Nhưng sự quan tâm ấy không đồng nhất, xét về động cơ cũng như mục đích của các “nhà quan sát,” khi người ta nhìn nhận sự kiện này từ nhiều góc độ khác nhau, với những đánh giá khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau.
Tuy nhiên, đa phần đều coi đây là một sự kiện lớn, mang tầm quốc tế, vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của quan hệ song phương Việt-Mỹ, dẫu trọng tâm của chuyến thăm lại là bàn về phát triển mối quan hệ giữa hai đối tác từng là cựu thù này.
Hiển nhiên là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama có tầm quan trọng đặc biệt.
Các trung tâm nghiên cứu, các nhà phân tích chính trị, các học giả, các nhà báo… đã đưa ra nhiều phân tích, đánh giá, nhận định, bình luận và dự báo về nhiều vấn đề liên quan đến chuyến thăm này từ trước khi nó diễn ra.
Đài BBC Việt ngữ hôm 3/5 dẫn nhận định của bà Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) nói rằng “Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, vì nó đến vào thời điểm mà cả Mỹ và Việt Nam đã sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Để mối quan hệ song phương ngày càng vững chắc, Việt Nam và Mỹ cần liên tục bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau.”
Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, nhiều nhà quan sát cho rằng ý nghĩa chuyến thăm trước hết được gắn với chiến lược “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương nơi Trung Quốc - một đối thủ và cũng là đối tác của Mỹ - đang thực sự “trỗi dậy”, nhưng không phải “trỗi dậy hòa bình” như họ nói, trở thành một thách thức tiềm tàng đối với chủ trương “xoay trục” của Mỹ.
Một nhật báo lớn xuất bản tại Mỹ, tờ “The New York Times” số ra ngày 15/5, cho rằng “đối với ông Obama, chuyến đi này là một cơ hội để củng cố chính sách xoay trục sang châu Á, và tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với Việt Nam, một quốc gia đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực.”
Không phải ngẫu nhiên mà cả ba đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau - từ Bill Clinton đến George W. Bush rồi Barack Obama - đều đến Việt Nam khi còn tại nhiệm, kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước (1995).
Trong mắt các nhà hoạch định chủ trương “xoay trục” của Mỹ, Việt Nam luôn là một điểm nhấn trên bản đồ địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tờ Việt Báo của cộng đồng người Việt tại Mỹ, số ra cuối tuần trước (tuần lễ từ 9-15/5) nhận định: “Như vậy, đối với các nhà lãnh đạo Mỹ thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam thì Việt Nam vẫn chưa bị lãng quên nhờ có vị trí chiến lược về đường biển và đất liền quan trọng trong tuyến phòng thủ an ninh ở Biển Đông và miền Nam Trung Quốc.”
Hơn nữa, về mặt địa chính trị, nói đến Việt Nam là phải nói đến Biển Đông mà “tình hình Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn là vấn đề lớn của cả thế giới,” theo cách nhìn của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel như trích thuật của tờ Việt Báo (số đã dẫn).
Đài BBC Việt ngữ ngày 10/5 cũng dẫn lời ông Daniel Russel nói tại Hà Nội cùng ngày rằng “Tăng cường quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là thành tố quan trọng trong chính sách tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương."
Nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên trưởng Nhóm tư vấn lãnh đạo Bộ Ngoại Giao Việt Nam và hiện là Giám đốc Trung tâm thông tin và hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Phát triển (VIDS), trong một bài viết được đăng tải trên trang mạng BBC Việt ngữ ngày 16/5, cho rằng “nhiều chỉ dấu cho thấy sẽ có thêm đột phá về chất trong quan hệ Mỹ-Việt” và “Đồng vọng của chuyến công du trong trường hợp ấy sẽ lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực.”
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nói thêm: “Theo giới quan sát, quan hệ Việt-Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama đã có nhiều dấu mốc tiến triển quan trọng” và bình luận: “Sau bao thăng trầm, nhiều chỉ dấu cho thấy, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể đang đứng trước cơ hội lớn để nâng tầm bang giao lên cấp độ chiến lược trong bối cảnh cục diện thế giới và khu vực đầy bất trắc, biến động.”
Phân tích những thuận lợi cũng như những trở ngại (chủ yếu là những di sản nặng nề của cuộc chiến tranh Việt Nam - theo cách gọi của người Mỹ) trong quan hệ Mỹ-Việt mà tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng coi là “duyên và nợ,” lại được đặt trong bối cảnh những diễn biến phức tạp vì tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông - nơi Trung Quốc đã và đang làm nhiều việc bất chấp luật pháp quốc tế để khẳng định chủ quyền của mình, tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng kết luận:
“Một duyên, hai nợ, ba tình. Nếu vượt qua được cái thế lưỡng nan nói trên, chuyến thăm của ông Obama sẽ là tiếng sấm đầu mùa, báo hiệu một kỷ nguyên mới trong cả quan hệ song phương lẫn khu vực. Bằng không, chuyến công du của ông chỉ là cơn mưa cuối vụ, chưa đủ để thấm đất!”
Trên thực tế, Trung Quốc luôn tỏ ý hậm hực trước những tiến triển của quan hệ Việt-Mỹ (được thể hiện rất rõ trong các bài bình luận của Thời báo hoàn cầu, một phụ bản của tờ Nhân dân Nhật báo). Thế nhưng lần này, thật lạ, Trung Quốc lại tỏ ý “vui mừng.”
Hãng thông tấn Anh Reuters trích thuật phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 13/5 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, nói rằng: “Về phía Chính phủ Trung Quốc, chúng tôi vui mừng khi thấy Việt Nam phát triển các quan hệ bình thường với Mỹ. Chúng tôi cũng hy vọng mối quan hệ này có thể có lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.”
Không rõ ông Lục Khảng nói thật hay nói ngoại giao. Dẫu sao, người ta vẫn cho rằng đó là một thông điệp tích cực từ phía Trung Quốc, ít nhất là bằng lời nói, trước những tiến triển mới trong quan hệ Việt-Mỹ.
Một điều quan trọng nữa mà người ta đang chờ đợi là liệu Tổng thống Obama có tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian chỉ còn tính bằng tháng của nhiệm kỳ cuối cùng của ông hay không.
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận này sẽ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa thương mại, nhưng chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự hậm hực từ một quốc gia nào đó.
Tuy nhiên, dư luận nhìn chung đều cho rằng ông Obama “sẽ đi vào lịch sử” nếu ông làm được điều này, giống như ông đã tạo được đột phá trong quan hệ với Cuba hoặc đạt được thỏa thuận với Iran về vấn đề hạt nhân.
Bất luận thế nào, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vẫn là sự kiện tạo được dấu ấn khó quên trong quan hệ Việt-Mỹ./.