Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 8 năm 2018 | 10:11

Châu Âu tiến thoái lưỡng nan khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran

Việc Mỹ quyết định tái áp đặt trừng phạt Iran đang khiến các công ty của Iran và châu Âu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với các cường quốc thế giới (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã “mở cửa” cho các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường hấp dẫn như Iran. Nhiều công ty đã khởi động kế hoạch đầu tư, kinh doanh ở Iran. Khi đó chẳng mấy ai nghĩ rằng sẽ có ngày Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

 

chau au tien thoai luong nan khi my tai ap dat trung phat iran hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Ảnh: DW

 

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Các biện pháp trừng phạt đầu tiên tái áp đặt có hiệu lực từ 0h ngày 7/8 theo giờ địa phương. Tháng 11 tới, sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt nữa được tái áp đặt.

Những biện pháp trừng phạt này đánh dấu bước ngoặt đáng kể đối với các công ty đang theo đuổi cơ hội kinh doanh ở Iran. Nó ảnh hưởng không chỉ các doanh nghiệp Mỹ và Iran, mà cả các công ty và cá nhân ở các nước khác làm ăn kinh doanh với Iran.

Theo các biện pháp trừng phạt Mỹ, các công ty của các nước khác, trong đó có cả EU, làm ăn kinh doanh với Iran sẽ bị cấm làm ăn ở Mỹ. Các ngân hàng và các công ty tài chính có thể mất quyền tiếp cận thị trường tài chính Mỹ nếu họ tiếp tục làm ăn với Iran.

Tình hình hiện nay khiến nhiều công ty châu Âu nghĩ đến việc chấm dứt các hoạt động của mình ở Iran. Các công ty Pháp như Total và hãng sản xuất ô tô PSA đã bày tỏ ý định nhiều khả năng sẽ rút khỏi quốc gia Trung Đông này.

Đảm bảo thanh toán là chủ chốt

Nhiều công ty châu Âu khác, đặc biệt là ở Đức cũng lo ngại không kém. Khoảng 120 công ty Đức đang hoạt động tại Iran và khoảng 10.000 doanh nghiệp Đức làm ăn với Iran. Xuất khẩu của Đức sang Iran trong năm 2017 trị giá khoảng 3 tỷ euro (3,75 tỷ USD).

Tuy nhiên, các đại diện công nghiệp lo ngại các công ty của Đức sẽ phải rời khỏi Iran nếu họ không được miễn trừ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Và khả năng này cũng khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay.

Volker Treier, một chuyên gia về xuất khẩu tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Đức sang Iran giảm 4% và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn. Điều này trái ngược hẳn so với năm ngoái, khi xuất khẩu tăng tới 16%.

Đã có nhiều lời kêu gọi từ Berlin và Brussels về việc hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn với Iran bằng cách đặt các biện pháp đảm bảo các kênh tài chính hiệu quả với Iran.

“Vấn đề lớn nhất là tìm một ngân hàng thương mại có thể tiến hành các giao dịch liên quan đến Iran”, bà Dagmar von Bohnstein - một đại diện của phòng thương mại Đức-Iran cho biết.

Chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ?

Chính phủ Đức ngày 6/8 nói rằng nước này sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp đảm bảo về đầu tư và xuất khẩu cho các công ty làm ăn với Iran. Họ cũng đang đàm phán với các đối tác Mỹ về việc loại trừ các công ty Đức khỏi lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Liên minh châu Âu cũng đã kích hoạt điều luật phòng vệ để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Nội dung chính của điều luật này là cấm các công ty châu Âu tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều luật này cũng cho phép các công ty phục hồi những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra và vô hiệu hóa các phán quyết của tòa án nước ngoài đối với họ. Điều này có nghĩa là một công ty châu Âu sẽ bị trừng phạt nếu như rút khỏi các dự án kinh tế với Iran do sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Đây được xem là phản ứng mạnh mẽ mà châu Âu muốn gửi đến chính quyền Mỹ của ông Donald Trump, nhằm phản đối chính sách đơn phương và độc đoán của Mỹ trong vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trên thực tế, điều luật phòng vệ của EU sẽ khó thực thi.

Henning Riecke, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-EU tại Hội đồng Đối ngoại Đức nói với DW rằng: “Các công ty sẽ phải tự quyết định họ có muốn làm ăn với Iran hay không và cũng không có điều luật nào để các chính phủ châu Âu buộc các công ty của mình hoạt động tại Iran. Thị trường Mỹ cũng quan trọng và hấp dẫn đối với châu Âu hơn là thị trường Iran”.

Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng nói rằng, có thể sẽ khó bảo vệ được các doanh nghiệp làm ăn ở Iran sau khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt. “Tôi không thấy có giải pháp đơn thuần nào có thể bảo vệ được các công ty trước mọi rủi ro từ các lệnh trừng phạt của Mỹ”, Ngoại trưởng Maas nói./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top