Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 3 năm 2020 | 9:40

Chiến lược “bất thành văn” giúp Nhật Bản ngăn chặn thành công Covid-19

Nhật Bản đã áp dụng cách thức riêng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và nước này đã bước đầu gặt hái được thành công.

Pháp, Italy và nhiều khu vực trên toàn nước Mỹ đã ban hành lệnh phong tỏa. Các tuyến đường vắng bóng người, nhiều quầy hàng đóng cửa, nỗi sợ hãi ngự trị. Những quốc gia này đang phải trải qua một mùa xuân đầy nghiệt ngã vì Covid-19.

chien luoc
Bất chấp Covid-19, người dân Nhật Bản vẫn đạp vịt ngắm hoa đào nở tại Tokyo. Ảnh: AFP.

Thế nhưng tại Nhật Bản lại là một bức tranh hoàn toàn khác. Khi thời tiết ấm dần lên, mọi người có thể thưởng rượu dưới tán cây anh đào nở rộ hoa, một số nhà hàng đã đưa ra ưu đãi giảm giá 30% với slogan “đánh bại virus SARS-CoV-2”, thậm chí nhiều công viên giải trí đang mở cửa trở lại. Tính đến ngày 26/3, Nhật Bản đã ghi nhận 1.307 ca mắc Covid-19 và 45 ca tử vong, theo thống kê của Worldometers. Tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này tương đối thấp.

Vậy điều gì đã khiến đất nước “mặt trời mọc” kiểm soát thành công sự lây lan của virus SARS-CoV-2? Câu trả lời không đơn giản bởi có nhiều yếu tố cùng tác động.

Yếu tố văn hóa

Người Nhật nổi tiếng với thói quen ưa sạch sẽ. Việc đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe và đôi khi vì các lý do liên quan đến mỹ phẩm đã là một phần của văn hóa Nhật Bản trong ít nhất 100 năm qua. Nhật Bản cũng không phải là quốc gia có thói quen thể hiện tình cảm giữa người với người bằng những hành động ôm ấp, thân mật giống như Pháp và Italy. “Giãn cách xã hội” là một phần của nền văn hóa Nhật. Ông Barbara Holthus, Phó Giám đốc tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản ở Đức cho biết, thói quen chào hỏi của người Nhật là cúi người chứ không phải là nụ hôn trên má hay cái bắt tay.

“Hôn ở nơi công cộng chỉ bắt đầu sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Sự ôm ấp giữa các thành viên trong gia đình ở Nhật ít hơn nhiều so với phương Tây và thường không được thực hiện với trẻ lớn”, Barbara Holthus cho biết.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này không cho rằng đặc trưng về văn hóa và phong tục tập quán là yếu tố duy nhất giúp ngăn chặn dịch bệnh lan rộng tại Nhật Bản.

Chỉ xét nghiệm khi cần

Nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ không xuất hiện triệu chứng hoặc ngã bệnh và hầu hết trong số này có thể hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 có thể gây tử vong đối với người cao tuổi trong khi Nhật Bản lại là quốc gia có dân số già nhất thế giới. Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực để kiểm soát tình hình.

Hiệp hội phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm (JSIPC) của Nhật Bản đã cập nhật hướng dẫn phòng chống virus vào ngày 10/3. Với giọng điệu điềm tĩnh, cơ quan này cho biết: “Nhật Bản đang chuyển từ việc thực hiện biện pháp ngăn ngừa virus sang giai đoạn ngăn chặn lây nhiễm lan rộng và chúng ta phải điều chỉnh cho hợp lý”. Kể từ ngày 6/3, việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Nhật Bản được bảo hiểm quốc gia chi trả. “Vì tiền công đang được sử dụng cho công việc này nên cần phải sàng lọc kỹ lưỡng những người đi làm xét nghiệm”, JSIPC cho biết.

JSIPC cũng khuyên người dân không nên thực hiện xét nghiệm một cách “không cần thiết” và yêu cầu các chuyên gia y tế ngăn chặn tình trạng quá tải trong bệnh viện bằng cách hướng dẫn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ tự cách ly ở nhà hoặc tránh xa người khác. Trong khi Hàn Quốc và các nước khác đã thành lập những trạm xét nghiệm lưu động có tên gọi Drive-thru, kiểm tra và đo nhân nhiệt các lái xe thì Nhật Bản lại không theo mô hình này.

JSIPC cho rằng do không có phương pháp điều trị cụ thể đối với bệnh Covid-19 nên ưu tiên hiện nay là điều trị các triệu chứng bệnh.

“Nền tảng của việc điều trị là chữa triệu chứng”, bản hướng dẫn của JSIPC cho biết. Khi nhận thấy các dấu hiệu viêm phổi ở bệnh nhân, JSIPC gợi ý sử dụng tất cả các phương pháp điều trị có thể như cho thở oxy hoặc dùng thuốc vận mạch. Trên hết, cơ quan này nhắc nhở các nhân viên y tế về ưu tiên hàng đầu là bảo vệ mạng sống của những bệnh nhân bị bệnh nặng, đặc biệt là các trường hợp mắc viêm phổi.

Có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị viêm phổi

Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe ưu việt. Dịch vụ y tế có giá cả phải chăng vì thế hầu hết người dân có thể gặp bác sỹ khi họ bắt đầu cảm thấy sức khỏe có vấn đề, thay vì chờ đến khi bệnh tình trở nên nặng hơn.

Viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Nhật Bản. Đáng chú ý, bệnh việm phổi do hít phải chất tiết từ đường hô hấp có chứa vi khuẩn (Aspiration pneumonia) ngày càng phổ biển ở người cao tuổi. Kể từ năm 2014, Nhật Bản đã tiến hành tiêm vaccine phòng chống viêm phổi miễn phí nhưng không bắt buộc những người trên 65 tuổi. Con số tử vong do căn bệnh này đã giảm đáng kể từ năm 2017.

Đến năm 2018, bệnh viêm phổi đã bị đẩy lùi xuống vị trí thứ 5 trong số các căn bệnh gây tử vong nhiều nhất tại Nhật Bản. Sự sụt giảm này có thể là do Bộ Y tế thay đổi cách lập bảng dữ liệu thống kê, nhưng việc sử dụng các loại thuốc mới, cũng như ứng dụng rộng rãi phương pháp CT (chụp cắt lớp điện toán) để nhận biết dấu hiệu bệnh viêm phổi ở giai đoạn đầu cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm số trường hợp tử vong.

Khi nói đến máy quét CT, Nhật Bản được cho là quốc gia có thiết bị chẩn đoán hình ảnh nhiều nhất trên thế giới, cứ 100.000 người thì có 101 máy. Đứng thứ 2 là Australia với 44 máy. Các máy quyét CT rất hữu ích trong việc tìm kiếm những dấu hiệu của bệnh viêm phổi do virus gây ra, chẳng hạn như Covid-19. Nếu bệnh nhân đến gặp bác sỹ với triệu chứng viêm phổi hoặc khó thở thì nhiều khả năng bác sỹ sẽ không chỉ định cho họ làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2, thay vì đó họ chỉ định chụp CT hay X-quang.

Nếu phát hiện bệnh nhân bị viêm phổi, bác sỹ sẽ bắt đầu điều trị cho họ. Và nếu như bệnh nhân khỏi bệnh, họ có thể không cần làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Vì vậy, một trường hợp mắc Covid-19 có thể biến mất, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Chiến lược bất thành văn

Một quan chức của Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi chỉ tập trung chữa trị cho những trường hợp nghiêm trọng và hầu hết các chuyên gia đều nhất trí quan điểm này. Nếu ai cũng được khuyến khích làm xét nghiệm thì các cơ quan y tế sẽ tràn ngập những người không cần phải đến đó. Điều này không chỉ làm giảm khả năng chăm sóc những trường hợp nguy kịch mà còn gián tiếp gây ra một cuộc khủng hoảng y tế lớn hơn”.

Chuyên gia nói trên cũng chỉ ra rằng các bệnh viện có thể là những nơi nguy hiểm. “Người dân và các bệnh nhân sẽ có nguy cơ lây bệnh cao hơn tại các bệnh viện và phòng khám đông người. Hơn nữa việc chi tiêu cho các xét nghiệm không cần thiết là một sự lãng phí nguồn lực của chính phủ, lãng phí thời gian và dự trữ tài chính. Vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào đối với Covid-19”.

Vào thời điểm khi mà nhiều quốc gia khác sống trong tình trạng phong tỏa, với hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình chỉ vô thời hạn, quan chức này đã rút ra một điều có thể coi là chiến lược bất thành văn của Nhật Bản.

“Hầu hết những người mắc bệnh sẽ tự phục hồi nhờ vào hệ thống miễn dịch của chính họ. Vì thế trước tiên chúng ta cần quan tâm đến những người có hệ thống miễn dịch kém nếu không hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta sẽ sụp đổ”. Điều này dường như đã giúp cho ngành y tế Nhật Bản không bị quá tải.

Cũng có ý kiến cho rằng chương trình tiêm vaccine phòng chống bệnh viêm phổi đối với người già mà Nhật Bản thực hiện từ năm 2014 có thể đóng vai trò “lá chắn” chống lại dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được chứng minh.

Một quan chức Nhật Bản nói với Asia Times rằng, chiến lược “đừng nói, đừng hỏi” dựa trên việc khuyến cáo người dân chỉ tiến hành xét nghiệm khi cần thiết và hạn chế loan truyền thông tin tiêu cực, đã được áp dụng một cách lặng lẽ. Chiến lược này nghe có vẻ thiếu tin cậy. Nhưng thực tế nó đã giúp Nhật Bản giữ được sự bình tĩnh, tiếp tục hoạt động kinh tế và giúp hệ thống y tế không bị quá tải.

Theo Asia Times/VOV

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top