Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 15:25

Hạn hán nghiêm trọng gây áp lực lên giá lương thực toàn cầu

Theo phân tích sơ bộ của các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chung của Liên minh châu Âu, hiện nay, châu Âu đang phải đối mặt với đợt hạn hán dường như là tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm qua.

Hạn hán nghiêm trọng trên khắp Bắc bán cầu, trải dài từ Trung Quốc, EU sang Mỹ đang tiếp tục làm rối loạn chuỗi cung ứng và đẩy giá lương thực, năng lượng lên cao.

Tình trạng hạn hán đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cây trồng từ các khu vực trồng trọt quan trọng của nước Mỹ, đến lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về nạn đói toàn cầu và triển vọng “hạ nhiệt” lạm phát.

Từ Trung Quốc...

Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, các khu vực của nước này đang trải qua đợt nắng nóng dài nhất kể từ năm 1961, khiến hoạt động sản xuất trì trệ do thiếu điện. Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho biết, giới chức ở miền Trung và Tây Nam đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán ở 6 khu vực, vốn cung cấp 25% sản lượng ngũ cốc của nước này hồi năm ngoái.

 

z3722972790255_1e35b4de1c327da4099a45de7e51cff5.jpg
Hình ảnh bờ sông Dương Tử (Trùng Khánh - Trung Quốc) cạn nước. Ảnh: WSJ

 

Tại một trang trại cá vược ở thành phố Nam Hải, nhiệt độ mùa hè tăng quá cao đã làm cá vược ở đây chết hàng loạt nổi lềnh bềnh, khiến trang trại thua lỗ 15 triệu USD.

Hạn hán, nắng nóng khiến nguồn nước bị hao hụt, ảnh hưởng trực tiếp tới năng lượng điện. Tại Tứ Xuyên, hôm 21/8, chính quyền địa phương đã kích hoạt phản ứng tình trạng khẩn cấp ở mức cao nhất trong bối cảnh thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời gia hạn lệnh đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất nhiều nhà máy để ưu tiên nguồn điện phục vụ sinh hoạt trong 6 ngày.

Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, mực nước sông Dương Tử hôm 20/8 giảm đến mức làm lộ ra một cù lao gần thành phố Trùng Khánh, nơi được đặt 3 tượng phật có tuổi đời tới 600 tuổi. Ngoài ảnh hưởng đến việc canh tác của hơn 800.000 ha đất nông nghiệp, tình trạng hạn hán đã làm suy giảm nguồn nước phục vụ thủy điện.

Tại Trung Quốc, tình trạng hạn hán lịch sử đã xảy ra ở các vùng dọc sông Dương Tử và vùng Tứ Xuyên, làm ảnh hưởng đến cây lúa, nguồn cung cấp lương thực hàng đầu của nước này.

... đến Mỹ

Cảnh báo mới nhất được phát ra từ vùng Midwest nước Mỹ, nơi ghi nhận tình trạng những cây ngô khô héo, sản lượng đậu tương ngày càng ít hơn bình thường.

Ngoài ra, báo cáo không mấy tích cực từ tổ chức nông nghiệp Pro Farmer Crop Tour cũng khiến giá ngũ cốc tăng trở lại mức cao nhất kể từ tháng 6.

Thế giới đang tuyệt vọng tìm kiếm nguồn cung ngũ cốc dự trữ bị mất đi do gián đoạn thương mại ở khu vực Biển Baltic và điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một số khu vực trồng trọt có quy mô lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, những quan chức và người tham gia thị trường, thậm chí có cả những người từng rất lạc quan, đã phải sửng sốt khi thực hiện chuyến đến tham quan các cánh đồng nước Mỹ và nghe báo cáo về thiệt hại trên diện rộng, do tình trạng nắng nóng gay gắt và thiếu nước.

Trong khi đó, hạn hán cũng đang ảnh hưởng đến các khu vực ở châu Âu và Ấn Độ, giữa lúc triển vọng xuất khẩu lương thực từ Ukraine, nước xuất khẩu ngô và dầu thực vật hàng đầu thế giới, là khó có thể dự đoán khi cuộc xung đột giữa nước này và Nga vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Joe Glauber, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết: “Ngay cả trước khi tin tức về thiệt hại trên các cánh đồng được phát đi, tôi đã lo ngại lượng hàng tồn kho sẽ không đủ cho đến năm 2023”.

Theo chuyên gia này, việc Ukraine có thể mở cửa các cảng là một tín hiệu đáng hoan nghênh nhưng khối lượng xuất khẩu hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình thường.

Các thương nhân luôn theo dõi chặt chẽ các dự báo thời tiết nhưng năm nay sự cảnh giác đã được tăng cường. Trong khi giá ngô, lúa mỳ và đậu tương đã hạ nhiệt từ mức cao kỷ lục hoặc gần kỷ lục được ghi nhận vào đầu năm nay nhưng giá ngũ cốc kỳ hạn vẫn biến động mạnh. Những bất ngờ về thời tiết từ nay đến khi hết kỳ thu hoạch vào mùa Thu có thể khiến giá tăng vọt trở lại.

Chỉ số theo dõi giá ngũ cốc và đậu tương đang cao hơn gần 40% so với mức trung bình của 5 năm và hiện tượng giá cây trồng tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát toàn cầu. Hiện nay, tình trạng thiếu lương thực đã dẫn đến sự sụp đổ của Chính phủ Sri Lanka giữa bối cảnh quốc gia này cạn kiệt tiền để thanh toán cho nhập khẩu.

Tại Mỹ, ngô là cây trồng chiếm ưu thế nhất và một vụ mùa thu hoạch mờ nhạt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, tạo thêm áp lực cho khu vực Nam Mỹ trong việc sản xuất vụ mùa vào đầu năm tới.

Sau chuyến tham quan đến các cánh đồng gần đây, các quan chức ước tính rằng sản lượng ngô của Mỹ sẽ thấp hơn 4% so với dự báo chính thức của chính phủ. Trước đó, sự sụt giảm cũng đã được ghi nhận đối với lúa mỳ tại Mỹ và đậu tương ở Brazil.

Lan khắp toàn cầu

Sản lượng lúa của Ấn Độ giảm 8% trong mùa này do tình trạng thiếu mưa ở một số khu vực. Chính phủ đang thảo luận về các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo tấm, loại gạo chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất ethanol ở nước này.

Triển vọng ngành nông nghiệp toàn cầu trong năm 2023 đang khiến các nhà theo dõi thị trường lo lắng. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, thế giới phải đối mặt với năm thứ ba liên tiếp xảy ra hiện tượng La Nina. Điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với tình trạng hạn hán trên khắp nước Mỹ cũng như tình trạng khô hạn ở các vùng trồng trọt quan trọng của Brazil và Argentina.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, sự nóng lên toàn cầu sẽ là lực cản ngày càng lớn đối với sản lượng nông nghiệp trong những năm tới.

 

z3722972830041_03a492bdaa53fbb416cabd2355183b6e.jpgNhững con cừu tìm thức ăn trên lòng sông khô cạn do hạn hán tại Villarta de los Montes, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

 

Theo phân tích sơ bộ của các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chung của Liên minh châu Âu (EU), hiện nay, châu Âu đang phải đối mặt với đợt hạn hán dường như là tồi tệ nhất trong ít nhất 500 năm qua.

Một số cây trồng ở EU đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Dự báo sản lượng ngô sẽ thấp hơn 15% so với mức trung bình 5 năm.

Abdolreza Abbassian, chuyên gia phân tích thị trường thực phẩm và cựu chuyên gia kinh tế của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO) cho biết: “Với việc giá năng lượng vẫn tiếp tục tăng trong mùa Đông tới, bất kỳ sự thiếu hụt lớn nào về nguồn cung ngô cũng sẽ tác động khủng khiếp đến lĩnh vực thực phẩm và thức ăn chăn nuôi”.

Giải pháp tình thế

WSJ cho biết, nắng nóng đã buộc Pháp phải cắt giảm sản lượng tại một số lò phản ứng hạt nhân vì nước sông làm nguội chúng quá ấm. Trong khi đó, Đức, nước tiêu thụ lượng khí đốt của Nga nhiều nhất châu Âu, có kế hoạch đốt nhiều than đá hơn để sản xuất điện.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 20/8 thông báo sẽ triển khai phương án tăng lượng mưa bằng cách bắn hóa chất vào các đám mây, đồng thời triển khai phun “hóa chất giữ nước” trên đồng lúa để ngăn nước bốc hơi và hạn chế thiệt hại do hạn hán kéo dài.

Các nhà khoa học khí hậu Mỹ và châu Âu cho biết, các đợt khô hạn trong năm nay một phần là do La Nina, hiện tượng thời tiết do nhiệt độ lạnh bất thường ở khu vực Đông và Trung xích đạo của Thái Bình Dương khiến các khu vực của châu Âu, Mỹ và châu Á có ít mưa hơn.

Theo Liên Hợp quốc, số lượng các đợt hạn hán trên toàn thế giới đã tăng 29% kể từ năm 2000 do suy thoái đất và biến đổi khí hậu.

 

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
Top