Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 3 năm 2022 | 10:57

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch, an toàn

Vài năm trở lại đây, bên cạnh vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang còn đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giúp nông dân tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất

Là người đầu tiên ở Hậu Giang phát triển mô hình trồng dưa lưới nhà kính cách đây 4 năm, từ 2.000m2 ban đầu, đến nay ông Võ Văn Trưng (xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) đã mở rộng diện tích lên gấp 10 lần và thành lập HTX dưa lưới Thuận Phát với 15 thành viên. Mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường gần 300 tấn dưa lưới, lợi nhuận hơn 2 tỉ đồng.

Gần đây, ông Trưng tiếp tục lắp thêm hệ thống kiểm tra dinh dưỡng cho cây dưa lưới. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ông có thể quản lý được quá trình sinh trưởng và phát triển của cả vườn dù đang ở bất cứ nơi đâu. Ngoài việc thuận tiện thì ứng dụng này còn giúp kiểm soát chặt chẽ lượng nước và phân bón, từ đó hạn chế được lượng dinh dưỡng còn tồn đọng trong giá thể chưa kịp hấp thu và chuyển hóa. Chính vì thế, dưa lưới của HTX rất được ưa chuộng và đầu ra ổn định kể cả những tháng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

 

1ss.JPG

Mô hình trồng rau, màu trong nhà màng theo hướng an toàn thực phẩm đang được nông dân Hậu Giang thực hiện. Ảnh: T.TRÚC.

 

Ông Trưng cho biết: “Kỹ thuật trồng và dinh dưỡng cho cây dưa lưới khác so với các loại rau mùa khác. Tùy vào giai đoạn mà điều chỉnh lượng phân bón khác nhau như kali hay canxi để dây dưa phát triển và cho trái đạt hiệu quả. Quá trình canh tác dinh dưỡng được bổ sung phải qua hệ thống kiểm định nên đến khi thu hoạch, trái dưa hoàn toàn không còn tồn lưu phân, thuốc. Chính vì quy trình sản xuất nghiêm ngặt như vậy nên đầu ra của dưa lưới rất ổn định, chủ yếu bán theo hợp đồng bao tiêu”.

Ngoài dưa lưới, năm 2021, nhà vườn trồng dưa hấu ở huyện Phụng Hiệp cũng mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật như: Màng phủ hay sử dụng các chế phẩm sinh học và phân hữu cơ vào canh tác dưa để giảm lượng nước tưới và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, vụ dưa Tết vừa qua, nông dân trong huyện xuống giống được hơn 200ha thì có đến 80% áp dụng cách làm này. Theo bà con, trồng dưa hấu sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có thể làm chi phí tăng thêm 10-15%, nhưng bù lại là hạn chế được việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, trái dưa sẽ bảo quản được lâu hơn và quan trọng là sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng được đảm bảo.

Ông Đào Thanh Mọng (xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp) cho biết: “Trồng dưa bây giờ bà con thường chuộng sử dụng phân hữu cơ và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi dưa bị bệnh mới xịt chứ không xịt đại trà như trước đây. Mình làm vậy là bảo vệ sức khỏe của cả mình và người tiêu dùng, hạn chế được một phần chi phí không cần thiết”.

Hai năm qua, nhờ việc triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất,  huyện Phụng Hiệp đã có 8 mô hình sản xuất nông sản sạch có sự tham gia bao tiêu của các công ty, doanh nghiệp như: khóm MD2, măng tây, chanh không hạt, rau trong nhà lưới, trồng gấc, lúa an toàn, bưởi da xanh, xoài bao trái. Tất cả đều đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

 

2ss.JPG

Ông Tới chủ động sản xuất xoài theo hình thức bao trái để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: D.KHÁNH

 

Ông Nguyễn Văn Tới, nhà vườn trồng xoài Đài Loan bao trái ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp) cho biết: “Hiện nay, trong quá trình sản xuất trái xoài, nhà vườn đã chủ động dùng túi bao trái để phòng bệnh thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như trước đây. Túi bao trái cho xoài có giá tương đối rẻ, thường được sử dụng 2-3 vụ. Trái xoài được bao trong túi sẽ giảm chi phí phun xịt thuốc phòng bệnh, chưa kể trái xoài được bao trái có giá bán cao hơn xoài thông thường 3.000-5.000 đồng/kg”.

Thu nhập cao hơn 30-50%

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã làm cầu nối để các doanh nghiệp trực tiếp phối hợp với nông dân liên kết sản xuất một số mặt hàng nông sản như: mãng cầu xiêm, khóm MD2, dưa lưới… Ở những mô hình này, doanh nghiệp triển khai quy trình và kỹ thuật canh tác, nông dân áp dụng làm theo, bước đầu đã cho hiệu quả với đầu ra và giá bán ổn định, thu nhập của bà con từ đó cũng cao hơn 30-50% so với cách làm truyền thống.

 

Ngành nông nghiệp Hậu Giang đề ra mục tiêu: Từ nay đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực I bình quân 3%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 30%; sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt 25%; tỷ lệ giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt 20%; diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 đến 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.

Xây dựng thành công 5 nông sản chủ lực (lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn) định vị thương hiệu tiêu thụ ở ba thị trường: nội tỉnh, vùng miền và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển 4 loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch (khóm - dứa, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày). Xây dựng 15 mô hình hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã phát triển toàn diện, hoạt động hiệu quả. Xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối đa hóa việc tái tạo và tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để tạo thêm sản phẩm mới, cơ cấu lại nền nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu nông sản, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường gắn với chuyển đổi số, nâng cao năng xuất lao động và triển khai hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp. 

 

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến với người nông dân, đồng thời triển khai xây dựng nhiều mô hình, giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế. Nhiều mô hình giúp người nông dân sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học, vệ sinh môi trường… Từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sản xuất ra sản phẩm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Kết quả triển khai dự án và mô hình khi áp dụng vào thực tế đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người sản xuất.

Việc áp dụng các mô hình sản xuất giúp cho người dân thấy được lợi ích rất lớn, giảm chi phí về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, giảm 20-30% chi phí sản xuất và làm tăng lợi nhuận cho người dân. Các mô hình được ngành triển khai thời gian qua phần lớn đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng, phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của ngành nông nghiệp.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh  Hậu Giang, cho rằng, trên cây ăn trái, nông dân cần chú ý sử dụng giống tốt, sạch bệnh, bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ 4.0 và bao trái trong quá trình sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mô hình GAP với quy mô lớn đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh khi có các công ty bao tiêu sản phẩm như bưởi Năm Roi, cam sành, cam xoàn, quýt đường, xoài, khóm Cầu Đúc, mít, mãng cầu… Trên cây rau màu, sẽ thúc đẩy xây dựng mô hình theo hướng an toàn thực phẩm, GAP, mô hình trồng luân canh rau màu trên nền đất lúa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

T.Trúc - D.Khánh
Ý kiến bạn đọc
Top