Tập đoàn mía đường của Cuba Azcuba vừa thông báo sẽ đưa vào vận hành nhà máy điện sinh khối đầu tiên của đảo quốc Caribe này, theo một hợp đồng ký kết với doanh nghiệp Havana Energy của Anh.
Đây sẽ là công trình đầu tiên của chương trình phát triển năng lượng tái tạo tầm trung và dài hạn, bao gồm việc xây dựng và lắp đặt 25 nhà máy điện từ sinh khối bã mía bên cạnh các nhà máy đường truyền thống của Cuba.
Dự kiến nhà máy điện sinh học đầu tiên của Cuba này sẽ có công suất 60MW, trong khi các nhà máy tiếp theo sẽ được xây dựng trong hai năm tới.
Chi phí xây dựng mỗi nhà máy có thể lên tới 161 triệu USD kèm theo các công trình phụ trợ do sử dụng công nghệ tối tân.
Bên cạnh điện sinh khối, tháng trước, doanh nghiệp Hive Energy của Anh cũng đã trở thành doanh nghiệp ngoài nước đầu tiên giành được một hợp đồng điện Mặt Trời tại Cuba, với dự án có công suất 50MW và dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Công trình Hive Energy sắp xây dựng tại Đặc khu phát triển Mariel của Cuba này sẽ có thiết kế tương tự với công viên điện Mặt Trời lớn nhất của Anh, cũng do Hive Energy thi công, có công suất 48MW và đặt tại làng Southwick, trên bờ biển hạt Hampshire.
Hiện tại Cuba chủ yếu sử dụng nhiệt điện, tuy nhiên trong điều kiện bị Mỹ cấm vận ngặt nghèo, hệ thống nhà máy nhiệt điện và mạng lưới truyền tải điện của đảo quốc Caribe này đã trở kém hiệu quả, chưa kể sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ bên ngoài.
Để thay đổi thực trạng này, La Habana đang tập trung phát triển ba hình thức sản xuất điện năng mới mà nước này có nhiều tiềm năng là điện gió, điện Mặt Trời và điện sinh học từ bã mía.
Cuba dự kiến đầu tư tới 3,5 tỷ USD trong vài năm tới vào việc nâng cao sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong nước, nhằm đưa tỷ lệ năng lượng tái tạo từ mức 4% tổng sản lượng điện trong nước năm 2015 lên mức 20% vào năm 2020 và hạ giá thành sản xuất điện từ 21,1USD mỗi kWW năm 2013 xuống mức 17,9USD mỗi kWW năm 2020./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.