Dù lên án mạnh mẽ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, song Nga tiếp tục kêu gọi các bên hướng tới một giải pháp thông qua đối thoại. Các nhà quan sát cho rằng Nga muốn cho thấy họ có một ảnh hưởng vững chắc với Triều Tiên, trong khi cộng đồng thế giới đang phản ứng gay gắt với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này.
Tổng thống Putin đề cập khủng hoảng Triều Tiên tại Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga ngày 4/10.(Ảnh:AP) |
Theo kế hoạch, Nga sẽ mời ông Choe Son Hui, người đứng đầu Cục các vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên tới tham dự hội nghị về chống phổ biến vũ khí hóa học dự kiến khai mạc ngày 19/10 tới tại Moscow. Giới chức Nga cho biết họ có kế hoạch để ông Choe Son Hui phát biểu tại hội nghị này. Bên cạnh đó, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng sẽ có mặt.
Cũng trong tháng này, Liên minh Nghị viện Quốc tế (IPU) sẽ diễn ra tại thành phố St. Petersburg của Nga, theo đó, các nhà lập pháp Nga tiết lộ một phái đoàn của Triều Tiên dự kiến sẽ tham dự.
Trước đó, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko ngày 4/9 cho biết, Moscow sẵn sàng tạo điều kiện tổ chức một cuộc gặp riêng giữa phái đoàn Triều Tiên và Hàn Quốc trong khuôn khổ cuộc họp Liên minh Nghị viên Quốc tế (IPU).
Hãng thông tấn Sputnik dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, việc Nga có khả năng gây ảnh hưởng với Triều Tiên mang lại hy vọng hạ nhiệt căng thẳng tột độ sau cuộc thử hạt nhân thứ 6 và liên tiếp các vụ phóng tên lửa mà Triều Tiên tiến hành thời gian qua. Các nhà phân tích nhấn mạnh sự chủ động tham gia của Nga sẽ đóng vai trò quan trọng cho việc ổn định Bán đảo Triều Tiên.
Cùng với cộng đồng quốc tế, Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như lên án chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Song Nga cũng cho rằng các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn và việc Mỹ đưa vũ khí chiến lược tới khu vực này cũng góp phần “đổ thêm dầu vào lửa”.
Phát biểu ngày 4/10 tại Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga diễn ra tại Moscow, Tổng thống Putin một lần nữa kêu gọi các bên liên quan giảm bớt những tuyên bố khiêu kích và tìm cách thúc đẩy cuộc đối thoại trực tiếp Mỹ - Triều Tiên.
“Việc nói chuyện với Triều Tiên bằng giọng điệu khiêu khích sẽ chỉ khiến quốc gia này gia tăng sức mạnh”, ông Putin nêu rõ. “Nga quan ngại về những căng thẳng leo thang giữa Bình Nhưỡng và phương Tây liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa, bởi vì Nga có chung đường biên giới với Triều Tiên”.
Theo ông: “Điều cần thiết và có thể làm vào lúc này là giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Tất cả các biện pháp khác, ngoài đối thoại, đều “nguy hiểm” và sẽ gây ra “một kết cục chết chóc”.
Nga cùng Trung Quốc đã lặp lại các kêu gọi đối thoại với Triều Tiên, trong đó, có đề xuất “ngừng đổi ngừng” là việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung đổi lại Triều Tiên chấm dứt chương trình thử tên lửa và hạt nhân của mình. Nga cho rằng cách tiếp cận của Mỹ đối với Triều Tiên đang đi vào “ngõ cụt” và các công cụ trừng phạt Bình Nhưỡng gần như đã cạn kiệt.
Căng thẳng Mỹ-Tiều Tiên leo thang từ hành động tới lời nói. Nga và Trung Quốc nhận định màn “khẩu chiến gay gắt” Mỹ - Triều là “rất nguy hiểm”, nhấn mạnh giải pháp duy nhất cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là ngồi vào bàn đàm phán./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.