Ứng dụng công nghệ sản xuất cá rô phi toàn đực và đánh giá khả năng phát triển, hiệu quả kinh tế của cá rô phi nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước để làm cơ sở nhân rộng và phát triển đối tượng nuôi chủ lực là đề tài khoa học - công nghệ cấp tỉnh đang được nhóm thực hiện đề tài triển khai nghiên cứu.
Nếu đề tài thành công sẽ góp phần đưa thêm một đối tượng cá nuôi có hiệu quả kinh tế cho xã hội, là cơ sở để nhân rộng mô hình cho các địa phương, trung tâm, trạm, trại khác ứng dụng kỹ thuật mới.
Tăng chất lượng đàn cá
Bình Phước có diện tích mặt nước nội địa lớn với hơn 28.300 ha, trong đó mặt nước trên hệ thống sông, suối, kênh gần 7.200 ha, còn lại là ao, hồ... Đây là điều kiện thuận lợi để người dân trong tỉnh phát triển nghề cá.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Hiện cá rô phi được nuôi khá nhiều, tỷ lệ cơ cấu nuôi trong ao chiếm 60-70%, chủ yếu là nuôi thương phẩm. Để tăng chất lượng đàn cá, cũng như tăng thu nhập cho người nuôi, mô hình nuôi cá rô phi toàn đực đang được triển khai ra nông dân”.
Ông Chu Văn Trọng ở thôn Tân Hòa, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng nuôi cá rô phi đơn tính toàn đực, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá
Cá rô phi đơn tính nuôi trong ao và lồng bè lớn rất nhanh. Cá rô phi cái ngậm con trong miệng đến 21 ngày mới nhả cá con ra, trong giai đoạn đó cá mẹ không ăn gì, vì vậy sức lớn bị chậm hơn so với cá rô phi đực. Từ những lý do nêu trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu cá rô phi đơn tính. “Với đề tài “Ứng dụng công nghệ sản xuất cá rô phi toàn đực và đánh giá khả năng phát triển, hiệu quả kinh tế của cá rô phi nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước”, nhóm nghiên cứu đề tài đã ứng dụng phương pháp ngâm phoóc-môn khi cá nở được 12 ngày để chuyển đổi giới tính chứ không cho cá ăn như trước đây. Công nghệ này đã rút ngắn thời gian, chi phí đầu tư trong quá trình chuyển đổi giới tính” - bà Nhung cho biết thêm.
Thành công với mô hình thử nghiệm
Gia đình ông Chu Văn Trọng ở thôn Tân Hòa, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng có 1.700m2 ao. Nhiều năm trước, ông thả các loại cá như trắm, chép, mè dinh, rô phi... Bên cạnh phục vụ thức ăn hằng ngày, nguồn thu từ cá cũng giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2023, gia đình ông Trọng được tuyển chọn thực hiện mô hình nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính toàn đực phục vụ đề tài “Ứng dụng công nghệ sản xuất cá rô phi toàn đực và đánh giá khả năng phát triển, hiệu quả kinh tế của cá rô phi nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.
Sau một thời gian nuôi theo quy trình của nhóm đề tài đưa ra, ông Trọng cho biết, cá rô phi đơn tính toàn đực dễ nuôi hơn các loài cá khác. Vì vậy, với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi trồng thủy sản, cộng thêm tinh thần tích cực học hỏi qua sách, báo, ông đã nhanh chóng thành công ngay từ đợt nuôi đầu tiên. Bí quyết thành công của ông là ao nuôi phải rộng, thoáng, môi trường nước sạch và được diệt khuẩn trước khi thả cá. Về kỹ thuật nuôi, ban đầu chọn giống cá khỏe, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là bột bắp, khoai mì, bèo trứng cá, bèo tấm, cỏ và sử dụng thêm thức ăn công nghiệp. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào sáng và tối, đồng thời tạo luồng khí tăng điều tiết bề mặt ao sẽ giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt. Cá rô phi có thực quản ngắn, dạ dày nhỏ, ruột dài xoắn nhiều rất phù hợp với tập tính ăn tạp.
Cá rô phi toàn đực là loại cá mang lại giá trị thương phẩm và kinh tế rất cao cho nông dân. Đặc tính là con đực lớn nhanh và kích cỡ vượt trội so với con cái. Nuôi cá rô phi đực hạn chế sinh sản không mong muốn làm gia tăng mật độ cá trong ao, vì vậy, cá lớn nhanh hơn và kích cỡ thu hoạch đồng đều. Đồng thời giảm hệ số thức ăn do không bị cá con tiêu thụ trong quá trình nuôi và cá mẹ tập trung sinh sản. Thịt cá chắc, thơm, trọng lượng vượt trội so với cá rô phi thông thường. Cá có sức đề kháng cao, chống chịu tốt với điều kiện thất thường của thời tiết và chất lượng môi trường nước. |
Hiện trong ao nhà ông Trọng có 5.000 con cá rô phi. Sau 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,7-1kg/con. Với giá bán hiện nay 35.000 đồng/kg, nếu bán vào dịp này ông sẽ thu về gần 150 triệu đồng. “Nuôi cá rô phi toàn đực độ hao hụt rất ít. Ngoài ra, nuôi cá nhàn và thu nhập cao hơn so với nuôi gà, ít rủi ro hơn nuôi heo” - ông Trọng cho hay.
Tỉnh Bình Phước hiện có 1.701 ha ao nuôi, 348 ha nuôi mặt nước lớn và 239 lồng nuôi. Qua thử nghiệm thực tế, có thể nhận thấy cá rô phi đơn tính toàn đực là loài dễ nuôi, ít bị nhiễm dịch bệnh. Nhân rộng mô hình này sẽ tận dụng được diện tích mặt nước hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, nếu đề tài thành công, được nghiệm thu sẽ là cơ sở để triển khai, mở rộng và phát triển mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước.