiên, các giải pháp cấp bách này được cho là không đủ để bù đắp cho ngành sản xuất nông nghiệp. Thiếu hụt nhân công khiến hoa quả chín rụng đầy vườn, rau màu khô héo ngoài ruộng, gia súc bị bỏ đói...
Đặc biệt, nhiều loại nông sản đến mùa gieo trồng không có người làm, khiến nguy cơ hiện hữu thị trường Israel sẽ thiếu hụt thực phẩm trong những tháng sắp tới.
Gia đình bà Polonsky, chủ trang trại Kfar Haim ở miền Trung Israel, đang sở hữu hoảng 100 dunam (10 hectar) chủ yếu là cà chua, dâu tây, dưa chuột. Bình thường trang trại của bà sử dụng khoảng 60 lao động, trong đó hầu hết là lao động Thái Lan, nhưng đa phần đều đã về nước.
Bà Polonsky nói: “Trang trại chúng tôi có rất nhiều việc, nhưng một nửa số lao động đã rời đi. Vì vậy, chúng tôi có nhu cầu rất lớn về các lao động tình nguyện để có thể duy trì công việc.”
Tổ chức phi lợi nhuận HaShomer HaChadash mở đường dây nóng và nhận đăng ký trên trang web. Chỉ sau một thời gian ngắn kêu gọi, tổ chức này đã nhận được khoảng 2.500 đăng ký theo cá nhân và 800 đăng ký theo nhóm.
Các nhóm đăng ký đa phần là nhân viên của các công ty hoặc sinh viên các trường đại học.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng lập trang riêng trên mạng xã hội, như Whatsapp hay Telegram, để kêu gọi tình nguyện viên tham gia và nhanh chóng nhận được đăng ký của người dân.
Một nhóm tình nguyện viên tham gia giúp nông dân chăm sóc cây cà chua. (Ảnh: Vũ Hội/TTXVN)
Một cuộc thăm dò của hai trường Đại học Tel Aviv và Ben-Gurion Negev cho thấy trên 40% những người trả lời cho biết họ đã tham gia hoạt động tình nguyện dưới một hình thức nào đó.
Các trang trại ở miền Nam Israel là nơi cung cấp khoảng 75% sản lượng rau, 20% sản lượng hoa quả và 6,5% sản lượng sữa cho cả nước, chưa kể các loại thịt gia cầm, gia súc.
Trong khi đó, khu vực miền Bắc, bao gồm vùng thượng Galillee, chiếm khoảng 67% sản lượng trứng hàng năm của cả nước và 40% các loại cây ăn quả như quả có múi, bơ, nho, xoài, đào, chuối.
Người dân ở gần biên giới đều đã phải sơ tán theo lệnh của quân đội. Vật nuôi không được chăm sóc, cây trái chín rụng ngoài vườn đang là vấn đề đau đầu không chỉ với người nông dân, mà với toàn bộ người tiêu dùng khi vật giá leo thang do khan hiếm nguồn cung.
Sau khi được các tổ chức đầu mối thông báo về nhu cầu của các trang trại cần người giúp đỡ, các nhóm tình nguyện viên sẽ được sắp xếp lịch để tham gia làm việc tại các nông trại.
Họ sẽ dành ra nửa ngày giúp nông dân thu hoạch sản phẩm như dâu tây, cam, lựu, dưa chuột, bơ; chăm sóc và làm dàn cho cây cà chua; thu nhặt trứng gà và vắt sữa bò; phun thuốc cho một số loại cây trồng; cuốc xới và vun luống trồng.
Ngoài những công việc đòi hỏi chuyên môn như lái máy cày, vắt sữa bò, phun thuốc, tình nguyện viên có thể tham gia hầu hết các công việc trong trang trại sau khi được hướng dẫn.
Các doanh nghiệp cũng đăng ký cho nhân viên tỏa đến các vùng nông thôn tham gia hoạt động tình nguyện. Ngoài việc giúp đỡ nông dân trong giai đoạn khó khăn, hoạt động này còn là chất keo giúp gắn kết các thành viên trong công ty và khiến họ cảm thấy tự hào hơn.
Anh Boaz Raz, một nhân viên của công ty bảo hiểm Harel, tham gia chăm sóc cà chua tại một trang trại, cho biết: “Các trang trại đang gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ. Với công việc tình nguyện như thế này, chúng tôi cảm thấy vui vì được giúp đỡ ai đó, chúng tôi làm việc bằng cả trái tim. Sau lần này chúng tôi dự định sẽ còn tham gia nhiều lần khác nữa, thậm chí có thể 1-2 lần/tuần”./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.