Gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm thế giới xuất hiện xu hướng “thực phẩm nuôi cấy”, phát triển thịt thực phẩm không qua các phương thức chăn nuôi và giết mổ truyền thống. Động lực chủ yếu thúc đẩy xu hướng này đến từ các nhóm ủng hộ quyền động vật và bảo vệ môi trường.
Thị trường đón nhận
Ngày 21/6, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp phép cho hai công ty khởi nghiệp Good Meat và Upside Foods bán thịt gà nuôi cấy, đưa Mỹ trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới cho phép bán thịt nhân tạo cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng có thể chế biến thịt nuôi cấy này như các loại thịt thông thường khác. Các sản phẩm thịt nuôi cấy đầu tiên được đưa ra thị trường thường là thịt gà vụn để làm món gà lắc hay thịt kẹp trong bánh mỳ. Hương vị của thịt nuôi cấy được đánh giá là giống hoàn toàn hương vị của thịt tự nhiên.
FDA xác nhận rằng thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của Good Meat và Upside Foods an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Trước đó, tháng 11/2022, hai công ty này đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép, trong đó xác nhận thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Theo kết quả một cuộc khảo sát do tổ chức phi lợi nhuận Farm Forward thực hiện năm 2022 đối với 2.000 người trưởng thành ở Mỹ, có tới 2/3 số người được hỏi cho biết sẽ tiêu thụ các sản phẩm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Cuối năm 2020, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán sản phẩm, được gọi là thịt sạch, không phải là thịt động vật bị giết mổ.
Tính đến năm 2022, Singapore thu hút được khoảng 30 công ty thử nghiệm phát triển các sản phẩm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nhằm nỗ lực cải thiện an ninh lương thực.
Nhà hàng ở Singapore phục vụ món gà được làm từ thịt không động vật do Eat Just Inc sản xuất. (Nguồn stonepierpress.org)
Công ty Eat Just có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thịt nhân tạo lớn nhất châu Á ở Singapore vào cuối năm nay, với sản lượng hàng chục nghìn cân. Trong khi đó, Công ty Avant Meats có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) đang có tham vọng sản xuất bong bóng cá, loại thực phẩm cao cấp trong ẩm thực Trung Quốc, từ phòng thí nghiệm.
Hiện Avant Meats đã nộp đơn cấp phép cho sản phẩm của mình tại Singapore và có kế hoạch xây dựng một nhà máy thí điểm để bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2024. Hãng tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey dự đoán, giá trị thị trường của ngành sản xuất thịt nhân tạo ở Singapore sẽ tăng lên 25 tỷ USD vào năm 2030.
Israel cũng là một trong số những quốc gia đang nổi lên với công nghệ thực phẩm nhân tạo, trong đó công nghệ in 3D dần trở thành xu hướng vì có thể tạo ra các sản phẩm giống thật đến từng chi tiết.
Miếng philê cá được in 3D. (Nguồn The National)
Sử dụng các nguyên liệu thực vật như đậu nành và protein đậu, đậu gà, củ cải đường, men dinh dưỡng và mỡ dừa, Công ty Redefine Meat đã lập bản đồ kỹ thuật với hơn 70 thông số khác nhau, bao gồm độ tươi ngon, độ phân bố chất béo... để có thể mô phỏng chính xác kết cấu của thịt từ các phần như gân hay mỡ, sau đó áp dụng công nghệ in 3D để tạo ra các sản phẩm được tối ưu hóa và giống thật hoàn toàn.
Trước đó, hồi đầu năm 2021, một công ty khác của Israel là Aleph Farms cũng hợp tác với Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản để cung cấp thịt bò nhân tạo cho thị trường Nhật Bản. Công ty liên doanh giữa Mitsubishi và Aleph thương mại hóa phát minh nuôi cấy thịt từ tế bào cơ của bò để phát triển thành sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng và quy chuẩn chất lượng của Nhật Bản. Hai bên sẽ tận dụng mạng lưới tiêu thụ của Mitsubishi để tăng tốc sản xuất và phân phối.
Ngoài Nhật Bản là thị trường được quan tâm hàng đầu, Aleph cũng có kế hoạch bán thịt bò nhân tạo cho các thị trường khác ở châu Á.
Theo dự báo của Blue Horizon, một trong những hãng tiên phong đầu tư vào các loại thực phẩm protein thay thế, thị trường thịt nuôi cấy từ tế bào thế giới có thể đạt đến 140 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Rào cản chi phí sản xuất
Rào cản lớn nhất đối với thị trường thịt nuôi cấy hiện nay là chi phí sản xuất lớn và thái độ hoài nghi của khách hàng đối với mùi vị và tính an toàn của sản phẩm.
Một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm là thành phần dinh dưỡng của thịt nuôi cấy và thịt tự nhiên có giống nhau hay không.
Theo đại diện của Upside Foods, thành phần dinh dưỡng của thịt nuôi cấy và thịt tự nhiên giống nhau, thậm chí thành phần dinh dưỡng của thịt nuôi cấy còn có thể được nâng cao.
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu các cách để cải thiện thành phần dinh dưỡng trong các sản phẩm thịt nuôi cấy như điều chỉnh để có ít chất béo bão hòa và cholesterol hơn, hay tạo ra nhiều vitamin hoặc chất béo lành mạnh hơn trong sản phẩm.
Trong tương lai, người tiêu dùng có thể tùy chỉnh thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ăn kiêng.
Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được kỳ vọng sẽ là giải pháp góp phần cải thiện an ninh lương thực và giảm các tác động từ quy trình sản xuất thực phẩm đối với môi trường.
Trong quy trình nuôi cấy thịt, các tế bào được lấy từ động vật bằng phương pháp sinh thiết không gây hại, sau đó được đặt trong những bình thép lớn được gọi là các “lò phản ứng sinh học” chứa dung dịch gồm các chất dinh dưỡng như muối, protein và carbonhydrate.
Ở nhiệt độ thích hợp, các tế bào được nuôi cấy sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân. Sau 2-3 tuần nuôi cấy, có thể thu hoạch thịt.
Do được sản xuất trong môi trường vô trùng nên thịt nuôi cấy ít nguy cơ nhiễm các bệnh và hóa chất.
Theo Good Meat, thịt nhiễm vi khuẩn từ chất thải của động vật là vấn đề lớn trong chăn nuôi và thịt nuôi cấy ngăn ngừa được nguy cơ nhiễm khuẩn này.
Miếng ức gà nuôi cấy đã nấu chín được tạo ra tại nhà máy Upside Foods. Nguồn Reuters
Tương lai của ngành công nghiệp chăn nuôi
Theo đài CNN (Mỹ), Steakholder Foods, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Israel, đã sản xuất miếng một miếng philê cá được in 3D, đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành thực phẩm.
Arik Kaufman, Giám đốc điều hành của Steakholder Foods, cho biết, công ty đã hợp tác với Umami Meats, có trụ sở tại Singapore để tạo ra miếng philê cá mú trên.
Mihir Pershad, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Umami Meats, cho biết: “Trong lần nếm thử đầu tiên, chúng tôi đã giới thiệu một sản phẩm được “nuôi cấy” nhưng có vảy và có vị giống hệt một miếng cá”.
Hải sản và thịt dưới dạng “nuôi cấy” là các dạng protein thực sự được nuôi trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng tế bào gốc, thay vì cá đánh bắt từ biển hay gia súc nuôi trong trang trại.
Ngành công nghiệp không giết mổ này được thành lập nhằm mục đích cho ra đời những sản phẩm có hương vị tương đương với thịt cá thông thường, nhưng không gây ra những chi phí truyền thống khác cho cả động vật và môi trường.
“Chúng ta vẫn đang ăn và tiêu thụ thịt theo cách mà chúng ta đã tiêu thụ từ hàng ngàn năm trước” - Kaufman nói với CNN - “Vì vậy, chúng tôi quyết định thử một cách tiếp cận mới để sáng tạo ra thịt”.
Ngành công nghiệp thịt và hải sản nuôi cấy tương đối mới trong bối cảnh công nghệ protein thay thế đang trở nên phổ biến hơn, bao gồm những sản phẩm dựa trên thực vật khá nổi tiếng như Beyond Meat và Impossible Foods.
Những công nghệ từ công trình nghiên cứu của NASA vào năm 2006 đã bùng nổ trong hơn một thập kỷ qua, với sự nổi lên của hơn 150 công ty trên khắp thế giới để phát triển tất cả các thực phẩm dạng nuôi cấy nhân tạo, từ gà viên cho đến que cá.
Theo ước tính của Liên Hợp quốc, gần 90% quần thể cá biển toàn cầu đang bị đánh bắt quá mức hoặc cạn kiệt. Đối với thịt, việc chăn nuôi gia súc tạo ra gần 15% tổng lượng khí thải nhà kính.
Theo báo cáo năm 2022 của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể giúp giảm lượng khí thải đó nhờ giảm sử dụng đất, nước và chất dinh dưỡng - mặc dù một nghiên cứu gần đây của Đại học California, giáo sư Davis đã đưa ra cảnh báo về chi phí môi trường do việc mở rộng quy mô nuôi cấy thịt theo các quy trình hiện nay.
“Cũng giống như những ý tưởng mới mẻ khác, ngành công nghiệp này sẽ phải đối mặt với sự do dự từ công chúng”, David Block, giáo sư chính tại Hiệp hội thịt nuôi cấy của UC Davis ở California, Mỹ cho biết.
Ông cho rằng, việc đạt được sự chấp nhận của người tiêu dùng sẽ là thử thách lớn đối với ngành này và các công ty sẽ phải thực sự suy nghĩ về những gì họ đã làm khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường, bao gồm điều chỉnh các sản phẩm có hương vị thơm ngon hơn, bổ dưỡng hơn và có thời hạn sử dụng lâu hơn.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.