Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 12 năm 2022 | 14:2

Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nigeria

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Yemi Oshinbajo, Phó Tổng thống Nigeria vào đầu tháng 12, hai nước mong muốn đưa nông nghiệp thành lĩnh vực hợp tác trọng tâm.

Làm nông nghiệp thông minh

Anh Orija Oladimeji (bang Kwara) đã phải gánh chịu những tổn thất lớn sau thu hoạch, do tính chất khó lường của phương thức canh tác “cuốc đất làm ruộng” mà anh thừa hưởng từ cha mẹ mình. Mọi thứ dần thay đổi, khi Oladimeji tìm hiểu về “phương thức canh tác thông minh” tại Viện Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (IITA). Đây có thể là cách giúp anh giải bài toán về lương thực bền vững trước những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu.

“Thời tiết và nhiệt độ ở khu vực này là điều luôn khiến cho người nông dân phải đau đầu. Đôi khi nó trở nên quá nóng, hay quá lạnh đối với cây trồng. Chúng tôi cần kiểm soát được nhiệt độ và đó là lý do chúng tôi lắp đặt nhà kính này”, anh Oladimeji chia sẻ.

Canh tác trong nhà kính là một trong số các mô hình thông minh đang được một số nông dân Nigeria áp dụng nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lương thực. Đó là việc trồng cây giống trong môi trường được bảo vệ khép kín, nơi có thể kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ của cây trồng. Do đó, ngăn ngừa sự xâm nhập của sâu bệnh.

Phó Tổng thống Nigeria Yemi Osinbajo và đoàn thăm Khu nhà lưới Công nghệ cao của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Oladimeji cho biết, anh đã thu hoạch hơn 300 giỏ cà chua trong năm nay và đang lên kế hoạch lắp đặt thêm các nhà kính trong trang trại của mình. “Cà chua sản xuất ở đây có thể giữ được lâu hơn, vì độ ẩm đã được giảm xuống so với sản xuất theo phương thức truyền thống. Chúng ta có thể đặt thoải mái trong căn bếp của mình, không cần làm lạnh trong 3 tuần mà vẫn không hề bị hỏng”.

Canh tác bao tải

Mô hình thông minh với khí hậu khác đang được nông dân Nigieria áp dụng là phương pháp canh tác trong bao tải.

Akanbi Mohammed, một trong những nông dân tại LNRBDA, cho biết, canh tác bao tải giúp trồng khoai mỡ quanh năm.

“Chúng tôi tận dụng bao tải thức ăn gia cầm để trồng khoai mỡ, sau đó tưới chúng bằng nước thải từ ao cá của gia đình. Không giống như các mô đất trồng khoai mỡ thông thường, người nông dân sẽ không gặp nhiều khó khăn khi làm cỏ và cỏ dại mọc trên bao tải sẽ không ảnh hưởng nhiều cho cây trồng. Ngược lại, nó còn giúp tối đa hóa việc sử dụng đất so với khoai trồng trên đất thông thường”, ông Akanbi chia sẻ.

Akanbi cho biết, thách thức lớn nhất mà nông dân phải đối mặt là phải lấp đất tốt lên tất cả các bao tải và tạo cọc cho các tua khoai leo lên khi nó nảy mầm.

Trồng thủy canh

Giống như trang trại tổng hợp LNRBDA, nhóm nông dân Nigeria và Hiệp hội Hợp tác tại cộng đồng Gaate, bang Nasarawa, đang sử dụng mô hình tương tự để trồng nhiều loại nông sản và cỏ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, họ còn nghiên cứu mô hình thủy canh trồng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho vật nuôi (gia súc và cừu) trong trang trại quanh năm. Những người này cho biết, khái niệm của trang trại thủy canh là, nước được thay thế cho đất và họ sử dụng các giỏ để trồng một lượng đáng kể các loại ngũ cốc (ngô, gạo, cây bo bo) trong một diện tích nhỏ chủ yếu để làm thức ăn cho bò.

Anh Retson Tedekhe, quản lý một trang trại nuôi trồng thủy canh cho biết: “Chúng tôi trồng hơn 700 giỏ như thế này và cứ sau 7 ngày, thu hoạch những loại cỏ này để cho bò ăn”.

Anh cho biết, nếu 1kg ngô được trồng trong giỏ, khi thu hoạch sẽ nhân lên khoảng 6 - 10 kg để cho bò ăn.

Ông Awoniyi Olabisi, chuyên gia nông nghiệp thương mại của LNRBDA, cho biết, mô hình thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu là điều thích hợp nhất mà nông dân nên làm lúc này vì họ không kiểm soát được thời tiết và cũng để bảo đảm sản xuất theo hệ thống nông nghiệp bền vững.

“Các hệ thống nông nghiệp thông minh chẳng hạn như công nghệ nhà kính giúp đảm bảo môi trường sinh trưởng của nông sản. Các sản phẩm từ đây thường tốt cho sức khỏe và bền hơn so với việc canh tác ngoài đồng”, ông Awoniyi nói.

Anh Retson Tedekhe và những giỏ rau trồng thuỷ canh.

Hợp tác cùng phát triển

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Yemi Oshinbajo, Phó Tổng thống Nigeria bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua; hoan nghênh những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp quốc.

Phó Tổng thống Nigeria cho biết, kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Nigeria lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 triệu USD, đưa Nigeria thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi.

Nigeria đã có 39 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn 3,77 triệu USD. Đây chính là nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

“Chúng tôi thực sự tin tưởng có những cơ hội hợp tác về năng lượng sạch với Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có cả việc đầu tư các nhà máy sản xuất các loại xe sử dụng động cơ điện. Chúng ta thấy sản xuất xe điện đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn và sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất xe điện tại Nigeria và mong chờ sự hợp tác giữa hai bên về lĩnh vực này”, ông Yemi Oshinbajo nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhận định, tỷ trọng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nigeria còn khiêm tốn so với tổng thương mại và đầu tư của mỗi nước. Trong bối cảnh hai nước đã quản lý tốt dịch bệnh và mở cửa đất nước, Việt Nam và Nigieria cần tích cực phối hợp hợp tác chung tay để góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hai nước cần quyết tâm nâng cao và tạo cân bằng trong hợp tác thương mại thông qua tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất - nhập khẩu của cả hai bên, trong đó có các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.

Đồng thời, cần thiết lập và triển khai các cơ chế hợp tác về thương mại phát huy vai trò kết nối để thâm nhập thị trường khu vực của nhau, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, đưa nông nghiệp trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai nước. Cùng với đó, nên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, xóa đói giảm nghèo…

“Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên cần huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật từ các nước phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, thúc đẩy các dự án tăng trưởng xanh, bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất.

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top