Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 4 năm 2023 | 8:0

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, người anh hùng lẫy lừng trận mạc

“Tôi may mắn được tham gia từ đầu chiến dịch cho đến ngày đại thắng. Hơn 40 năm quân ngũ, đã chiến đấu, công tác ở nhiều đơn vị. Trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước, đã đi qua nhiều vùng đất, miền quê, nhiều chiến trường… Ở mỗi đơn vị tôi đã từng chiến đấu, công tác, có biết bao anh em đồng chí, người mất, người còn là một phần máu thịt của đời tôi!”.

Nhắc lại khoảng khắc ấy, vị tướng, người anh hùng lẫy lừng trận mạc Đoàn Sinh Hưởng ưu tư.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chúc mừng cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 324 (Quân khu 4) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập.

Do nhiệm vụ và cũng là cơ duyên, trong công tác tôi may mắn được gặp Trung tướng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng một số lần. Bẵng đi thời gian khá dài, lần này gặp lại, sau cái bắt tay xiết chặt, ông nhận ra tôi là “lính cũ” đến thăm Thủ trưởng và tìm tư liệu viết bài nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhấp chén trà nóng, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bắt đầu câu chuyện của mình trong những năm tháng nơi chiến trường cam go, ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Câu chuyện chiến đấu thật dài. Nhưng chỉ xin tóm tắt vài trận đánh mang tính bước ngoặt lịch sử của người anh hùng lẫy lừng trận mạc Đoàn Sinh Hưởng.

Xe tăng mang số hiệu 980 của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng lập công xuất sắc trong Chiến dịch Tây Nguyên, nay đang được dựng làm Tượng đài Chiến thắng ở Ngã 6 - TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Trận đầu chiến dịch Tây Nguyên

Trong chiến thắng vang dội ở Đăk Pét (Kon Tum) năm 1974, người trực tiếp chỉ huy trận đánh này không ai khác chính là Đại đội trưởng xe tăng Đoàn Sinh Hưởng. Trên cơ sở phân tích chính xác, khoa học, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thấy được những “điểm yếu” trong thế bố trí chiến lược của địch trên chiến trường miền Nam. Do đó, trong kế hoạch chiến lược năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chọn Tây Nguyên làm chiến trường chính.

Để mở màn chiến dịch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chọn Buôn Ma Thuột đánh trận đầu; xác định Sư đoàn 23 ngụy là chủ chốt, là đặc biệt quan trọng. Trước yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi người chỉ huy trận đánh mở màn chiến dịch phải là người có bản lĩnh, anh dũng và mưu mẹo, có tài phán đoán, Đoàn Sinh Hưởng được chọn giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 9 xe tăng thuộc Trung đoàn 273 (Quân đoàn 3) đánh thọc sâu vào Sư đoàn 23 ngụy. Được giao nhiệm vụ quan trọng, Đoàn Sinh Hưởng đã tổ chức đội hình do mình dẫn đầu nhiều lần đi trinh sát, tiếp cận mục tiêu, tìm hướng đánh. Là địa hình được địch bố trí hỏa lực mạnh với nhiều tầng, nhiều lớp chốt chặn, canh gác kỹ 24/24 giờ nhưng các chiến sĩ trinh sát của ta vẫn tiếp cận sát được mục tiêu mà địch không hề hay biết. Đúng 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, cuộc tiến công vào mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột bắt đầu. Trong tiếng pháo gầm dữ dội, kẻ thù đã không hề biết “đàn voi thép” của ta đang lao về phía chúng. Lúc này, kho Mai Hắc Đế đã bị đặc công của ta tiến đánh nhưng bị địch phản công ghìm lại. Khi “đàn voi thép” của Đại đội 9 tiến vào, đánh bật sự phản kháng của địch, chiếm lại quyền kiểm soát kho Mai Hắc Đế, đồng thời giải nguy cho lực lượng đặc công.

Trên đà thắng trận, ngay lập tức, Đại đội 9 tiến đánh thẳng vào Sư đoàn 23 ngụy. Quần nhau với địch ở khu vực hậu cần, truyền tin của địch, Đoàn Sinh Hưởng đã phát hiện và bắn cháy kho xăng địch. Bị xe tăng và bộ binh ta tiến công dồn dập, địch cho máy bay oanh kích. Đoàn Sinh Hưởng lệnh cho các xe dùng súng 12,7 ly bắn máy bay, buộc máy bay địch không dám xuống thấp nên ném bom vào cả đội hình của chúng. Trước sự dũng mãnh của “đàn voi thép”, hàng loạt ngụy quân đã bỏ chạy thoát thân.

 

Giải phóng Buôn Ma Thuột, mảnh ghép đầu tiên làm nên bức tranh toàn thắng mùa Xuân năm 1975- Ảnh tư liệu

Tiếp tục tiến đánh vào trung tâm đầu não của Sư đoàn 23 ngụy, trên đường tiến quân, phát hiện quân địch đang mai phục, Đoàn Sinh Hưởng đã chỉ huy bắn cháy 1 xe M113 và 1 xe M41, 1 xe Zép của địch và hàng trăm binh lính ngụy. Tại đây, Đoàn Sinh Hưởng đã bắt sống Đại tá Luật - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk, rồi đánh thẳng vào Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy. Chiếc xe 980 của Đại đội trưởng Hưởng đã bắn đổ cổng Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy, rồi xông thẳng vào cơ quan đầu não.

Đúng 10 giờ 30 ngày 11/3/1975, Đại đội 9 và lực lượng của Sư đoàn 10 kéo cờ giải phóng tung bay trên nóc Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Rồi phát triển đánh xuống khu vực ngã 5, gặp sự phòng ngự của địch khá mạnh vì lúc này địch có sự bổ sung của cả xe tăng, đạn pháo cầm cự suốt buổi sáng. Đại đội 9 cùng bộ binh tiêu diệt toàn bộ địch phòng ngự khu vực ngã 5, sau đó tiến đánh xuống khu vực ngã 6, san phẳng sự kháng cự của địch tại khu vực này cùng các cánh quân khác, giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột.

Lấy xe tăng địch đánh địch

Trước sức mạnh chiến thắng của quân ta ở thị xã Buôn Ma Thuột, địch ở Gia Lai, Kon Tum rút chạy theo đường 7 xuống Cheo Reo (Phú Bổn). Chúng hợp với lực lượng tàn binh về khu vực này hòng ngăn chặn sức tấn công của quân ta. Đại đội 9 được tăng cường cho Sư đoàn 320 đánh chặn địch ở đầu cầu sông Ba, đánh chiếm sân bay Cheo Reo và giải phóng Tuy Hòa. Trước sự phát triển của chiến dịch, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Đảng ủy Trung đoàn 273 đã quyết định giao số xe tăng T54 của Đại đội 9 cho đơn vị bạn và giao Đại đội 9 đi lấy xe tăng địch để đánh địch và huấn luyện gấp để đánh xuống Phú Yên. “Quân lệnh như sơn”, Đoàn Sinh Hưởng đã chỉ huy Đại đội đi lấy xe tăng địch và huấn luyện sử dụng gấp rút rồi tiến đánh thị xã Tuy Hòa.

 

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng động viên cán bộ, chiến sỹ Quân khu 4 thực hành nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập.

Trên đường tiến đánh, Đại đội 9 đã đánh tan trận địa pháo 105 ly của địch ở Nhãn Tháp, khống chế toàn bộ hỏa lực của địch phòng ngự Tuy Hòa. Là mũi chủ công, Đại đội 9 đã dồn địch tháo chạy ra biển, không còn đường rút lui, địch vội gọi tàu chiến yểm trợ. Khi tiến đến đầu cầu Đà Rằng, phát hiện bốn chiếc tàu chiến địch hùng hổ lao vào, Đoàn Sinh Hưởng bình tĩnh lấy cự ly ngắm bắn cháy 3 tàu địch, sau đó đánh vào sân bay Đông Tác và thị trấn Tuy An. Đúng 10 giờ ngày 01/4/1975, giải phóng Phú Yên, Đại đội 9 quay về tập kết ở Buôn Ma Thuột, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trận cuối, chiến dịch Hồ Chí Minh

Từ Tây Ninh tiến về Sài Gòn chỉ có một con đường độc đạo, quân chủ lực của ta phải qua cứ điểm ở khu vực cầu Bông. Đại đội 9 xe tăng được giao nhiệm vụ đánh chiếm cầu, đồng thời giữ vững chiếc cầu này. Nếu cầu Bông bị địch phá gãy, chúng ta có thể chậm trễ, đánh mất thời cơ lịch sử. Sáng 29/4/1975, sau khi chiếm được cầu Bông, trong đội hình Đại đội 9 xe tăng chỉ còn 4 chiếc, nhưng phải đối mặt với một đoàn xe bọc thép địch gồm 24 chiếc M113 từ Hậu Nghĩa rút về Sài Gòn. Trước tương quan lực lượng 1 ta, 6 địch, Đoàn Sinh Hưởng hạ lệnh triển khai phương án đội hình phòng ngự gấp. Thấy ta có ít xe, địch hùng hổ lao vào. Đoàn Sinh Hưởng bình tĩnh bắn cháy chiếc đi đầu và ra lệnh cho đồng đội bắn chiếc khóa đuôi. Địch bị dồn lại, rối loạn đội hình. Bị tấn công vỗ mặt, chặn đầu, khóa đuôi, tổn thất, xe địch tản ra 2 bên ruộng lúa, Đoàn Sinh Hưởng tiếp tục bắn cháy thêm 4 chiếc và đội hình xe tăng của Đại đội 9 lần lượt bắn cháy thêm 6 chiếc. Quân địch hoảng loạn không còn khả năng chiến đấu, các chiến sĩ Đại đội 9 xông ra áp sát đoàn xe của địch, tiêu diệt những tên còn lại, tịch thu 12 chiếc xe tăng giao cho lực lượng phía sau.

Cũng trong mũi tấn công này, đúng 11 giờ ngày 29/3/1975, Đại đội 9 tiến vào thành Quan Năm (Hóc Môn), đánh thẳng vào ngã tư Bà Quẹo, đánh trại huấn luyện Quang Trung, làm tan rã đội hình địch. Đoàn Sinh Hưởng đã nhảy xuống hầm bắt sống 2 tên Đại tá và cầm loa kêu gọi hàng ngàn tên lính ngụy đầu hàng, sau đó đánh ra ngã tư Bảy Hiền. Thời cơ không chờ đợi, Đoàn Sinh Hưởng nghĩ ngay đến việc tiến đánh dinh Độc Lập và gọi điện báo cáo về Bộ Tư lệnh quân đoàn 3.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng ngoài đời thường.

Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ, Chính ủy Quân đoàn 3, Đặng Vũ Hiệp đã yêu cầu dừng lại, đồng thời chỉ đạo Đại đội 9 tham gia cùng lực lượng khác đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất. Khi Đại đội 9 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì cũng là lúc thời khắc lịch sử đã đến. Trưa 30/4/1975, cùng thời điểm cờ giải phóng đã tung bay trên trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy và trên tầng cao dinh Độc Lập. Kết thúc cuộc chiến đấu thần thánh của quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sau bao nhiêu năm chia cắt.

Nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, Trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang, Đoàn Sinh Hưởng người anh hùng lẫy lừng trận mạc ưu tư: “Đêm đầu tiên của ngày toàn thắng, sau hừng hực ngất trời của niềm vui, chúng tôi không ai có thể ngủ được. Nghĩ về những đồng chí, đồng đội thân yêu của mình đã ngã xuống trước ngày toàn thắng, nước mắt người còn sống cứ tuôn trào không gì ngăn được.

Trung tướng, Tiến sỹ Khoa học quân sự Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Lữ đoàn trưởng xe tăng 273, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Tư lệnh tăng thiết giáp, Tư lệnh Quân khu 4) sinh năm 1949, tại xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Nhập ngũ năm 1966 khi tròn 17 tuổi. Được phong “Dũng sỹ diệt Mỹ”, “Dũng sỹ diệt xe cơ giới” và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa khi mới 18 tuổi. Ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND tháng 9/1975, khi mới 26 tuổi.

 

Xuân Hoàng
Ý kiến bạn đọc
Top