Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024 | 10:45

Thừa Thiên - Huế hướng đến nông thôn mới thông minh

Không chỉ xây dựng cuộc sống ấm no, hạ tầng khang trang, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thừa Thiên - Huế còn gắn với chuyển đổi số, hướng đến NTM thông minh.

“Nông thôn thông minh”

Xã Vinh Hưng (Phú Lộc) và xã Quảng Thọ (Quảng Điền) là hai địa phương được tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo xây dựng chương trình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Trong đó, mô hình xã thông minh Quảng Thọ được tỉnh, huyện và chính quyền địa phương đầu tư bài bản, được chọn là mô hình thí điểm của Trung ương.

Thực hiện xây dựng mô hình xã NTM thông minh, Quảng Thọ đã ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao trong các mô hình sản xuất, sản phẩm, dịch vụ số. Hiện nay, các hệ thống phổ biến trong thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn được Quảng Thọ thực hiện khá hiệu quả. Xã có 1.565/1.959 hộ gia đình có tài khoản phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt như hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet… Trong đó, có hàng ngàn tài khoản ViettelPay và tài khoản các ngân hàng khác; 100% cán bộ, công chức và người lao động không chuyên trách có tài khoản Hue-S, ví điện tử, ViettelPay và tài khoản các ngân hàng khác, đã thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet… không dùng tiền mặt…

Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Thừa Thiên - Huế tham gia nhiều tại hội chợ thương mại.

Kinh tế số ở Quảng Thọ đang từng bước chuyển biến tích cực. Mô hình hợp tác xã (HTX) số tại HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 xây dựng hệ thống số hóa kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và HTX.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 - Nguyễn Lương Trí, để phát triển thương hiệu “rau má Quảng Thọ”, đơn vị luôn chú trọng đến khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu rau má sạch, đảm bảo quy trình VietGAP và quy trình hữu cơ. HTX  đã xây dựng và hoạt động thử nghiệm website quảng bá sản phẩm mà HTX đang sản xuất, kinh doanh. Tiến hành đưa sản phẩm Trà rau má đã được công nhận OCOP 4 sao của HTX lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, sàn kinh tế hợp tác... Triển khai vận hành thử nghiệm Trang thông tin điện tử của HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2.

HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số  internet.

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được nhiều HTX trên địa bàn Thừa Thiên - Huế triển khai từ nhiều năm nay, như HTX Nông nghiệp Phú Thanh xã Quảng Thành (Quảng Điền), HTX Thủy Thanh 2 xã Thủy Thanh (Phú Vang), HTX An Lỗ (Phong Điền)… Cùng với đó, nhiều HTX cũng đưa giống lúa mới chất lượng cao vào gieo cấy trên cánh đồng lớn, theo hướng hữu cơ, an toàn, VietGAP… Ứng dụng công nghệ cao vào canh tác trong sản xuất nông nghiệp giúp giải quyết tốt bài toán năng suất, chất lượng cũng như tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản địa phương.

Đẩy mạnh dịch vụ số

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành kế hoạch số 132/KH-UBND triển khai tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới  NTM  thông minh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Với mục tiêu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh, giai đoạn 2021-2025.

Sản phẩm nông nghiệp gắn mã QR.

Theo đó, đối với phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM, phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Trên 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao.

Đối với phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, ít nhất 70% số xã có HTX và 70% cấp huyện có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực; 50% mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Đối với xã hội số trong xây dựng NTM, phấn đấu có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.

Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…). Kế hoạch được triển khai ở khu vực nông thôn của cả tỉnh (bao gồm cả các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, huyện nghèo). Thời gian thực hiện đến hết năm 2025.

Ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế, cho hay, thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành, Sở đã xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản cho phép kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Hệ thống thông tin sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được xây dựng và đưa vào hoạt động tại địa chỉ: http://nongsan.thuathienhue.gov.vn.

Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế đang tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên cơ sở kiến trúc, quy chuẩn, dịch vụ chia sẻ dữ liệu thống nhất, bảo đảm nền tảng về dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu cho chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT trong 3 lĩnh vực: Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi - Thú y và Thủy lợi. Phối hợp với Viện chuyển đổi Môi trường và Xã hội Quốc tế (ISET) tiếp tục tích hợp vào hệ thống GISHue phục vụ cộng đồng phòng tránh thiên tai.

Cùng với đó, triển khai ứng dụng công nghệ, thiết bị bay không người lái (Drones) trong việc phun các sản phẩm bảo vệ cây trồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai, phục vụ cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế: Hệ thống mạng vô tuyến điện phòng, chống thiên tai; Hệ thống đo mưa chuyên dụng Vrain; Hệ thống giám sát ngập lụt; Ứng dụng “Phản ánh ngập lụt” trên Hue-S…; Truyền tin cảnh báo qua hệ thống mạng xã hội Facebook, Zalo…

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
Top