Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2019 | 22:17

Hàn Quốc bảo vệ ngành nông nghiệp sau khi từ bỏ đặc quyền tại WTO

Sau khi từ bỏ những đặc quyền với tư cách là một quốc gia đang phát triển tại WTO, Hàn Quốc đang lên kế hoạch bảo vệ ngành nông nghiệp thông qua các chinh sách cải tổ.

nn.jpg

Người nông dân Hàn Quốc thu hoạch cải thảo. (Nguồn: Public Radio)

 

Chính phủ Hàn Quốc ngày 25/10 tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ ngành nông nghiệp của nước này sau khi quyết định từ bỏ những đặc quyền mà nước này được hưởng với tư cách là một quốc gia đang phát triển tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, các nông dân Hàn Quốc vẫn tỏ ra nghi ngại về quyết định này.

Theo giới quan sát, quyết định của Seoul nhằm giảm bớt áp lực tiềm ẩn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã chỉ trích Hàn Quốc và các quốc gia khác vì cho rằng họ đã lợi dụng vị thế nước đang phát triển. Nhưng nó lại có thể ảnh hưởng tới triển vọng dài hạn cho lĩnh vực nông nghiệp Hàn Quốc.

Trả lời các phóng viên tại Seoul cùng ngày quyết định trên được đưa ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hong Nam-ki thừa nhận người nông dân Hàn Quốc có thể thấy thất vọng với quyết định trên. Tuy nhiên, ông khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ các lĩnh vực nhạy cảm trong ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo, tại các cuộc đàm phán của WTO về nông nghiệp trong tương lai.

Bộ trưởng Hong khẳng định ngay cả khi Hàn Quốc không còn được hưởng lợi ích từ vị thế một quốc gia đang phát triển, điều này sẽ không có tác động ngay lập tức đến lĩnh vực nông nghiệp. Ông nói rằng nước này có đủ thời gian và khả năng để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sắp tới.

Chính phủ Hàn Quốc tin rằng vị thế mới tại WTO sẽ không gây phương hại cho ngành nông nghiệp của nước này. Sự tin tưởng này dựa trên thực tế rằng những loại thuế quan và khoản trợ cấp hiện có của Hàn Quốc sẽ được duy trì cho đến khi các cuộc đàm phán Chương trình nghị sự DOHA về Phát triển của WTO thoát khỏi tình trạng bế tắc, vốn đã kéo dài trong nhiều năm.

Sau quyết định mới nhất, Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ cải tổ các chính sách nông nghiệp hiện thời để chuyển trọng tâm từ bù lỗ sang mở rộng đầu tư nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của ngành này.

Hàn Quốc dự kiến sẽ phân bổ ngân sách khoảng 15.300 tỷ won (13 tỷ USD) cho lĩnh vực nông nghiệp vào năm tới, mức cao nhất trong 10 năm qua.

Ngoài ra, Seoul cho biết họ sẽ nhanh chóng sửa đổi chương trình trợ cấp hiện có để mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng hơn, trong bối cảnh gia tăng tranh cãi rằng chương trình này đang khiến người nông dân Hàn Quốc bị chia rẽ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ nỗ lực bình ổn giá các sản phẩm chủ chốt cũng như cải cách những chương trình bảo hiểm để ổn định hoạt động kinh doanh cho các trang trại.

Để đảm bảo đà tăng trưởng bền vững hơn cho các trang trại trong nước, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cấp cho những người bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khoản trợ cấp hàng tháng lên tới 1 triệu won cùng với các lợi ích khác.

Tuy nhiên, dù có sự đảm bảo từ Chính phủ, người nông dân Hàn Quốc vẫn tỏ ra lo ngại và cho rằng sự thay đổi này rồi sẽ gây tổn hại cho ngành nông nghiệp trong nước về dài hạn.

Một nhóm các đại diện từ nhiều hội đoàn nông dân Hàn Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó đề cập rằng nếu Hàn Quốc từ bỏ vị thế quốc gia đang phát triển, Washington có thể yêu cầu nước này tiếp tục mở cửa hơn nữa ngành nông nghiệp.

Một quan chức giấu tên của Bộ Nông nghiệp cho biết hiện Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra các biện pháp đối phó cụ thể vì ngay lập tức sẽ không có bất cứ tác động tiêu cực nào. Song Bộ này khẳng định Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán trong tương lai.

Hàn Quốc đã duy trì vị thế là quốc gia đang phát triển kể từ năm 1995 để bảo vệ ngành nông nghiệp, đặc biệt là gạo. Vấn đề đặc quyền của các quốc gia đang phát triển sẽ là chủ đề của các cuộc đàm phán đa phương trong tương lai, có nghĩa là các khoản hỗ trợ ngành nông nghiệp và thuế đánh vào hàng nông sản của Hàn Quốc sẽ không bị ảnh hưởng ngay cả khi nước này quyết định từ bỏ vị thế là quốc gia đang phát triển. Hiện Hàn Quốc vẫn đang áp mức thuế 513% đối với gạo nhập khẩu vượt hạn ngạch 409.000 tấn/năm từ Mỹ và các nước khác./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top