CNN đưa tin, theo Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO), từ trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tình trạng thiếu lương thực đã gây tác động tiêu cực tới chế độ dinh dưỡng của gần 50% dân số Triều Tiên.
Những năm gần đây, Triều Tiên đã có nhiều hoạt động chứng tỏ nước này muốn tập trung nhiều nỗ lực hơn nữa vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp để bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước. Phát triển nông nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ chính mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un đề ra tại Hội nghị toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra vào tháng 12/2021.
Thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ngũ cốc/năm
Theo số liệu chính thức năm 2022 do Cơ quan Hải quan Trung Quốc cung cấp, Bắc Kinh xuất khẩu gần 56.000 tấn lúa mỳ và hơn 53.000 tấn ngũ cốc tới Triều Tiên.
Tuy vậy, lệnh đóng cửa biên giới đã khiến các hoạt động giao thương tiểu ngạch, không chính thức giữa Triều Tiên và Trung Quốc bị siết chặt, mà đây vốn là dòng chảy hàng hóa chính tại Triều Tiên.
Nhà kinh tế cấp cao Kwon Tae-jin tại Viện GS & J ở Hàn Quốc cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, họ đang đi giật lùi và quay về quá khứ. Để giải quyết vấn đề lương thực, họ nên để thị trường đóng vai trò lớn hơn. Nhưng họ đang quay trở lại nền kinh tế kế hoạch”.
Cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức cuối tháng 2 vừa qua. Ảnh: KCNA
Hệ thống khẩu phần ăn nhà nước ở Triều Tiên phần lớn bị thất bại kể từ khi nạn đói giết chết ước tính hàng trăm nghìn người vào giữa những năm 1990. Kể từ đó, đất nước này đã chấp nhận một số mức độ hoạt động thị trường mở, giúp đất nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn.
Các chuyên gia cho rằng, những khó khăn kinh tế kinh niên và tình trạng mất an ninh lương thực của Triều Tiên ngày càng trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp quốc, đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm các giao dịch thương mại với bên ngoài cùng với sự quản lý yếu kém trong nước.
Tình trạng thiếu lương thực ngày một trầm trọng hơn là nỗ lực bất thành của Bình Nhưỡng trong việc cung cấp lương thực thông qua các cơ sở do Nhà nước điều hành, trong khi hạn chế hoạt động giao dịch tư nhân tại các chợ.
Ông Kwon cho biết thêm, các yếu tố khác gây ra tình trạng thiếu lương thực bao gồm thu nhập cá nhân giảm và các biện pháp hạn chế đại dịch.
“Những người tham gia thị trường vẫn hành động rất thận trọng nên lượng ngũ cốc tại các chợ không tăng nhiều. Một khi các nhà chức trách nhìn thị trường một cách tiêu cực, thì vấn đề sẽ không thể được phục hồi một cách đúng đắn”, ông Kwon nói.
Theo đánh giá của Hàn Quốc, sản lượng ngũ cốc năm 2022 của Triều Tiên ước đạt 4,5 triệu tấn, giảm 3,8% so với năm trước đó. Trong thập kỷ trước, sản lượng hàng năm ước tính khoảng từ 4,4 triệu đến 4,8 triệu tấn. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên hàng năm phải cần ít nhất 5,5 triệu tấn lương thực để nuôi sống 25 triệu dân.
Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nói: “Thật khó để lạc quan về nguồn cung lương thực chừng nào Bình Nhưỡng vẫn khăng khăng thực hiện mô hình cũ, cô lập đất nước khỏi thương mại và hỗ trợ quốc tế trong khi theo đuổi chương trình tên lửa hạt nhân”.
Chuyên gia phân tích Kwon nhận định, trong khi Triều Tiên thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ngũ cốc hàng năm, nhưng mức độ thiếu hụt như vậy sẽ không dẫn đến nạn đói hàng loạt như trong quá khứ, bởi thực phẩm vẫn có sẵn ở chợ dù với giá đắt đỏ. “Giống như những người rất nghèo đang thiếu đói nhưng chính phủ sẽ không để họ chết đói. Mọi thứ có thể sẽ tiếp tục như vậy”, ông Kwon nói.
Nỗ lực phát triển kinh tế nông nghiệp
Giữa tháng 10/2022, nỗ lực phát triển kinh tế nông nghiệp của Triều Tiên được thể hiện rõ hơn thông qua việc nước này vừa khánh thành một trang trại sản xuất rau củ với quy mô lớn nhất đất nước.
Đặc biệt, trang trại này được xây dựng trên nền một căn cứ không quân cũ, nơi trước đây Triều Tiên vẫn tiến hành các cuộc thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Nông dân tại Bình Nhưỡng canh tác trên đồng. Ảnh: AP
Trang trại nhà kính Ryonpho là trang trại tự động hóa cao và là cơ sở hình thành nên phong cách văn minh nông thôn Triều Tiên. Trang trại có tới 850 nhà kính được xây dựng trên diện tích 280ha, cùng với đó là khoảng 1.000 nhà ở, trường học, cơ sở dịch vụ và văn hóa ở khu vực liền kề.
Cuối tháng 2 vừa qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chủ trì phiên họp toàn thể mở rộng lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) khóa VIII để xem xét các dự án phát triển nông nghiệp.
Giới chức cấp cao WPK đã xem xét những thành tựu đạt được vào năm ngoái trong chương trình “cách mạng nông thôn kỷ nguyên mới”. Cuộc họp còn xác định những nhiệm vụ “quan trọng trước mắt” về nông nghiệp cũng như “những nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong giai đoạn phát triển kinh tế đất nước hiện nay”.
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên WPK triệu tập một phiên họp toàn thể dành riêng cho nông nghiệp. Trước đó, khi thông báo về phiên họp nêu trên, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nhấn mạnh “thiết lập chiến lược phát triển nông nghiệp đúng đắn” là một nhiệm vụ khẩn cấp.
Những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới của Triều Tiên gần như bị gián đoạn hoàn toàn vì đại dịch Covid-19. Đến năm 2022, quốc gia này mới mở lại giao thông đường sắt với Trung Quốc và Nga. Hơn 90% hoạt động ngoại thương chính thức của Triều Tiên đi qua biên giới với Trung Quốc.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tại cuộc họp, ông Kim yêu cầu “chuyển đổi căn bản” hoạt động nông nghiệp và kế hoạch kinh tế của nhà nước. Nhà lãnh đạo vạch ra nhiều kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng “các cộng đồng nông thôn giàu có và văn minh, với trình độ công nghệ tiên tiến”.
Ông Kim cũng chỉ đạo cải tạo hệ thống tưới tiêu nhằm đối phó biến đổi khí hậu, sản xuất các loại máy móc nông nghiệp hiệu quả nhằm hiện đại hóa canh tác. Bên cạnh đó, giới chức Triều Tiên được yêu cầu khai hoang các vùng đất để mở rộng diện tích nông nghiệp.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết, Chính phủ của ông coi phát triển nông nghiệp có tầm quan trọng “chiến lược” và các mục tiêu nông nghiệp nên được giải quyết chắc chắn, theo KCNA. Ông Kim cũng yêu cầu các quan chức các cấp chấn chỉnh “hướng dẫn canh tác” và tập trung vào việc tăng sản lượng nông nghiệp.
“Để đạt được mục tiêu dài hạn to lớn về phát triển nông thôn, cần phải tăng cường mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng đối với nông nghiệp và cải thiện công tác Đảng ở nông thôn”, truyền thông Nhà nước trích dẫn bài phát biểu của ông Kim tại Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.