Thủ tướng Israel Netanyahu đã phải rút ngắn chuyến thăm Mỹ, vốn dự kiến kéo dài 4 ngày, để tìm giải pháp cho vấn đề bạo lực ở biên giới Israel-Gaza.
Chảo lửa Trung Đông đang nóng hơn bao giờ hết, không chỉ bởi vấn đề chủ quyền Cao nguyên Golan – vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Israel và Syria mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3 đã công nhận chủ quyền cho phía Israel. Sức nóng, độ căng thẳng còn được thể hiện ngay ở tình hình bạo lực bùng phát ở dải Gaza, cụ thể là khu vực biên giới giữa dải đất này, tiếp giáp với Israel. Thủ tướng Israel Netanyahu đã phải rút ngắn chuyến thăm Mỹ, vốn được dự kiến 4 ngày, để trở về tìm giải pháp cho vấn đề.
Những vụ phóng rocket, pháo kích, không kích lẫn nhau giữa Israel và Gaza liên tiếp diễn ra trong nhiều ngày qua. Ảnh: Al Jazeera |
Dù lệnh ngừng bắn giữa nhóm vũ trang Hamas và phía Israel đã đạt được vào lúc 22 giờ đêm 25/3 theo giờ địa phương, tức 3 giờ sáng nay theo giờ Hà Nội, với sự trung gian hòa giải của Ai Cập, song căng thẳng tại Gaza không vì thế mà được giải quyết ngay.
Vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, tiếng còi báo động lại vang lên tại các thị trấn miền Nam Israel khi một loạt rocket từ Gaza dội vào khu vực này. Người dân ngay lập tức được sơ tán theo cảnh báo trú ẩn được đưa ra, trường học phải đóng cửa. Máy bay chiến đấu của Israel trong đêm lập tức tiến hành không kích đáp trả, nhằm vào 2 mục tiêu của Hamas tại Gaza.
Ngày 26/3, quân đội Israel đã phải triển khai xe tăng và tăng cường binh sĩ tới biên giới Gaza, như 1 biện pháp phòng ngừa.
Trước đó 1 ngày, người dân miền Trung Israel cũng đã phải bất ngờ về 1 vụ tấn công rocket từ Gaza. Theo hãng tin Reuters, 7 người Israel đã được xác nhận bị thương trong vụ tấn công này.
Một người dân Israel chia sẻ: “Lúc đầu khi nghe tiếng nổ, tôi đã nói với chồng tôi rằng, đó không thể là 1 tiếng còi báo động. Đây là 1 nơi chưa bao giờ phải báo động”.
Những vụ phóng rocket, pháo kích, không kích “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau giữa 2 bên từ nhiều ngày qua, đã làm cho tình hình “nóng hơn bao giờ hết”. Đặc biệt, đây còn là thời điểm “nhạy cảm” khi chỉ còn vài ngày nữa là tròn 1 năm diễn ra làn sóng biểu tình của người Palestine chống Israel, mang tên “Hành trình trở về vĩ đại” tại Gaza, vốn đã khiến 260 người Palestine thiệt mạng và 260.000 người khác bị thương. Không những vậy, đây còn là thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử “quan trọng” tại Israel.
Theo nhà phân tích chính trị từ Israel, Eyan Zisser, vụ bắn rocket từ Gaza là 1 động thái nhằm mục đích tác động tới cuộc bầu cử vào ngày 9/4 tới tại nước này: “Bạn biết rằng, họ muốn sử dụng cơ hội vào thời điểm cuộc bầu cử tại Israel. Sẽ không có chính phủ nào muốn tham chiến vào thời điểm này. Họ cho rằng, đây là cơ hội; mặt khác họ muốn tác động phần nào vào cuộc bầu cử này”.
Cách đây gần 1 năm, người dân Gaza xuống đường biểu tình phản đối sự chiếm đóng của Israel, đặc biệt là đối với thành phố Jerusalem – mà Palestine hi vọng phần phía Đông của thành phố sẽ là thủ đô của 1 Nhà nước Palestine trong tương lai.
Tới nay, khi cuộc biểu tình vẫn chưa thể ngừng lại, thì Mỹ lại ký sắc lệnh công nhận chủ quyền Cao nguyên Golan cho Israel. Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ tước đi chủ quyền của Syria đối với Cao nguyên Golan mà còn đẩy ước nguyện hòa bình của người Palestine càng xa vời. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến bạo lực bùng phát nặng nề hơn./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.