Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 10 năm 2022 | 12:53

Việt Nam đang lãng phí tài nguyên khi dùng cám gạo cho chăn nuôi

Ước tính, mỗi tấn cám gạo có thể mang lại giá trị từ 2.000 – 3.000 USD hoặc thậm chí cao hơn nếu được tận dụng triệt để.

Cám gạo là lớp bột bao phủ phía ngoài hạt gạo và nằm trong vỏ trấu. Trong quá trình xát gạo, phần cám gạo, hạt gạo và vỏ trấu sẽ được tách ra. Cám gạo từ lâu trong tư duy người Việt được dùng chủ yếu trong thức ăn chăn nuôi, thế nhưng tại Nhật Bản, các sản phẩm được chiết xuất từ cám gạo lại có giá trị kinh tế rất cao, có thể gấp 1.000 lần giá trị ban đầu.

Một trong những dây chuyền tách chiết cám gạo của công ty Oryza Oil & Fat Chemical.

Dầu gạo - một trong các sản phẩm chính được chiết xuất từ cám gạo từ lâu đã được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản. Sản phẩm này được chứng minh có nhiều ưu điểm hơn so với các loại dầu thực vật khác, như dầu đậu nành và dầu hạt cải. Dầu gạo chứa nhiều hợp chất hữu ích cho cơ thể như oleic, gama-oryzanol, vitamin E, acid linolei, tocotrienols… có tác dụng giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa ung thư, các bệnh về tim mạch và hỗ trợ giảm béo hiệu quả.

Mới đây, nhóm các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản như GS. Trần Đăng Xuân và TS Nguyễn Văn Quân đã tách chiết thành công 2 hợp chất quý là momilactone A và B từ vỏ trấu và cám gạo. Đây là 2 hợp chất có nhiều tính năng quý như giúp chống các bệnh tiểu đường, béo phì, gout, cao huyết áp, đặc biệt là khả năng chống ung thư máu cao hơn so với một số thuốc chữa ung thư hiện tại. Hai hợp chất quý này cũng hứa hẹn sẽ giúp nâng cao giá trị của lúa gạo hơn nữa.

Ông Murai Hiromichi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoá dầu Oryza (Oryza Oil & Fat Chemical) - một trong những công ty lâu đời tại Nhật Bản chuyên sản xuất dầu gạo và chiết xuất các tinh chất từ thiên nhiên cho biết, sau khi chiết xuất, dầu gạo thô sẽ chiếm khoảng 20% lượng cám gạo ban đầu. Sau đó 70% của dầu gạo thô sẽ làm ra ra dầu gạo thành phẩm và 30% còn lại là các tinh phẩm khác.

Hiện tại công ty Oryza chiết xuất được khoảng 70 loại tinh phẩm từ cám gạo, những chất này được các công ty dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hàng đầu tại Nhật Bản mua lại để sản xuất ra các thành phẩm cao cấp hơn. Đại diện Oryza Oil & Fat Chemical cho biết thêm, lượng dầu gạo thô tách ra từ cám chỉ mang lại giá trị 320-350 USD/tấn, nhưng các hợp chất được lấy ra và tiếp tục tách chiết có thể mang lại giá trị hàng nghìn USD/tấn cám.

Cũng theo ông Murai Hiromichi, mỗi năm Nhật Bản chỉ sản xuất được khoảng 10 triệu tấn gạo, cho ra khoảng 1,5 triệu tấn cám gạo, do đó công ty của ông phải nhập khẩu cám gạo và dầu gạo thô từ nước ngoài. Về điều này, ông Murai Hiromichi đánh giá cao tiềm năng về nguồn cám gạo lớn của Việt Nam.

“Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất gạo rất lớn, do đó lượng cám gạo rất dồi dào và việc tách các tinh chất trong cám gạo là rất tiềm năng. Qua quan sát thấy hiện nay Việt Nam đang lãng phí tài nguyên khi dùng cám gạo cho chăn nuôi”, ông Murai Hiromichi nêu rõ.

Tại Việt Nam, dầu ăn thông thường có mức giá 50.000 – 60.000 đồng/lít, trong đó dầu gạo đắt hơn ở mức 60.000 – 70.000 đồng/lít. Dầu gạo hiện vẫn chưa được ưa chuộng tại Việt Nam, bởi người tiêu dùng chưa quen với sản phẩm này do màu sắc dầu gạo tối hơn, hơn nữa thông tin về hiệu quả với sức khỏe của dầu gạo chưa được phổ biến rộng rãi.

Thời gian qua, nhiều công ty tại Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã tận dụng triệt để nguồn cám gạo, sau đó chiết xuất dầu để tách các hợp chất quý dùng trong dược phẩm và mỹ phẩm như gama-oryzanol, axit ferulic, tocotrienol, tocopherol, squalen, octacosanol…Đây là các hợp chất thiên nhiên, ít tác dụng phụ, để sản xuất ra các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch, bổ não, chống ung thư, chống viêm, đặc biệt là thuốc tăng trưởng chiều cao có thành phần từ axit ferulic và gama-oryzanol được bán khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ước tính, mỗi tấn cám có thể mang lại giá trị từ 2.000 – 3.000 USD hoặc thậm chí cao hơn nếu được tận dụng triệt để./.

Theo VOV.VN

 

Ý kiến bạn đọc
Top