Tối 3/5, hai ứng cử viên vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen đã có cuộc tranh luận nảy lửa trên truyền hình cuối cùng trước cuộc đấu chung cuộc vào chủ nhật tới (7/5). Với thái độ thách thức và khiêu khích đùa cợt đối thủ, bà Le Pen tỏ ra làm chủ cuộc tranh luận. Tuy nhiên, trong và sau cuộc tranh luận, giới phân tích và báo chí Pháp đã làm lộ rõ nhiều lập luận của bà Le Pen là “sai”.
Không thể đối thoại
Cuộc tranh luận đã diễn ra ngay như dự đoán trước đó là hết sức căng thẳng, làm rõ thực tế là không thể “đối thoại” với bà Marine Le Pen, giống như không thể đối thoại với bố bà – Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia - trước đây. Hai ứng cử viên đã có nhiều lúc nặng lời tấn công trực diện nhau.
Nếu như bà Marine Le Pen tỏ thái độ khiêu khích và khinh thường ra mặt đối với đối thủ - người mà bà gọi là cậu bé “Hollande” (Francois Hollande), thì ông Emmanuel Macron bày tỏ sự thất vọng và buồn trước “màn kịch” mà bà Le Pen diễn trên truyền hình, khẳng định bà Le Pen “ăn nói lung tung” và cố tình gieo giắc sự sợ hãi để thu hút cử tri.
Kéo dài hơn 2 tiếng rưỡi, các ứng cử viên trình bày quan điểm, chính sách của mình trong các vấn đề lớn, mở đầu là kinh tế từ thất nghiệp, thuế, nợ, khả năng tiêu dùng…, tiếp đó là các vấn đề bảo trợ xã hội (chính sách đoàn kết, chế độ bồi hoàn chi phí khám chữa bệnh…), rồi các vấn đề về châu Âu, chính sách đối ngoại, các vấn đề xã hội như giáo dục, sinh thái… và cuối cùng là cách thức và hình ảnh Tổng thống của nền Cộng hòa Pháp mà hai ứng cử viên hướng tới.
Xuyên suốt cuộc tranh luận, ứng cử viên Emmanuel Macron thể hiện quan điểm vững vàng về một nước Pháp mạnh, trong lòng một châu Âu bảo vệ các quốc gia thành viên. Theo ông Macron, nước Pháp đang bị khủng hoảng nặng nề, cần phải có những cải cách quan trọng, nhưng không phải chìm trong sự sợ hãi mà bà Le Pen gieo rắc.
Về phần mình, bà Le Pen liên tục mỉa mai và cười cợt đối thủ, chỉ trích ông Macron ủng hộ một nước Pháp “phục tùng”, trước nước Đức, trước những người theo chủ nghĩa cộng đồng, trước các ngân hàng …
Cực hữu bị chỉ trích mập mờ và dối trá
Một trong những điểm gây nhiều chú ý cho dư luận trong và sau cuộc tranh luận là quan điểm rất “mập mờ” của bà Marine Le Pen về đồng euro và chính sách với Liên minh châu Âu, khi bà Le Pen khẳng định ủng hộ việc giữ đồng euro như đồng tiền chung chứ không phải duy nhất, và mỗi quốc gia quay lại sử dụng đồng tiền riêng.
Điểm “mập mờ” này ngay lập tức đã được ông Macron xoáy vào để chỉ trích bà Le Pen không có chính sách rõ ràng, và rằng việc sử dụng hai đồng tiền cùng lúc chỉ làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Pháp, cũng như gây hại cho các doanh nghiệp Pháp xuất khẩu hàng hóa ra châu Âu và nước ngoài tính bằng euro, nhưng lại trả lương người lao động Pháp bằng đồng franc. Lập luận của bà Le Pen về một giai đoạn từ 1993-2002, nước Pháp đã có thể sử dụng song song đồng euro và đồng franc, sau đó đã được giải mã là “sai bét”. Và khi ứng cử viên Macron xoáy vào câu hỏi bà muốn “ở hay ra khỏi EU”, thì ứng cử viên cực hữu cũng né tránh.
Bà Marine Le Pen bị cáo buộc đưa ra nhiều luận điều sai với thực tế trong cuộc tranh luận, nếu không nói là “dối trá” như từ mà ông Macron đã nêu. Cùng với tuyên bố sai về giai đoạn 1993-2002, nước Pháp từng sử dụng song song hai đồng tiền euro và Francs Pháp, bà Le Pen đã cười cợt tuyên bố của ông Macron rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp từng có giai đoạn vào những năm 90, còn cao hơn tình hình hiện nay.
Mập mờ để cải thiện hình ảnh “cực hữu”
Những ngày qua, bà Marine Le Pen có nhiều động thái mà mục đích chính là cải thiện hình ảnh- vốn đầy ác cảm – của một nhân vật cực hữu trong mắt cử tri. Điển hình là việc bà tuyên bố “nghỉ phép” trong vai trò Chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu; và sau đó là các tuyên bố “mập mờ” và “nước đôi” trong các chính sách: ví dụ tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân tại Pháp về chủ đề ra hay ở trong Liên minh châu Âu; và giờ đây là quan điểm duy trì đồng euro như đồng tiền chung chứ không phải duy nhất song song với đồng tiền riêng của từng quốc gia.
Sự mập mờ bài bản này là chiến lược để thu hút cử tri, để cử tri nhìn thấy hình ảnh bà Le Pen - một ứng cử viên Tổng thống mạnh, thay vì một nhân vật lãnh đạo cực hữu với những tư tưởng cực đoan.
Về phần mình, ông Macron tỏ ra khá bình tĩnh khi tuyên bố vẫn “tôn trọng” các cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen, hiểu được sự giận dữ khiến họ đứng về phe cực hữu, nhưng khẳng định bà Le Pen không có một chính sách, chiến lược rõ ràng và xứng đáng cho họ.
Rõ ràng, trong cuộc tranh luận trực tiếp, thế thắng không thuộc về phía ứng cử viên cực hữu. Nói như nhiều quan chức, nhà phân tích Pháp rằng, việc bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron nay trở thành “tất yếu”.
Tuy nhiên, nước Pháp phải chuẩn bị kịch bản ứng cử viên cực hữu vẫn nhận được số phiếu cao (dự đoán mới nhất có thể lên tới mức 41-59 % - một tỷ lệ không còn áp đảo (như cách đây 15 năm) và mấp mé mức nguy hiểm cho ứng cử viên Macron…/.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.