Việc chính phủ Anh thông qua dự thảo thoả thuận Brexit là bước đi quan trọng, nhưng thách thức trước mắt vẫn còn rất lớn.
Quá trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã có những tiến triển tích cực sau khi hai bên nhất trí được một văn kiện về vấn đề biên giới giữa Anh và Ireland hậu Brexit. Đây vốn là nội dung “gai góc” nhất trong cuộc đàm phán Brexit. Điều đáng quan tâm hiện nay là dự thảo vừa vượt qua được “cửa ải” ở Chính phủ có được thông qua tại Quốc hội Anh hay không? Đâu là những vấn đề còn tồn tại trong chặng đường đàm phán sắp tới?
Những nội dung đáng chú ý của dự thảo
Sau 20 tháng đàm phán vô cùng căng thẳng và mệt mỏi, tiến trình Brexit đang có được một đột phá quan trọng khi EU và Anh thống nhất được bản dự thảo thoả thuận Brexit và ngay sau đó, trong chiều tối 14/11 (theo giờ địa phương), Chính phủ Anh đã bỏ phiếu thông qua bản dự thảo thoả thuận này. Đây là một thoả thuận rất đồ sộ, dày hơn 500 trang, bao gồm 185 điều khoản, 3 Nghị định thư và rất nhiều phụ lục.
Trọng tâm của dự thảo thoả thuận này liên quan đến những vấn đề sau. Về hoá đơn chia tay: Vương quốc Anh dự kiến phải trả cho EU 45 tỷ euro. Hàng triệu công dân Anh và công dân EU đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ của nhau sẽ tiếp tục được giữ nguyên quyền lợi như hiện tại, tiếp tục được hưởng trợ cấp và đoàn tụ gia đình Toà tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến công dân EU sinh sống tại Anh. Tiếp đến, Vương quốc Anh sẽ quá độ 21 tháng trong EU, từ ngày 1/4/2019 đến 31/12/2020. Thời hạn quá độ này có thể được gia hạn thêm, nhưng chỉ được một lần.
Về tổng thể, đây đều là các vấn đề đã được hai bên đồng ý từ nhiều tháng trước.
Điểm mới nhất, và cũng là quan trọng nhất, là vấn đề biên giới Bắc Ireland. Theo đó, để đảm bảo không tái lập lại biên giới cứng giữa vùng đất Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với nước CH Ireland thuộc EU thì hai bên đã đưa ra giải pháp là duy trì cả Vương quốc Anh, chứ không chỉ riêng Bắc Ireland, trong liên minh thuế quan châu Âu trong một thời gian quá độ. Thời gian quá độ cụ thể chưa được nêu ra nhưng trên lý thuyết là sẽ kéo dài cho đến khi nào Anh và EU hoàn tất được một thoả thuận về quan hệ kinh tế tương lai giữa hai bên thời hậu Brexit. Tuy nhiên, trong thời gian quá độ này Bắc Ireland ngoài việc phải tuân thủ các quy định của khối thị trường đơn nhất châu Âu thì sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn về các quy định của EU so với phần còn lại của Vương quốc Anh.
Hai bên cùng phải xuống thang
Để đạt được dự thảo thoả thuận này, trong đó trọng tâm là việc toàn bộ Vương quốc Anh tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu, Chính phủ Anh đã phải đưa ra nhân nhượng lớn. Chính phủ Anh sẽ phải tiếp tục tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu trong các lĩnh vực xã hội, thuế, môi trường và trợ cấp Nhà nước. Ngoài ra, Toà tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền xét xử các vụ việc có liên quan đến quyền lợi của công dân châu Âu sinh sống tại Anh. Đổi lại những điều này, sau năm 2020, Vương quốc Anh vẫn sẽ nằm trong liên minh thuế quan châu Âu, tức hàng hoá từ Anh sang châu Âu và ngược lại sẽ không phải chịu hàng rào thuế quan, cho đến khi nào Anh và EU ký được một Hiệp định tự do thương mại mới hoặc vấn đề biên giới Bắc Ireland được giải quyết dứt điểm.
Về phía châu Âu, nhân nhượng lớn nhất chính là việc giữ toàn bộ cả Vương quốc Anh ở lại trong liên minh thuế quan. Ngay từ đầu, khi chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit cách đây 20 tháng thì quan điểm của 27 nước EU là nếu vẫn giữ Anh ở lại trong liên minh thuế quan thì về thực chất Brexit không có ý nghĩa gì bởi Vương quốc Anh vẫn được hưởng lợi từ thị trường chung châu Âu mà lại không phải tuân thủ các quy định trụ cột của liên minh về tự do di chuyển con người, hàng hoá và dịch vụ nội khối. Phía EU đã giữ quan điểm cứng rắn này trong một thời gian dài nhưng rồi buộc phải đưa ra nhượng bộ vì hai lí do.
Thứ nhất, nếu EU vẫn kiên quyết chỉ đồng ý cho Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan nhằm duy trì sự thông thương với CH Ireland thì vấn đề biên giới Bắc Ireland sẽ bế tắc hoàn toàn bởi chắc chắn Vương quốc Anh không chấp nhận.
Thứ hai, là lo ngại nếu như EU dồn ép Vương quốc Anh quá mức thì Vương quốc Anh có thể biến thành một “thiên đường thuế” ở ngay cửa ngõ châu Âu cũng như thực thi nhiều chính sách phá giá về thương mại. Vì tất cả những lí do đó, hai bên đều buộc phải có những nhân nhượng lẫn nhau.
Về mặt chính trị, chính phủ của bà Theresa May sẽ gánh chịu nhiều rủi ro và thách thức hơn khi đưa ra các nhân nhượng này vì hiện tại phe theo đường lối Brexit cứng rắn tại Anh đang phản đối bà May rất quyết liệt, ngay trong chính nội bộ đảng Bảo thủ. Phe này cho rằng các nhân nhượng này là phản bội các cử tri Anh đã lựa chọn Brexit vào tháng 6/2016 và việc nước Anh trên thực tế vẫn ở lại trong EU mà lại không có quyền bỏ phiếu là điều không thể chấp nhận nổi.
Thách thức phía trước
Việc chính phủ Anh thông qua dự thảo thoả thuận Brexit là bước đi quan trọng, nhưng thách thức trước mắt vẫn còn rất lớn. Về phía EU, lãnh đạo 27 nước châu Âu sẽ phải họp để thông qua dự thảo thoả thuận này, có thể là trong một Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của khối mà nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào cuối tháng này tại Brussels. Tiếp đến, Nghị viện 27 nước thành viên cần phải phê chuẩn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là từ phía Anh, cụ thể là việc bà Theresa May phải làm sao để thuyết phục được Nghị viện Anh ủng hộ thoả thuận này.
Đây là bài toán chính trị hết sức phức tạp. Đầu tiên là bà May phải thuyết phục được đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) ủng hộ. Đảng này tuy chỉ có 10 thành viên trong Nghị viện Anh nhưng lại là nhân tố không thể thiếu để tạo nên đa số cho chính phủ của bà May tại Nghị viện Anh. Nhưng rủi ro lớn nhất với bà May là sự liên kết phản đối giữa Công đảng đối lập với đảng Dân tộc Scotland cũng như các thành viên bất mãn trong chính nội bộ đảng Bảo thủ.
Nhóm nổi loạn trong nội bộ đảng Bảo thủ, mà dẫn đầu là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson muốn lật đổ bà May để lên thay thế. Công đảng của chính trị gia Jeremy Corbyn thì muốn lật đổ chính phủ bà May và tổ chức bầu cử tổng tuyển cử trước thời hạn, qua đó giành lại quyền lực, hoặc thậm chí là tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Trong khi đó thì đảng Dân tộc Scotland cũng muốn nhân các bất đồng về Brexit để làm sống lại tham vọng tổ chức trưng cầu ý dân lần nữa để tách Scotland ra khỏi Vương quốc Anh.
Vì thế, từ giờ đến cuối năm 2018 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với bà May mà nếu không vững vàng thì không chỉ dự thảo thoả thuận Brexit vừa đạt được bị đổ bể mà ngay chính phủ của bà May cũng có thể bị tan vỡ./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.