Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 9 năm 2023 | 16:37

Tuyển chọn, phục tráng thành công giống tỏi Phan Rang

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Tuyển chọn và phục tráng giống tỏi Phan Rang” nhằm sưu tập, đánh giá các giống tỏi tại địa phương, chọn giống có năng suất cao để chuyển giao cho người dân sản xuất.

Chú thích ảnh

Tỏi Phan Rang là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Hiền, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài nghiên cứu là tuyển chọn và phục tráng được giống tỏi Phan Rang có năng suất cao hơn 10% so với các giống tỏi sản xuất đại trà, với những đặc tính ưu việt của giống tỏi Phan Rang (tên gọi chung cho các giống tỏi trồng tại Ninh Thuận). Dự án có tổng kinh phí thực hiện trên 715 triệu đồng.

Từ tháng 11/2018, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận (cơ quan chủ quản) triển khai dự án nghiên cứu sưu tập, thu thập 7 mẫu giống tỏi có triển vọng tại các vùng trong và ngoài tỉnh. Trong đó, 5 mẫu giống tỏi trồng tại các địa phương của Ninh Thuận có ký hiệu gồm: mẫu giống tỏi NT-VinhHai1, NT-VinhHai2, NT-VinhHai3 (xã Vĩnh Hải), NT-NhonHai (xã Nhơn Hải) của huyện Ninh Hải và NT-VanHai (phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) và hai mẫu giống tỏi ngoài tỉnh có ký hiệu KH-NinhHoa (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và QN-LySon (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Từ các giống tỏi được tuyển chọn, Ban Chủ nhiệm đề tài thực hiện xuống giống tại vườn sưu tập của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải); thực hiện các bước nghiên cứu, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và phẩm chất mẫu giống tỏi sưu tập. Ban Chủ nhiệm đánh giá chất lượng về allicine, protein, tinh dầu, Iot của các giống tỏi; đánh giá di truyền bằng kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) tại các viện, cơ quan nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu trong 7 mẫu giống tỏi sưu tập, mẫu giống tỏi được trồng tại xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) có các đặc tính vượt trội so với các mẫu giống tỏi khác. Đặc biệt, mẫu giống tỏi có ký hiệu NT-VinhHai1 và NT-VinhHai3 có năng suất, chất lượng cao nhất. Đề tài đi đến kết luận, các mẫu giống tỏi thu thập NT-VinhHai1, NT-VinhHai2, NT-VinhHai3 và mẫu giống tỏi QN-LySon có độ tương đồng 100%. Các mẫu giống này có xuất phát từ một nguồn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Hiền cho biết, đề tài nghiên cứu đã phục tráng thành công được 7 dòng hỗn L1 - L7 của giống tỏi Phan Rang đạt cấp siêu nguyên chủng với 167 kg giống tỏi. Năng suất của các dòng đơn trong dòng hỗn từ 10,6 - 10,9 tấn/ha, lớn hơn giống tỏi đối chứng chưa phục tráng từ 30,9 - 39,5%.

Đề tài đã xây dựng bảng mô tả giống tỏi Phan Rang để làm cơ sở phục tráng giống với các đặc điểm nông học và sinh hóa. Đồng thời, đề tài hoàn thiện, tập huấn hai quy trình gồm quy trình phục tráng giống tỏi Phan Rang và nhân trồng giống tỏi Phan Rang phục tráng phù hợp với điều kiện sản xuất tại Ninh Thuận để chuyển giao cho nông dân với mật độ trồng thích hợp là 620.000 cây/ha; hướng dẫn kỹ thuật sử dụng các loại và lượng phân bón hợp lý cho cây tỏi.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, công tác chọn lọc và làm thuần lại giống tỏi Phan Rang bằng phương pháp phục tráng là giải pháp tối ưu. Đề tài nghiên cứu đã phân tích, đánh giá được chất lượng, nhất là những làm lượng hoạt chất quan trọng như allicine, protein, tinh dầu, Iot của tỏi Phan Rang. Việc nghiên cứu, tuyển chọn, phục tráng thành công giống tỏi này có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học và kinh tế, giúp người nông dân có giống tỏi nguồn gốc rõ ràng, cho năng suất, chất lượng tốt.

Chú thích ảnh

Giống tỏi Phan Rang phục tráng đang được lưu giữ tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An ở xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận).

Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An cho hay, đề tài nghiên cứu đã chuyển cho hợp tác xã 150 kg giống tỏi Phan Rang phục tráng để giữ và nhân giống. Hợp tác xã đã lập dự toán và báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh và đang chờ các đơn vị liên quan phê duyệt, hỗ trợ nguồn kinh phí để tiếp tục xuống giống trong niên vụ 2023 sắp tới.

Ông Nguyễn Khắc Phòng kiến nghị, các cấp, ngành tỉnh Ninh Thuận quan tâm đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành tỏi theo “bốn nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nông dân) để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trong việc mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu tỏi Phan Rang; đồng thời, thiết lập mã vạch cho vùng trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng đến xuất khẩu sản phẩm tỏi Phan Rang.

Tỏi Phan Rang phơi khô không cần xử lý bất kỳ hóa chất nào vẫn có thể lưu giữ trong nửa năm, thậm chí có thể để lâu hơn nữa mà vẫn giữ được hương vị ban đầu, củ tỏi không bị thối. Tỏi Phan Rang có vị cay tê đầu lưỡi, mùi thơm cay nồng nhưng không sốc, ít để lại mùi sau khi ăn. Sự khác biệt này giúp tỏi nơi đây được thị trường cả nước đặc biệt ưa chuộng.

Tin, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/tuyen-chon-phuc-trang-thanh-cong-giong-toi-phan-rang-20230901124742994.htm
 
Ý kiến bạn đọc
Top