Trong cuộc “đối đầu” thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, có một khu vực đang“âm thầm hưởng lợi", đó là Đông Nam Á.
Trước những pha tấn công trực diện bằng thuế suất của Mỹ, hôm 8/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này sẽ tiến hành đánh thuế bổ sung 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ. Cùng với động thái này, Trung Quốc cũng bắt đầu thắt chặt “vòng kìm cô” đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Trong cuộc “đối đầu” không khoan nhượng giữa hai cường quốc, có một khu vực đang “âm thầm hưởng lợi” đó là Đông Nam Á.
Công ty Mỹ chịu trận
Đòn phản công của Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng xấu đến các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, chẳng hạn như như Apple hay GM. Chuyên gia Alexander Salitsky từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) cho rằng: “Thật không may, kịch bản về việc Trung Quốc và Mỹ sẽ giải quyết các mâu thuẫn và giảm căng thẳng, ít nhất là nới lỏng rào cản về mặt thuế quan đã không thành sự thật”.
Theo ông Alexander Salitsky, động thái gia tăng sức ép từ Washington đã khiến Trung Quốc phải tung đòn đáp trả và các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc trở thành nạn nhân bị tổn thương nhiều nhất do có quan hệ gắn kết chặt chẽ với thị trường nội địa.
Trước đó vào hôm 5/8, Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã thông báo về “những biện pháp trực diện” nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc. Theo tờ báo này, một số công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn và các quy định giám sát ngặt nghèo hơn liên quan đến căng thẳng thương mại gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.
Mặc dù Trung Quốc khó có khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến áp đặt rào cản thuế quan, bởi lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc ít hơn lượng hàng hóa nước này xuất khẩu sang Mỹ, song Trung Quốc có thể tính đến các biện pháp “thực chất” như thắt chặt thủ tục hải quan nhằm tạo ra “nút thắt cổ chai” trong việc tiếp nhận hàng Mỹ, kéo dài thời gian kiểm định tại các sân bay hay đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản phẩm để thay thế hàng Mỹ.
Theo các nhà phân tích, thay vì mua máy bay của hãng Boeing (Mỹ), Trung Quốc có thể đặt hàng với đối thủ cạnh tranh của hãng này là tập đoàn Airbus (Châu Âu), hoặc người tiêu dùng Trung Quốc có thể mua điện thoại di động của tập đoàn Xiaomi thay vì iPhone của Apple. Điều đó khiến Apple đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu nghiêm trọng tại thị trường lớn thứ 3 thế giới này.
“Vậy điều gì sẽ xảy ra với các công ty Mỹ đang hoạt động trên thị trường Trung Quốc? Có lẽ họ sẽ phải điều chỉnh để thích ứng với tình trạng thực tại, chẳng hạn như chuyển một số chi nhánh hay cơ sở sản xuất tới các quốc gia khác, hoặc cũng có thể quay trở về Mỹ”.
Dẫu vậy, vẫn có một số ý kiến hoài nghi về việc các công ty Mỹ sẽ từ bỏ thị trường đầy tiềm năng này do sự tăng trưởng đều đặn của nền kinh tế và sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc. Cũng theo ông Salitsky, “doanh thu của các công ty Mỹ trên thị trường Trung Quốc rất lớn, ước tính khoảng 200 tỷ USD”.
Trung Quốc không tránh khỏi ảnh hưởng
Các biện pháp đáp trả có thể giúp Trung Quốc đối phó với Mỹ song cũng khó tránh khỏi việc gây tác dụng ngược lại đối với chính nước này, chẳng hạn như khiến người lao động Trung Quốc mất việc hay khiến một số công ty Trung Quốc phụ thuộc vào đối tác Mỹ phá sản.
Ông Tom Holland, thuộc công ty nghiên cứu thị trường Gavekal cho biết: “Tẩy chay hàng hóa do các công ty Mỹ sản xuất sẽ ảnh hưởng tới thị trường lao động của Trung Quốc”. Ông chỉ ra rằng một số công ty hàng đầu của Mỹ như Apple đã đặt các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc và sử dụng đông đảo lao động địa phương.
Trong một số trường hợp, nhiều công ty Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay vào những thương hiệu hàng đầu của Mỹ. Kể từ năm 2017, McDonald's chỉ nắm 20% hoạt động kinh doanh của tập đoàn này tại Trung Quốc, phần còn lại do công ty chứng khoán Trung Quốc Citic và một công ty con của tập đoàn này nắm giữ.
Ngoài ra, tập đoàn GM của Mỹ cũng liên doanh với các nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Trung Quốc như tập đoàn SAIC Motor hay FAW Group. Andrew Polk, thuộc công ty tư vấn Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Bất cứ biện pháp nào Trung Quốc thực hiện cũng gây tổn hại cho Mỹ nhưng nước này cũng sẽ không tránh khỏi tổn thất”.
Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định, nước này không muốn bước vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng sẽ không ngần ngại đấu tranh khi lợi ích bị tổn hại. Theo nhà phân tích Alexander Salitsky, chính phủ Trung Quốc sẽ không đồng ý thỏa hiệp trước những yêu cầu vô lý từ phía Mỹ và cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ gây tổn hại lớn đến lợi ích của cả 2 bên.
Đông Nam Á hưởng lợi?
Các nước Đông Nam Á đã gióng lên hồi chuông báo động về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Những quốc gia như Malaysia, Singapore, Philippines, Thailand, Việt Nam và Indonesia, vốn có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc cũng đã chuẩn bị các biện pháp cho riêng mình. Hồi tháng 7 vừa qua, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã áp dụng những biện pháp phòng ngừa nhằm làm giảm các tác động của cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Zhang Ningm, chuyên gia chiến lược tài chính tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ giúp nhiều nước Đông Nam Á được hưởng lợi. Điều duy nhất mà các quốc gia trong khối ASEAN lo ngại là khả năng Washington mở rộng chính sách bảo hộ thương mại tới Đông Nam Á.
“Sự leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể mang đến lợi ích nhất định cho các quốc gia Đông Nam Á. Không thể phủ nhận cuộc chiến này ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nó sẽ khiến trao đổi kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á ngày càng trở nên gắn bó hơn”.
Ngày 19/7 vừa qua, ông Matthew Pottinger, Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, cuộc chiến này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho ASEAN để mở rộng giao thương quốc tế. “Sẽ có một sự gián đoạn trong quá trình điều chỉnh quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc. Trước mắt, điều này sẽ mở ra các cơ hội mới cho những nước thành viên ASEAN để đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. ASEAN sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao”.
Theo nghiên cứu của công ty môi giới chứng khoán CGS-CIBM, các loại sản phẩm mà những nước Đông Nam Á đang cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ như thiết bị điện tử, máy móc, hóa chất, phụ kiện máy bay, lốp cao su và thiết bị y tế, có thể hưởng lợi từ việc chuyển đổi nhu cầu tiêu dùng tại hai thị trường lớn của thế giới.
Rào cản thuế quan mà Mỹ áp đặt sẽ khiến giá cả các mặt hàng Trung Quốc tăng cao, và làm giảm sức cạnh tranh. Tận dụng cơ hội này, nhiều công ty Đông Nam Á có thể xâm nhập thị trường Mỹ. Tại Singapore, đối tượng được lợi là các nhà xuất khẩu thiết bị xử lý dữ liệu tự động, phụ kiện máy bay, dược phẩm… vốn cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trên thị trường Mỹ./.
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.