Với chi phí logistics tăng liên tục và không có dấu hiệu quay đầu đã gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Sản xuất và tiêu thụ nông sản luôn là hai khâu gắn kết chặt chẽ để nông sản Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay logistics đang chiếm chi phí lớn trong cấu thành giá thành sản phẩm nông sản.
Điều này làm ăn mòn phần lợi nhuận nông sản mang lại cho người sản xuất và kinh doanh. Vì thế, bài toán giải quyết về chi phí logistics đang làm đau đầu nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Theo thống kê từ doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, hiện nay chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác. Đây là con số rất lớn.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sử dụng phương tiện đường hàng không ngay từ đầu, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vina T&T cho rằng Logistics chiếm hơn 30% doanh thu của doanh nghiệp, đó là chưa kể các chi phí nhập trái cây, chiếu xạ… Vì thế, doanh nghiệp còn lời rất ít.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phụ thuộc hãng hàng không nước ngoài, giá cả nâng hạ tùy phía các hãng. Còn vận chuyển đường sắt, đường bộ, đường thủy… trái cây rất dễ bị hư hỏng, sức cạnh tranh đã thấp lại càng thấp hơn.
Với chi phí logistics tăng liên tục và không có dấu hiệu quay đầu đã gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu nhiều loại nông sản ra nước ngoài và doanh nghiệp cũng đã tính kỹ bài toán giá thành mới có thể cạnh tranh giữa thị trường quốc tế khốc liệt.
Đóng thùng sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc tại Vựa trái cây Hùng Loan, 94 QL20, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú (Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN).
Tuy nhiên, dù tính tiết giảm các chi phí cũng không thể tác động chi phí vận chuyển bởi Việt Nam đang còn phụ thuộc nhiều vào các hãng tàu nước ngoài.
Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết căng thẳng Biển Đỏ hiện nay lại một lần nữa bộc lộ sự thiếu hụt của ngành logistics Việt Nam, khi các hãng tàu nước ngoài chi phối, độc quyền và quyết định giá cũng như quyết định việc tăng giá cước cùng với dịch vụ vận tải khác.
Đơn cử mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nhận được thông tin từ doanh nghiệp thủy sản cho thấy là trong vòng chưa tới 1 tháng cước vận tải biển đi các tuyến như Canada, Mỹ, châu Âu đều tăng từ 80%, thậm chí lên tới 300% so với tháng 12/2023 do câu chuyện tại vùng Biển Đỏ. Và các đường vận tải phải chuyển hướng khiến cho lộ trình dài hơn và thời gian lâu hơn, chi phí tăng lên.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty thực phẩm Sao Ta, chi phí logistics biến động mạnh trong thời gian 4 năm trở lại đây. Nếu trước đây, cước vận tải biển đi Mỹ từ mức 3.000 USD/container trước dịch COVID-19 nay lên tới 13.000 - 14.000 USD/container đi bờ Tây, còn đi bờ Đông là 17.000 USD/container... Có thời điểm tăng gần 25.000 USD/container.
Với biến động này sẽ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp chỉ chọn xuất khẩu thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để cắt giảm chi phí này.
Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc lâu năm, nhưng chi phí logistics hiện nay cũng đã tác động lên lợi nhuận của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Hoà, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dương Vũ cho biết hiện tại công ty muốn xuất khẩu phải tính toán thật kĩ chi phí mà không thể cắt giảm nên vừa đảm bảo hợp đồng xuất khẩu, vừa cố gắng hòa vốn đã là may mắn cho doanh nghiệp để vượt qua biến động thị trường lúa gạo hiện nay.
Ngoài vấn đề vận tải, vấn đề trong chuỗi logistics như kho lạnh, kho lưu dài hạn hiện tại cũng đang là trở ngại cho các mặt hàng này.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ kênh đào Panama hiện nay không phải chỉ do tác động về mặt con người, mà còn do tác động của khí hậu hiện nay đang bị khô hạn, các con tàu đi qua đây cũng phải giảm tải đã tác động đến việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó, Việt Nam cũng đang tính toán phương án vận chuyển dự phòng tạm thời cho tuyến đường này để đưa hàng hóa đến Mỹ, châu Âu.
Các chuyên gia trong ngành logistics đánh giá, Việt Nam có tiềm lực lớn về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời cũng có tiềm năng lớn trong phát triển logistics phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.
Ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Zim Intergrated Shipping (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, 15 năm trước Việt Nam chưa có dịch vụ nào để đưa hàng hóa đến châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên hiện nay theo thống kê có hơn 200 tuyến đến các khu vực này. Đây được xem là một trong những cam kết của các hãng tàu cho thấy Việt Nam là một ngôi sao sáng trong ngành logistics và bức tranh trong ngành logistics vẫn có những mảng sáng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam vẫn cần phát triển đa dạng trung tâm logistics, không chỉ tập trung một khu vực, một tỉnh thành mà cần phải đa dạng hóa. Đồng thời, xu hướng áp dụng chuyển đổi công nghệ hiện đại trong logistics cần được đẩy mạnh nhanh chóng để cải thiện chi phí.
Ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn SLP Vietnam chia sẻ, những cơ sở của SLP đang áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, phục vụ các nhãn hàng thời trang, cung cấp tự động hóa, robot, cung cấp chuỗi cung ứng đầy đủ. Chỉ với 3-5 người có thể vận hành cơ sở 8.000m2, cơ sở tự động hóa, máy móc hiện đại.
Trước những đánh giá của các chuyên gia ngành logistics, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics.
Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics./.