Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cần nhanh cứu trợ để kịp thời hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai một cách hiệu quả, giúp công tác cứu trợ không bị trùng lặp, tránh lãng phí. Đẩy nhanh các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão để học sinh nhanh chóng được đến trường, người dân ổn định cuộc sống, khôi phục lại sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp.
Sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất và tạo sinh kế cho người dân
Trước thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng do bão số 3 gây ra ở các địa phương, sáng 9/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức cuộc họp với đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam- Đối tác giảm nhẹ thiệt hại thiên tai để chia sẻ thông tin khẩn cấp về bão số 3.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, bão số 3 là cơn bão mạnh đổ bộ vào các tỉnh, thành phố miền Bắc trong mấy chục năm qua. Bão số 3 tàn phá khủng khiếp, gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất, cơ sở hạ tầng ở các địa phương: Điện, viễn thông, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ven biển; gây mất điện diện rộng ở các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình...
Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, riêng diện tích lúa bị ngập úng hơn 111.000ha, các đơn vị chức năng đã, đang, sẽ tìm mọi biện pháp, nỗ lực bơm tiêu úng cứu lúa. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 20.000-30.000ha lúa nhiều khả năng bị mất trắng. Cùng với đó, gần 6.900 ha cây ăn quả cũng thiệt hại lớn, đặc biệt là cây có múi.
Diện tích trồng cây ăn quả của nông dân xã Hưng Đạo (Tiên Lữ- Hưng Yên) bị thiệt hại do bão số 3.
Bão số 3 cũng làm đổ gãy hàng chục nghìn cây xanh đô thị ở các địa phương. Hiện cây xanh ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 10%; còn tại thành phố Hà Nội đổ, gãy cành 24.000 cây, chiếm khoảng 10% tổng số lượng cây xanh trên địa bàn thành phố.
Gần 1 triệu hecta rừng bị thiệt hại, gồm cả rừng trồng (rừng sản xuất) và rừng tự nhiên. Đối với rừng bị gãy đổ nếu không xử lý sẽ tạo nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trước những thiệt hại gây ra do bão số 3, cần nhanh cứu trợ để kịp thời hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai một cách hiệu quả, giúp công tác cứu trợ không bị trùng lặp, tránh lãng phí. Đẩy nhanh các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão để học sinh nhanh chóng được đến trường, người dân ổn định cuộc sống, khôi phục lại sản xuất. Đồng thời cần bảo đảm cung cấp các nhu cầu cấp thiết cho người dân bị ảnh hưởng trong đó chú trọng vào các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, trẻ em, gia đình nghèo, neo đơn và người khuyết tật...
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, với các nguồn cứu trợ khẩn cấp như hàng hóa, tiền mặt, sẽ vô cùng hữu ích trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ để khắc phục hậu quả sau đó như sửa chữa nhà cửa, đảm bảo sinh kế và an toàn xã hội còn gia tăng hữu ích hơn nữa.
"Tôi tin rằng với sự tham gia đầy đủ và nhiệt tình của các thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai ngày hôm nay, chúng ta sẽ có buổi làm việc hiệu quả để cùng nhau trao đổi, chia sẻ và triển khai các hoạt động tiếp theo nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai ổn định cuộc sống", Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện, bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, Đồng chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của mình đối với người dân Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của Bão Yagi.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế - Đối tác giảm nhẹ thiệt hại thiên tai đi thực tế và có những hỗ trợ kịp thời cho người dân Việt Nam ở khu vực bị thiệt hại do bão số 3, mưa lũ và sạt lở đất. Về giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các đối tác sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới để ứng phó hiệu quả thiên tai, tạo sinh kế cho người dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nỗ lực phục hồi và tăng cường khả năng chống chịu thiên tai trong tương lai
Trao đổi, chia sẻ tại cuộc họp, đại diện các tổ chức quốc tế đều cho rằng, bão số 3 có sức tàn phá khủng khiếp, để lại hậu quả quá lớn đối với người dân. Qua đó, các tổ chức quốc tế bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành phố với các hình thức khác nhau, góp phần giúp đỡ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.
Liên Hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng bị ảnh hưởng trong thời điểm đầy thách thức này. Liên hợp quốc cam kết sẽ phối hợp với các đối tác của mình để cung cấp hỗ trợ cho các địa phương đang có nhu cầu cấp thiết nhất. Trọng tâm vẫn là hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật, bảo đảm họ nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ cần thiết.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đánh giá tình hình, huy động nguồn lực và cung cấp các hỗ trợ thiết yếu cho các tỉnh và người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Nhân đây, tôi muốn bảo đảm với Chính phủ và người dân Việt Nam rằng Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi và tăng cường khả năng chống chịu thiên tai trong tương lai", bà Pauline Fatima Tamesis nói.
Chia sẻ với Việt Nam về những thiệt hại do bão số 3 gây ra, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, nhóm đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ có những nỗ lực nhằm giảm rủi ro đang tiềm tàng nguy cơ xảy ra sau bão Yagi.
Đồng thời, UNDP sẵn sàng cung cấp các giải pháp hỗ trợ về kỹ thuật, phân tích về những rủi ro. "Ngoài những hỗ trợ nhà ở, chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ các hạng mục về nhu yếu phẩm, đồ ăn cho những người dân yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo", bà Ramla Khalidi nói.
Chúng tôi hoàn toàn có thể huy động nguồn lực trong UNDP cũng như các tổ chức khác trong Liên hợp quốc để tạo ra nguồn hỗ trợ về quỹ hỗ trợ. Bên cạnh đó, bà Ramla Khalidi lưu ý thêm rằng, đánh giá nhanh thiệt hại, tổn thất đóng vai trò quan trọng trong xác định những ảnh hưởng bước đầu, tuy nhiên đánh giá nhanh còn tồn tại một vài hạn chế, cần đẩy mạnh kết hợp với các báo cáo ở địa phương nhằm nêu rõ tình hình thực tế.
Giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, lượng mưa tại các tỉnh phía Bắc hiện rất lớn. Lưu lượng nước đổ về các hồ chứa, hồ thủy điện đang tăng cao.
Nhiều lồng bè nuôi thủy sản ở Cát Bà (Hải Phòng) tan tác sau bão số 3.
Ngay trong sáng nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT liên tục yêu cầu thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả lũ. Đến thời điểm này, thủy điện Tuyên Quang đã mở đến 6 cửa xả đáy, thủy điện Thác Bà mở 3 cửa xả lũ; thủy điện Hòa Bình mở 2 cửa xả lũ.
“Hiện nay lưu lượng nước về thủy điện Tuyên Quang rất lớn, lên tới 6.000m3/s. Nhưng Bộ đang điều tiết, cho lượng nước xả ở mức hơn 2.000m3/s. Với tình hình này, thủy điện Tuyên Quang sẽ tiếp tục mở cửa xả lũ”, Thứ trưởng Hiệp nói.
Theo Thứ trưởng Hiệp, hiện lũ trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ), sông Lô (Hà Giang, Tuyên Quang), sông Lục Nam và sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương) đang lên. Nhiều nơi đang vượt mức báo động 3, (tức lũ rất nguy hiểm, mực nước trong sông, suối đã dâng lên rất cao, tất cả các vùng đất thấp đều đã bị ngập, kể cả những vùng đất thấp nằm trong thành phố; sự an toàn của các đê bảo vệ ven sông đang bị đe dọa).
“Tình hình đang rất căng. Chúng tôi đang chỉ đạo xả lũ để giảm thiểu thiệt hại cho hạ du. Hiện đã quy định về các kịch bản ứng phó với từng cấp lũ. Các địa phương cần chủ động vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ, đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân”, Thứ trưởng Hiệp nói.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 11h30 ngày 9/9, bão số 3 và mưa lũ sau bão khiến 59 người chết và mất tích, trong đó do bão 9 người; sạt lở đất, lũ quét 44 người; do lũ cuốn 6 người. 113.593ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 22.047 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại. Trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 79 con gia súc, 190.131 con gia cầm. 25 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 9.851 nhà ở bị hư hỏng; 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 161 đường dây 110kV bị sự cố và nhiều cột điện hạ thế bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại./. |