“Cái kết” vượt cả mong đợi của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sau hai ngày làm việc tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) với việc thông qua một tuyên bố chung đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng các nước đang nỗ lực thể hiện trách nhiệm trong những vấn đề toàn cầu, bất chấp trên thực tế không hẳn những khác biệt đã được khỏa lấp.
Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20 khẳng định sự đồng thuận trong những vấn đề được coi là gai góc nhất như thương mại quốc tế, bảo vệ môi trường và di cư.
Rõ ràng là G20 đã phần nào thể hiện vai trò điều phối và dẫn dắt kinh tế thế giới cũng như đi đầu trong những vấn đề nóng toàn cầu.
Quan trọng hơn, G20, tổ chức từ khi thành lập vẫn được coi như một trong những biểu tượng cho sự hợp tác và phối hợp toàn cầu đối phó với khủng hoảng, vẫn có sức sống và tầm ảnh hưởng nổi trội khi tình hình thế giới diễn biến quá phức tạp như hiện nay.
Không chỉ là một diễn đàn để thảo luận, G20 có thể là một tập thể hành động thực tế và trách nhiệm.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng thống nước chủ nhà Mauricio Macri cho rằng việc các nước thành viên đạt được sự đồng thuận để ra tuyên bố chung của hội nghị phản ánh sự cần thiết phải hồi sinh thương mại quốc tế.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 khẳng định thương mại quốc tế và đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, đồng thời thừa nhận sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương để thực hiện mục tiêu này.
Cho rằng hệ thống hiện nay chưa thực hiện tốt vai trò của mình, các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ ủng hộ cải Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động cơ chế này.
Căn cứ vào những mâu thuẫn và bất đồng giữa các thành viên liên quan vấn đề thương mại, dẫn tới những tranh cãi khá gay gắt trước hội nghị, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, có thể thấy để G20 ra được tuyên bố chung, chắc chắn phải có ít nhiều bất đồng được gạt bỏ.
Thậm chí trước hội nghị, khả năng có một tuyên bố đã bị nghi ngờ, chứ chưa nói tới sự đồng thuận.
Từ góc nhìn đó, việc các nhà lãnh đạo G20 chấp thuận bàn hướng cải tổ WTO trong kỳ họp năm sau được đánh giá là động thái ôn hòa, vừa làm hài lòng tổng thống Mỹ Donald Trump, người thường xuyên chỉ trích WTO, nhưng cũng không làm mất lòng những người ủng hộ chủ nghĩa thương mại song phương.
Liên quan một vấn đề gây tranh cãi nhất là biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo G20 đã lưu ý báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về tác động của sự nóng lên toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống lại các diễn biến thời tiết khắc nghiệt và thiên tai.
Trên cơ sở đó, tuyên bố chung cho biết các bên tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khẳng định đây là một cam kết không thể đảo ngược, phản ánh trách nhiệm khác nhau, cũng như khả năng tương ứng tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia.
Văn kiện cũng ủng hộ những hành động và hợp tác tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia dễ bị tổn thương.
Mặc dù vậy, văn kiện này cũng có một điều khoản riêng tái khẳng định quyết định của Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, song vẫn cam kết mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế và cho phép sử dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ.
Có thể thấy đằng sau điều khoản này là việc các thành viên còn lại của G20 phải nhượng bộ và chấp nhận việc Mỹ sẽ không chỉ sử dụng năng lượng và công nghệ sạch, mà cả các nguyên liệu truyền thống mà nước này có thế mạnh dù điều đó đi ngược lại với xu hướng chống biến đổi khí hậu hiện nay.
Với hai chủ đề gây tranh cãi nhất và được đánh giá là có tác động lớn nhất đến kết quả của hội nghị G20, rõ ràng là sự nhân nhượng giữa các bên, mà chủ yếu là với Mỹ, nền kinh tế giữ vai trò đầu tàu trong G20, là điều kiện để G20 đạt được sự đồng thuận.
Hướng tiếp cận linh hoạt và mang tính mềm mỏng của giới lãnh đạo G20 lần này được đánh giá là để tránh cho G20 không đi vào “vết xe đổ” của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tháng trước ở Papua New Guinea, khi chia rẽ và bất đồng khiến lần đầu tiên lãnh đạo các nền kinh tế APEC không có một tuyên bố chung kết thúc hội nghị.
Ở một khía cạnh nào đó, giới lãnh đạo G20 đã tìm thấy được điểm tương đồng về giá trị và lợi ích chung để có sự nhượng bộ cần thiết vào thời điểm này, nhằm tạo tiền đề cho cơ hội xúc tiến những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với thế giới trong thời gian tới.
Mặc dù là một diễn đàn đa phương nhưng tại hội nghị thượng đỉnh lần này, dư luận cũng chú ý nhiều tới các cuộc tiếp xúc song phương giữa các nền kinh tế lớn bên lề sự kiện, nhất là những mối quan hệ có thể tác động mạnh mẽ tới những vấn đề toàn cầu.
Bữa ăn tối làm việc ngay sau khi kết thúc hội nghị giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thỏa thuận tạm đình chiến thương mại cũng được đánh giá là góp phần vào thành công của hội nghị.
Sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được lần này cũng phản ánh phần nào tinh thần chung của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, là tạm gác những khác biệt để hướng tới những bước đi dài hạn hơn, mang lại lợi ích chung.
Mục tiêu “xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững” như chủ đề của hội nghị đã đề ra có thể nói là hoàn thành và đó cũng là thành công của nước chủ nhà Argentina bởi đến những thời điểm cuối cùng của hội nghị vẫn còn nhiều ý kiến e ngại về khả năng đạt được sự đồng thuận.
Có thể nói bước điều chỉnh hữu hiệu và kịp thời trong cách tiếp cận các vấn đề nóng để dung hòa được khác biệt đã giúp Hội nghị thượng đỉnh G20 không đi vào lối bế tắc như Hội nghị cấp cao APEC cách đây ít tuần và cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những cơ hội tốt đẹp hơn cho sự phát triển bền vững toàn cầu./.