Tổ chức Thú Y Thế giới (OIE) báo cáo dịch cúm gia cầm ngày một nghiêm trọng, lan khắp châu Âu và châu Á, một số nước phải tiêu hủy hàng loạt gia cầm để ngăn chặn.
Đợt dịch khiến các chuyên gia dịch tễ lo ngại vì virus có thể truyền sang người. Tính đến ngày 15/11, Trung Quốc đã báo cáo 21 trường hợp dương tính với virus cúm H5N6 trong năm nay - cao hơn năm 2020.
Tại Hàn Quốc, dịch cũng bùng phát trong một trang trại khoảng 770.000 con gia cầm ở Chungcheongbuk-do, OIE báo cáo hôm 15/11. Giới chức địa phương đã cho tiêu hủy toàn bộ gia cầm để ngăn dịch lây lan.
Nhật Bản ghi nhận đợt cúm gia cầm đầu tiên trong mùa đông năm 2021, tại một trang trại gia cầm phía Đông Bắc đất nước, theo Bộ Nông Nghiệp. Virus lây nhiễm là H5N8.
Tại châu Âu, Na Uy báo cáo đợt bùng phát H5N1 trong trang trại 7.000 con gia cầm ở hạt Rogaland. Cúm gia cầm thường xảy ra trong mùa thu, lây lan do các loài chim hoang dã di cư.
Chính phủ Bỉ cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm tăng cao. Nước này đề nghị cách ly các đàn gia cầm kể từ ngày 15/11, sau khi phát hiện biến thể nguy hiểm của cúm gia cầm trong một con ngỗng hoang dã gần Antwerp. Hà Lan và Pháp áp dụng quy định tương tự kể từ tháng 10 đến tháng 11.
Virus cúm động vật, như cúm gia cầm hoặc cúm lợn, thường lây lan ở động vật nhưng cũng có thể lây truyền sang người. Người bị nhiễm virus chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị nhiễm bệnh.
Cúm gia cầm ở người có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như chỉ sốt và ho, đến nặng như viêm phổi nghiêm trọng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong. Viêm kết mạc (mắt đỏ), các triệu chứng đường tiêu hóa, viêm não cũng đã được báo cáo ở các mức độ khác nhau. Hầu hết các tuýp phụ của cúm gia cầm đã gây nhiễm trùng ở người là các virus H5, H7 và H9.
Theo Reuters, WHO/VnExpress.net dịch
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.