Tuyên bố bất ngờ hôm 29/3 của Tổng thồng Mỹ Donald Trump về việc sẽ sớm rút khỏi Syria khiến các quan chức an ninh quốc gia Mỹ lo ngại.
Họ đã cảnh báo rằng việc rút khỏi chiến trường Syria ở thời điểm này không chỉ làm suy yếu sự tín nhiệm của Mỹ trong khu vực mà còn làm leo thang đáng kể cuộc xung đột vốn đã kéo dài nhiều năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Trong một bài phát biểu ở Cleverland, Tổng thống Donald Trump nói rằng: “Chúng ta đã đánh bại IS ở Syria. Mỹ sẽ rời khỏi Syria sớm nhất có thể. Hãy để người khác “chăm lo” cho Syria”.
Tuyên bố bất ngờ hôm 29/3 của Tổng thồng Mỹ Donald Trump về việc sẽ sớm rút khỏi Syria khiến các quan chức an ninh quốc gia Mỹ lo ngại. Ảnh: CNN |
Lầu Năm Góc hoàn toàn bất ngờ về tuyên bố của ông Trump. Theo một số quan chức an ninh quốc gia Mỹ, có thể Tổng thống Trump đã nhận được một số báo cáo nói rằng, IS sắp bị đánh bại và rất nhiều người cho rằng ông Trump chỉ muốn nói rằng: việc rút khỏi Syria sẽ là bước tiếp theo.
Bất cứ quyết định nào về việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ đi ngược lại với những đánh giá quân sự hiện nay, một thực tế đã khiến các quan chức an ninh quốc gia Mỹ phải lo ngại về hậu quả.
Ai thiệt nhất?
Mỹ hiện duy trì khoảng 2.000 binh sỹ ở Syria và đang hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). SDF là lực lượng gồm cả người Arab và người Kurd nhưng phần lớn thủ lĩnh của nhóm này là người Kurd.
Việc Tổng thống Trump muốn Mỹ sớm rút khỏi Syria làm dấy lên lo ngại giữa các nhóm được Mỹ hậu thuẫn trong khu vực, đặc biệt là SDF.
Theo David Adesnik, Giám đốc chính sách của tổ chức Sáng kiến chính sách đối ngoại: “Yếu tố quan trọng khiến SDF “trụ” được trong khu vực là các lực lượng khác không động được đến họ. Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, họ chắc chắn sẽ “thất thế”.
Với sự hậu thuẫn của Mỹ đối với SDF khiến các lực lượng Nga và lực lượng chính phủ Syria khó chiếm được các giếng dầu và các vùng lãnh thổ do SDF kiểm soát. Tuy nhiên, nếu không có sự hiện diện của binh sỹ Mỹ thì sẽ SDF khó mà chống đỡ được.
Mỹ hiện đang giúp SDF kiểm soát khu vực biên giới Syria giáp với Iraq vì IS vẫn còn hiện diện ở khu vực này, nhưng SDF sẽ rất khó đối phó vớ IS tại đây nếu không có sự trợ giúp của Mỹ.
IS thừa cơ trỗi dậy
Nếu Mỹ rút khỏi đây, các lực lượng vốn dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ bị suy yếu. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra một sự hỗn loạn trong khu vực và IS có thể tận dụng chính sự hỗn loạn này để tái tập hợp.
Đầu tháng này, chính Mỹ cảnh báo rằng, IS đã bắt đầu xây dựng lại tổ chức ở một số khu vực của Syria, đặc biệt là sau chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Rob Manning khi đó đã nói rằng, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin có thể ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực đánh bại IS của Mỹ, và có thể tạo thời cơ cho IS trỗi dậy hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ coi các đồng minh người Kurd ở Syria của Mỹ là khủng bố và phản đối mạnh mẽ những tuyên bố của Mỹ rằng chiến dịch của Ankara ảnh hưởng xấu đến chiến dịch chống IS.
Trong bài phát biểu về chính sách của Mỹ tại Syria hồi tháng 1/2018, Ngoại trưởng Mỹ khi đó Rex Tillerson nói rằng, Mỹ sẽ tiếp tục ở lại đây cho đến khi IS bị đánh bại hoàn toàn. “Mỹ sẽ tiếp tục duy trì binh sỹ tại Syria và tập trong vào việc đảm bảo IS sẽ không thể trỗi dậy nữa. Cuộc chiến chống IS vẫn chưa kết thúc”.
Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi
Sự can dự của cả Nga và Mỹ ở Syria đã khiến cuộc xung đột tại đây thêm phức tạp. Việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ tạo một khoảng trống, tương tự những gì đã xảy ra ở Iraq sau khi Mỹ rút khỏi Iraq. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, khoảng trống do Mỹ tạo ra sau khi rút khỉu Syria sẽ được Nga lấp đầy.
Bà Angela Stent, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á-Âu tại Đại học Georgetown nói rằng, nếu Mỹ rút khỏi Syria, có khả năng Nga sẽ “rảnh tay” ở Syria và các lực lượng chống đối Tổng thống Syria Assad sẽ bị suy yếu.
“Tôi đang phân vân liệu Tổng thống Trump có nghĩ đến điều này khi ông đưa tuyên bố muốn rút khỏi Syria”, bà Stent nói. Việc mỹ rút khỏi Syria sẽ đưa Nga trở thành “nhà bảo trợ chính” trong khu vực.
Bên cạnh đó, bà Stent cũng nói rằng, việc Mỹ rút khỏi Syria cũng sẽ như “nước đẩy thuyền” cho Iran, tạo điều kiện để Tehran gia tăng ảnh hưởng không chỉ ở Syria mà còn trong khu vực. Theo bà, nếu ông Trump muốn áp dụng chính sách chặt chẽ hơn đối với Iran, thì việc Mỹ rút khỏi Syria chẳng khác nào “tự cắt mũi mình”.
Cùng với Nga và Iran, chính quyền Syria cũng sẽ hưởng lợi, đặc biệt là về kinh tế khi giành lại quyền kiểm soát các giếng dầu hiện đang do các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát. Chính quyền Syria đã mất khoảng 90% sản lượng dầu mỏ khi cuộc nội chiến xảy ra ở quốc gia Trung Đông này cách đây hơn 7 năm./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.