Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 3 năm 2023 | 10:21

Trung Quốc thương mại hóa ngô biến đổi gen?

Trung Quốc đã nghiên cứu các giống cây lương thực biến đổi gen trong nhiều thập kỷ nhưng chưa bao giờ cho phép trồng chúng, kể cả trồng ngô, vì vướng phải vấn đề pháp lý.

Quyết định quan trọng

Ủy ban Phê duyệt Giống cây trồng Quốc gia Trung Quốc đã ban hành 2 tiêu chuẩn nhằm tạo cơ sở cho việc canh tác cây trồng biến đổi gen ở quốc gia này.

Đây là mảnh ghép pháp lý còn thiếu liên quan đến các quy định cho phép canh tác thương mại hoá ngô và đậu tương biến đổi gen tại Trung Quốc. Chính phủ nước này đưa ra hai bước: “chứng nhận an toàn” và “công nhận giống”, trước khi cây trồng có thể sản xuất trên diện rộng.

Nhiều giống ngô và đậu tương biến đổi gen khác nhau đã nhận được giấy chứng nhận an toàn từ năm 2019. Cái còn thiếu là “công nhận giống”. Giờ đây, rào cản đó được xóa bỏ và việc thương mại hóa cây trồng biến đổi gen ở Trung Quốc là hoàn toàn khả thi.

Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cũng nhắc lại thông tin này. Bộ này nhấn mạnh: “Trung Quốc có kế hoạch phê duyệt nhiều giống ngô biến đổi gen hơn”.

Hiện nay, tuy Trung Quốc nhập khẩu ngô và đậu tương biến đổi gen nhưng việc tiến hành trồng trọt những loại cây này đang bị cấm trong nước.

Nhiều tổ chức môi trường quốc tế, trong đó có Greenpeace cho biết, nông dân Trung Quốc đã trồng ngô biến đổi gen bất hợp pháp từ nhiều năm qua. Ảnh: Reuters

Sự thay đổi trong các quy định tiềm năng sẽ cải thiện đáng kể sản lượng canh tác. Điều này phù hợp với tham vọng của Trung Quốc trong việc tăng nguồn tự cung các loại ngũ cốc và hạt có dầu thiết yếu trong những năm tới. Bằng việc đề ra những mục tiêu cụ thể đối với các sản phẩm như thịt lợn, quốc gia này muốn tự sản xuất 95% tổng sản lượng tiêu thụ vào năm 2025.

Nếu Trung Quốc tăng dần sản lượng và trở thành nước xuất khẩu ròng ngô ổn định, đây sẽ là một thách thức đối với Nam Phi khi phải tìm kiếm thị trường ở những quốc gia khác.

Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu ngô và đậu tương lớn nhất thế giới. Sản lượng nhập khẩu của nước này chiếm đến 13% lượng ngô nhập khẩu toàn cầu năm 2021 và khoảng 60% lượng đậu tương nhập khẩu của thế giới. Việc giảm khối lượng nhập khẩu có thể dẫn đến áp lực giảm giá toàn cầu.

Nông dân Nam Phi và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản cần hết sức lưu ý những diễn biến này bởi nó sẽ có tác động đến tăng trưởng dài hạn của ngành nông nghiệp trong nước.

Sự gia tăng sản xuất ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ngô, cây trồng mà Nam Phi được xem là nước xuất khẩu ròng, có thể làm gia tăng cạnh tranh và áp lực giảm giá trong trung hạn. Một số thị trường xuất khẩu ngô chính của Nam Phi là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam đều có vị trí gần với Trung Quốc.

Dè dặt triển khai

Trung Quốc có thể trồng dưới 1% diện tích ngô bằng các giống biến đổi gen (GMO) trong năm nay, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu tiêu tốn nhiều tỷ USD.

Một nhà quản lý cấp cao thuộc một tập đoàn phát triển hạt giống Trung Quốc dẫn thông báo cho biết: Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã lên kế hoạch chỉ định trồng khoảng 4 triệu mu (tương đương 267.000 ha) bằng các giống ngô biến đổi gen trong năm nay. “Cụ thể, một số giống ngô GMO sẽ được trồng ở một số địa điểm thuộc các tỉnh Nội Mông, Cát Lâm, Hà Bắc và Vân Nam”, vị này nói với Reuters nhưng từ chối tiết lộ danh tính vì kế hoạch không được công khai.

Theo các nhà quan sát, việc triển khai chậm hơn dự kiến kế hoạch trồng ngô biến đổi gen  gây thất vọng cho các công ty hạt giống đang rất kỳ vọng tăng doanh thu trong một thị trường phân mảnh và cạnh tranh cao. Ngoài ra, kế hoạch này cũng xảy ra khi sự phục hồi kinh tế dự kiến  làm tăng nhu cầu tiêu dùng ngô của Trung Quốc để nuôi đàn lợn lớn nhất thế giới.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc không trả lời hay phản hồi bất cứ yêu cầu bình luận hoặc thông tin nào liên quan đến chủ đề nhạy cảm này. Theo số liệu thống kê chính thức, Trung Quốc đã trồng khoảng 43 triệu hecta ngô vào năm 2022, tạo ra 277 triệu tấn ngô.

Bất chấp sự cảnh giác đối với cây trồng biến đổi gen, các giống cây lương thực GMO vẫn có nhu cầu rất lớn vì ưu điểm năng suất cao và chống chịu tốt hơn với các loại hình thời tiết khắc nghiệt.

Tại Việt Nam, cây trồng BĐG đã được chính thức được cấp phép canh tác thương mại từ 2014 - 2015 trên cây ngô. Báo cáo phát hành gần đây về “Tác động kinh tế xã hội của ngô BĐG giai đoạn 2015 – 2019 tại Việt Nam” cho thấy, ngô BĐG đã giúp tăng năng suất thu hoạch thêm 30,4% (tương đương tăng thêm 2,03 tấn hạt tươi/ha hay 1,27 tấn hạt khô đã bỏ lõi/ha) so với các giống ngô lai truyền thống.

Nếu mở rộng diện tích gieo trồng các giống ngô này, tiềm năng bổ sung thêm nguồn cung ngô hạt trong chuỗi thức ăn chăn nuôi càng lớn. Bên cạnh đó, ngô BĐG cũng đang giúp nâng cao thu nhập ở cấp độ nông hộ 3,75 - 6,65 triệu đồng/ha.

Theo một báo cáo được công bố trên các phương tiện truyền thông nhà nước vào năm 2021, tại vựa lúa mì của Trung Quốc ở phía Đông Bắc, các giống ngô biến đổi gen vẫn được người dân gieo trồng trái phép, chiếm tới 70% diện tích.

Các nhà phân tích tại hãng Citic Securities và Tianfeng Securities cho biết trong các thông báo gần đây rằng, họ dự kiến  tung ra thị trường các giống ngô GMO ngay trong mùa xuân này.

Giám đốc một công ty hạt giống cho biết: “Chúng tôi hy vọng các giống GMO ở Trung Quốc sẽ tăng ít nhất gấp 3-4 lần diện tích trong thời gian tới”.

Hiện, hai công ty có công nghệ ngô GMO được Bắc Kinh phê duyệt là an toàn bao gồm Beijing Dabeinong Technology Group Co Ltd (002385.SZ) và liên doanh giữa Syngenta Group và Yuan Longping High-tech Agricultural Co Ltd (000998.SZ). Trong khi đó, các công ty nước ngoài không được phép buôn bán, kinh doanh hạt giống GMO ở Trung Quốc.

Trung Quốc có thể mở rộng diện tích trồng ngô biến đổi gen trong tương lai. Ảnh: TL.

Chủ tịch Tập Cận Bình bật đèn xanh

Các cánh đồng ngô của Trung Quốc chỉ cho sản lượng ngô trung bình bằng khoảng 60% so với sản lượng ngô của các nhà sản xuất hàng đầu Mỹ, nơi các giống ngô biến đổi gen chiếm hơn 90% diện tích.

Theo các nguồn tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng ủng hộ việc sử dụng công nghệ này, điều mà ông cho là rất quan trọng để củng cố an ninh lương thực của Trung Quốc. Căng thẳng thương mại, thời tiết thất thường và chiến tranh ở nước xuất khẩu ngô lớn là Ukraine đã làm gia tăng lo ngại chính thức về việc nuôi sống hơn 1,4 tỷ dân của nước này.

Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã phê duyệt tính an toàn của 14 “đặc điểm” của ngô biến đổi gen kể từ năm 2019 và thực hiện các quy định mới để hỗ trợ công nghệ này, báo hiệu sự thay đổi trong thái độ thận trọng lâu nay đối với thực phẩm GMO.

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top